Ảnh Hoàng Long Những điểm đáng lưu ý Những thông tin liên quan đến hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại vẫn khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Đặc biệt thông tin do chính Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra ngày 28-2: tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng đã về 6%. Đặt trong bối trong khi tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm vẫn liên tục âm thì con số 6% nói lên điều gì? Điểm mấu chốt quyết định sự phát triển của kinh tế Việt Nam năm 2013 là có xử lý được nợ xấu hay không thì việc hạ được nợ xấu từ 8% về ngưỡng 6% mở ra hướng đi gì? Có thể nói việc giảm điểm 2% nợ xấu là tín hiệu mừng, điều này cho thấy những nỗ lực quyết liệt của Chính phủ đến cơ quan điều hành NHNN trong việc kìm và giảm nợ xấu là đáng ghi nhận. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh - Đại học Ngân hàng TPHCM khẳng định, sự chỉ đạo sát sao của NHNN tới các thành viên gỡ "cục máu đông” nợ xấu đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tốc độ hạ nhiệt nợ xấu từ 8,82% cuối năm 2012 chỉ còn 6% trong quý 1 của năm 2013 là nhanh, và quá mừng so với lộ trình mình mong muốn. Nhất là trong điều kiện, công ty quản lý tài sản chưa được thành lập. Việc xử lý nợ xấu hoàn toàn do các ngân hàng thương mại tự đảm nhận. Các ngân hàng thương mại đã nghiêm túc trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, theo ông Dương, bên cạnh những điểm mừng vẫn tiềm ẩn nỗi lo khác. Trong khi theo chuẩn quốc tế, tỷ lệ nợ xấu nằm trong ngưỡng an toàn là 3% thì hiện nay nợ xấu vẫn ở mức 6%. Chưa kể 6% này lại đang tồn tại trong một thể lực ngân hàng không mạnh, mà vấn đề lách trần lãi suất luôn chầu chực. Đặc biệt con số nợ xấu 6% chưa là con số cuối cùng. Phân tích cụ thể hơn, ông Dương nói: nó không hoàn toàn cố định mà có thể tăng hoặc giảm. Trong điều kiện giảm được nữa là điều tốt. Nhưng với trường hợp xấu hơn, nợ xấu vẫn có thể vụt tăng trở lại do đến hẹn lại về. Trước đó ngày 23-4-2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký ban hành quyết định về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. NHNN cho phép các tổ chức tín dụng và ngân hàng nước ngoài giữ nguyên phân loại nợ của các doanh nghiệp được gia hạn nếu đánh giá DN kinh doanh tốt và có khả năng trả nợ. Như vậy sau gần 1 năm, có khả năng nợ xấu sẽ bung trở lại. Các khoản nợ chưa đến hạn phải trả nhưng vẫn tiềm ẩn quá hạn. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc kìm giữ nợ xấu. Do vậy, phần 2% nợ xấu đã giảm được ông Dương ví von: phần thịt nạc dễ xơi, còn phần 6% còn lại "rất xương xẩu”. Nếu muốn giảm, hoặc là giữ nguyên cũng không hề đơn giản. Thực hư các con số Chưa hết, phía sau 6% còn có những nghi hoặc khác. Nhất là trong cách thức làm ăn của giới ngân hàng vẫn luôn tồn tại hai cuốn sổ! (2 sổ sách- PV). Từ lâu thói quen của các ngân hàng thương mại là che giấu thực trạng nợ xấu, làm đẹp bảng cân đối kế toán. Nhưng mệnh lệnh mà cơ quan quản lý đưa ra từ cuối năm 2012 đến nay là: phải xử lý nợ xấu. Theo mạch chảy, các ngân hàng thương mại "gật đầu” chiều lòng cơ quan quản lý, nhẹ nhàng việc điều chỉnh tiêu chí đánh giá nợ xấu, để làm giảm tỷ lệ nợ xấu ở nhóm 4, nhóm 5 (là nhóm được coi là rất khó có khả năng thu hồi). Do vậy, báo cáo của các ngân hàng thương mại cũng như kết quả thanh tra của NHNN vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn khi chưa làm rõ cơ cấu nợ xấu giảm ra sao. Nợ xấu giảm ở khối DN nhà nước, khối DN tư nhân, hay là bất động sản? TS Lê Thẩm Dương khẳng định: Nếu 6% nằm ở hạng 4 thì cũng không nguy hiểm bằng nằm ở hạng 5 (hạng dưới chuẩn). Điều cần băn khoăn chính là tỷ lệ được phân bổ như thế nào? Bao nhiêu tài sản đảm bảo sẽ bán được, và bao nhiêu tài sản đã mất giá. Chính là phần thực và ảo của 6% đang ở ngưỡng nào? Đáng ngại là qua thông tin báo chí, vẫn có trường hợp DN đảo nợ. Một số chuyên gia cho rằng, khối nợ xấu từ xưa đến nay vẫn chưa hề được đong đếm chính xác về quy mô nên nợ xấu hiện nay về 6% cũng có thể là sự trấn an dành cho dư luận? Thật vậy đã có giai đoạn, nợ xấu ngân hàng liên tục được mổ xẻ. Ngày 7-6-2012, giải trình trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đưa ra con số nợ xấu tới 10%. Sau đó, 1 tháng, NHNN lại họp báo công bố số liệu, tỷ lệ nợ xấu theo kết quả giám sát của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng là 8,6% (tương đương 202.000 tỷ đồng ). Sự thiếu thống nhất, nhiễu số liệu ngay từ ban đầu đã dẫn đến nghi ngại tiếp theo. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, con số mới nhất mà ông được biết thì nợ xấu ngân hàng tới 400.000 tỷ đồng. Ông Thiên bày tỏ sự băn khoăn đến nay chưa có con số nợ xấu chính xác của toàn quốc gia, nên bức tranh nợ xấu chưa biết mức độ sáng tối thế nào. Liên quan đến thu hồi nợ xấu, ông Lê Thẩm Dương cho rằng, muốn nhanh hơn, gấp rút quyết định thành lập công ty quản lý tài sản, minh bạch các số liệu liên quan đến nợ xấu. Thúy Hằng |
nguồn:ddk.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã