Nói nôm na, nông sản là sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp, tức là sản phẩm của nông dân, cũng tức là những lợi ích từ việc tiêu thụ trên thị trường đương nhiên thuộc về nông dân. Tuy nhiên, trên thực tế, không chỉ ở nước ta, mà trên bình diện toàn cầu, câu chuyện này lại không đơn giản như vậy.
Cho dù không được tận mắt chứng kiến, bởi đó là những câu chuyện lịch sử, nhưng vẫn có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, đã từng có những tranh cãi gay gắt trong thương mại quốc tế về nông sản.
Bằng chứng là, để phân xử, người đứng đầu thương mại các nước thành viên WTO đã từng thỏa thuận ký kết hiệp định về nông nghiệp (agreement on agriculture) từ cách nay hơn ba thập kỷ. Thế nhưng, ngay cả trong văn kiện pháp lý quốc tế này, nông sản là gì cũng không có định nghĩa cụ thể, mà được xác nhận bằng một bảng liệt kê, bao gồm:
1) 23 nhóm hàng đầu tiên, từ mã 01 đến mã 24 trong danh mục HS hai chữ số, trừ mã 03 (cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thủy sinh không xương sống khác);
2) 21 nhóm hàng trong danh mục HS bốn chữ số (gồm các mã: 33.01, từ 35.01 đến 35.05, từ 41.01 đến 41.03, 43.01, từ 50.01 đến 50.03, từ 51.01 đến 51.03, từ 52.01 đến 52.03, 53.01 và mã 53.02);
3) Bốn mặt hàng trong danh mục HS sáu chữ số (gồm các mã: 2905.43, 2905.44, 3809.10 và 3823.60).
Như vậy, theo văn kiện này, nông sản bao gồm hai nhóm hàng. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm bao gồm tất cả 23 nhóm hàng đầu tiên (không bao gồm thủy sản), bất kể mức độ chế biến sâu, nông thế nào.
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, nếu tính theo mã HS 6 chữ số, nhóm hàng này hiện bao gồm tới hơn 1.100 mặt hàng được buôn bán trên thị trường thế giới. Trong khi đó, nhóm hàng còn lại tuy cũng có nguồn gốc từ nông nghiệp, nhưng chỉ khi còn ở dạng nguyên liệu, cho nên chỉ bao gồm một số rất ít các mặt hàng như: tinh dầu, anbumin, da sống, da lông, bông, tơ tằm, lanh, gai.
Chắc chắn, dựa trên cơ sở pháp lý này, hằng năm, WTO cũng như Liên hợp quốc vẫn tính toán và công bố các số liệu thống kê về xuất, nhập khẩu nông sản của toàn thế giới. Không những vậy, theo như giải thích của WTO, trong khi nhóm hàng lương thực, thực phẩm đã bao gồm tất cả các loại, tức là gồm có cả thủy sản, còn nông sản nguyên liệu thì bao gồm cả cao su, gỗ, thì nông sản đã bao gồm cả các sản phẩm của nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp.
Trên thực tế, WTO chỉ công bố duy nhất một cặp số liệu thống kê dưới tiêu đề: “Xuất khẩu nông sản” (Agricultural products export) và “Nhập khẩu nông sản” (Agricultural products import). Theo đó, với 16,84 tỷ USD năm 2010, Việt Nam giữ vị trí thứ 23 thế giới, còn với 29,94 tỷ USD năm 2019, chúng ta được thăng hạng ba bậc để lọt vào Top 20. Còn trong nhập khẩu, hai cặp số liệu tương ứng của Việt Nam năm 2010 là 10,27 tỷ USD và thứ 34, năm 2019 là 26,02 tỷ USD và thứ 18.
Với tổng những giá trị tuyệt đối tương tự, Liên hợp quốc đã phân tổ cơ cấu của hàng nông sản thành bốn phân nhóm: lương thực, thực phẩm cơ bản (food basic), lương thực, thực phẩm cơ bản, không kể chè, cà phê, ca cao và gia vị (food, basic excluding tea, coffee, cocoa and spices), đồ uống và thuốc lá (beverages and tobacco) và nông sản nguyên liệu (agricultural raw materials) với tỷ trọng hằng năm dao động trên dưới 15%.
Tuy nhiên, vấn đề rất quan trọng đặt ra ở đây là, tại sao cùng là những sản phẩm cũng có nguồn gốc từ nông nghiệp, nhưng lại có sự phân biệt rất rõ ràng theo mức độ chế biến như vậy giữa hai nhóm hàng? Có lẽ, sự khác biệt này bắt nguồn từ hai nguyên nhân cộng hưởng lẫn nhau sau đây:
- Thứ nhất, lương thực, thực phẩm có mặt trên thị trường thế giới với chủng loại vô cùng đa dạng, có thể ăn tươi, hoặc qua chế biến, còn việc chế biến cũng hết sức đa dạng về quy mô và mức độ, có thể do chính nông dân tự tiến hành, hoặc do công nghiệp chế biến tham gia, cho nên không thể phân biệt rõ ràng, đâu là sản phẩm của nông dân, đâu là sản phẩm của công nghiệp chế biến, còn nông sản nguyên liệu thì ngược lại, đơn giản hơn rất nhiều vể chủng loại và có thể khu biệt rõ ràng vai trò của công nghiệp chế biến.
- Thứ hai, do rất nhiều những nguyên nhân khác nhau, không chỉ sản xuất nông nghiệp, mà cả trong xuất, nhập khẩu lương thực, thực phẩm, là những hoạt động thường được nhiều quốc gia trợ cấp, ảnh hưởng đến cả chuỗi sản phẩm từ đầu ra của nông dân đến những sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, có thể dẫn đến những xung đột về lợi ích trên thị trường, cho nên Hiệp định về nông nghiệp đã ra đời chính là để điều tiết toàn bộ lĩnh vực hoạt động rất quan trọng này.
Nếu nhìn vào hệ thống số liệu thống kê của nước ta cho đến nay, không khó để nhận ra rằng, chúng ta luôn luôn có bộ ba con khác nhau “một trời một vực” về nông sản. Chẳng hạn, cùng là năm 2020, theo Bộ NN-PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản (sau đây gọi chung là nông sản) của nước ta đã đạt 41,2 tỷ USD, nhưng Tổng cục Thống kê lại cho rằng, con số này chỉ là 28,7 tỷ USD, thấp hơn tới 12,5 tỷ USD và 30,3%, theo Bộ Công Thương thì con số này lại còn thấp hơn nữa, chỉ 25,03 tỷ USD, thấp hơn tới 16,2 tỷ USD và 39,3%.
Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt đó là cách nhìn nhận khác nhau về phạm trù nông sản. Trong đó, theo Bộ Công Thương, trong “rổ hàng hoá xuất khẩu” của nước ta, nông sản chỉ gồm chín mặt hàng. Đó là thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su.
Ngược lại, theo Bộ NN-PTNT, danh mục hàng nông sản xuất khẩu không chỉ có vậy, mà còn rộng hơn nhiều. Đó là, sau những thay đổi theo hướng mở rộng, cho tới nay, nông sản còn bao gồm cả sản phẩm cao su, thức ăn gia súc và nguyên liệu, phân bón, sản phẩm chăn nuôi, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm mây, tre, cói, thảm.
Trong khi đó, do Tổng cục Thống kê không chỉ ra “rổ nông sản” xuất khẩu bao gồm những mặt hàng nào, cho nên chỉ có thể suy đoán nó không hẹp như ấn định của Bộ Công Thương, nhưng chắc chắn cũng không thể rộng như của Bộ NN-PTNT, mà nằm chung chiêng ở giữa. Không những vậy, cho đến nay, cả Bộ Công Thương lẫn Tổng cục Thống kê cũng đều không công bố gì về nhập khẩu nông sản. Từ thực tế đó, những vấn đề chủ yếu đặt ra ở đây là:
- Thứ nhất, phân bón (hóa học) là yếu tố đầu vào của nông nghiệp, là thứ nông dân cần mua để tiến hành sản xuất, chứ tuyệt nhiên không phải là thứ họ sản xuất được để bán.
- Thứ hai, nếu coi sản phẩm cao su, sản phẩm gỗ là nông sản thì tại sao giấy và sản phẩm giấy, hoặc sợi, thậm chí là vải... lại không được coi là nông sản khi chúng đích thực cũng được chế biến từ tre, nứa, gỗ, bông... mà ra?
- Thứ ba, nếu coi thức ăn gia súc và nguyên liệu, cũng như sản phẩm chăn nuôi là nông sản thì việc không “kết nạp” mặt hàng bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc... vào hàng nông sản cũng không thỏa đáng, bởi nó đích thực cũng được chế biến từ ngũ cốc, thực phẩm... mà ra.
- Thứ tư, sẽ là khiên cưỡng khi coi sản phẩm cao su xuất khẩu là nông sản, nhưng trong nhập khẩu thì không, cũng như không ít những mặt hàng có quy mô nhập khẩu ngày càng tăng khác, còn thuốc trừ sâu và nguyên liệu nhập khẩu thì cũng là đầu vào của nông nghiệp như phân bón nói ở trên.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất là, các mặt hàng nói trên đều có điểm chung là, chúng không phải là sản phẩm của nông dân, và do vậy, cũng không phải là kết quả của ngành nông nghiệp. Do vậy, xác định “thước đo” này có lẽ là điều thực sự cần thiết. Bởi lẽ, nó giúp đánh giá chính xác hơn đời sống của nông dân, đồng thời cũng là thành tựu của ngành nông nghiệp trong từng giai đoạn phát triển và là công cụ pháp lý không thể thiếu trong giao thương quốc tế.
https://nongnghiep.vn/chum-don-hang-danh-cho-tu-lenh-nganh-nong-nghiep-d296545.html
Theo Nguyễn Đình Bích/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã