Học tập đạo đức HCM

Sẵn sàng đưa vải thiều sang Nhật Bản

Thứ hai - 04/05/2020 02:29
Chỉ còn vài tuần nữa là Bắc Giang bước vào vụ thu hoạch vải thiều sớm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ở nhiều nước còn diễn biến phức tạp, hiện tỉnh này đã chuẩn bị mọi điều kiện để đảm bảo công tác tiêu thụ vải được thông suốt.

Chinh phục thị trường khó tính

Là một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản, đến thời điểm này, vườn vải của gia đình bà Phạm Thị Hà (ở xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, Bắc Giang) đang trong giai đoạn đậu quả với tỷ lệ cao, chất lượng vải thiều khá tốt.

 san sang dua vai thieu sang nhat ban hinh anh 1

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (phải) nghe báo cáo về các phương án tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang.  Ảnh: N.L

Cuối tháng 5 sẽ có lô hàng vải thiều đầu tiên sang Nhật Bản Đối với việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản, đến nay Bắc Giang đã sẵn sàng các điều kiện. Có 3 đơn vị gồm các công ty: Ameii, Chánh Thu, Toàn Cầu tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, dự kiến lô hàng xuất khẩu để chào hàng sẽ thực hiện cuối tháng 5 tới. Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo duy trì 149 mã số vùng trồng vải tại 4 huyện (Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn) với diện tích hơn 15,8 nghìn ha, sản lượng ước đạt 94,4 nghìn tấn (chiếm gần 60% tổng lượng sản lượng vải)”.

Ông Dương Văn Thái Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

Trao đổi với phóng viên, bà Hà cho biết, gia đình bà có 1ha vải, năm 2019 là năm đầu tiên gia đình bà trồng được vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản và Trung Quốc theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt quốc tế (Global GAP) với giá bình quân lên tới 32.000 đồng/kg, cao gấp hơn 3 lần vải thường. Với năng suất đạt trên 8 tấn/ha, gia đình bà thu về trên 200 triệu đồng.

Tiếp tục những thắng lợi của vụ xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản đầu tiên, ngay từ đầu vụ vải năm 2020, gia đình bà Hà đã tập trung chăm sóc vườn vải 1ha thật tốt, nên dự kiến năng suất có thể đạt tới trên 10 tấn. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của bà hiện nay là khâu tiêu thụ và giá cả sắp tới.

“Hiện chúng tôi tập trung chăm sóc cho vườn vải đảm bảo năng suất và chất lượng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ vào hệ thống siêu thị trong nước”- bà Hà cho biết.

Giống như bà Hà, thời điểm này, ông Ngô Văn Cường cũng ở xã Phúc Hòa dành trọn thời gian chăm sóc 1,5ha vải chín sớm để làm sao đạt chất lượng tốt nhất.

“Ưu điểm cuả vải chín sớm là thu hoạch đúng lúc chưa nơi nào có vải, nên rất được giá, như năm ngoái có lúc chúng tôi bán được tới 46.000 đồng/kg. Hơn nữa, đây là giống vải rất đặc trưng, nên dù có dịch Covid-19, chúng tôi vẫn tin tưởng vải sẽ được tiêu thụ tốt”.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 103ha thuộc các xã: Hồng Giang, Nam Dương, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp của huyện Lục Ngạn và xã Phúc Hòa (vải chín sớm) của huyện Tân Yên. Vải sớm thu hoạch từ ngày 20/5 đến 5/6, vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 trở đi.

Năm nay, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt hơn 28.100ha, sản lượng dự kiến khoảng 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, vải chín sớm sản lượng khoảng 45.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 115.000 tấn.

Ngoài ra, Bắc Giang đã có 288 cơ sở được Trung Quốc cấp mã đóng gói. Hiện tỉnh đã xây dựng một số kịch bản xuất khẩu vải thiều trong các tình huống.

3 kịch bản tiêu thụ vải thiều

 san sang dua vai thieu sang nhat ban hinh anh 2

Ông Dương Văn Thái- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản đã được hoàn thành. Về tiêu thụ vải thiều, phương châm của địa phương là tập trung đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ, trước hết là đối với những thị trường truyền thống, trong đó, đặc biệt quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thương nhân và doanh nghiệp đến kết nối thu mua vải thiều.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, Bắc Giang đã chủ động xây dựng các kịch bản cụ thể đối với tiêu thụ vải thiều, đồng thời mong muốn các bộ ngành liên quan cùng hỗ trợ địa phương trong công tác xuất khẩu.

“Chúng tôi đã xây dựng 3 kịch bản khác nhau để tiêu thụ vải. Đối với kịch bản thuận lợi nhất, đó là xuất khẩu sang các thị trường, các thị trường truyền thống và thị trường mới. Kịch bản thứ hai là khó khăn nhưng vẫn có thể xuất khẩu được. Kịch bản thứ ba là khó khăn nhất là không xuất khẩu được, các cửa khẩu đóng biên hoàn toàn. Tùy theo tình hình thực tế, chúng tôi sẽ chủ động điều hành theo từng kịch bản và các giải pháp sẽ được kích hoạt ngay lập tức”- ông Thái cho biết.

Đặc biệt, theo ông Thái, trước diễn biến phức tạp dịch Covid-19, tỉnh sẽ đặc biệt coi trọng thị trường nội địa. Tỉnh cũng sẵn sàng khởi động cả 3 kịch bản này trong mọi tình huống để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất, tiêu thụ được sản phẩm.

“Thị trường trong nước là thị trường tiềm năng với khoảng 100 triệu dân, khai thác tốt thị trường trong nước thì sản lượng vải của Bắc Giang hoàn toàn không phải lo lắng về đầu ra”- ông Thái khẳng định.

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bắc Giang về các giải pháp tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19 mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao nỗ lực của địa phương đã chủ động công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều cho nhân dân. Theo ông Cường, những tháng đầu năm nền nhiệt độ ấm hơn, diễn biến thời tiết bất thuận, liên tục có mưa, khoảng 3 tuần nữa là thời điểm thu hoạch vải thiều cần đặc biệt quan tâm đến chăm sóc tốt cho vải để đảm bảo chất lượng.

“Năm nay tác động bao trùm là dịch Covid-19, do đó sẽ bị gián đoạn thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu, vì vậy nếu không chuẩn bị tốt sẽ bị gián đoạn nguồn cung. Song ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã chủ động làm việc với tỉnh Bắc Giang, từ lúc vải còn... chưa ra hoa để sẵn sàng cho mọi kịch bản, mọi tình huống nhằm tiêu thụ vải cho bà con tốt nhất để giữ sao cho vừa được mùa, vừa được giá” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tỉnh Bắc Giang chiếm tới gần 50% sản lượng vải cả nước, nên công tác chuẩn bị tiêu thụ rất quan trọng.

Cũng theo Bộ trưởng, mặc dù sản xuất vải thiều đứng thứ 3 thế giới, nhưng tổng sản lượng vải cả nước cũng chỉ trên dưới 400.000 tấn, nên nếu tổ chức tốt khâu lưu thông, phân phối trong nước, đồng thời tăng cường chế biến, thì việc tiêu thụ vải cho 100 triệu dân cũng có thể làm được.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị Big C nêu giải pháp “nóng” để tiêu thụ vải thiều sắp tới. Theo đại diện Big C, ngay từ thời điểm vải ra hoa, Big C đã chủ động làm việc với tỉnh Bắc Giang và các vùng trồng vải để đặt hàng với mục tiêu, người Việt Nam sẽ được ăn những quả vải đạt tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP do Big C phân phối.

Phía siêu thị này cũng cho biết, đã làm việc với cả đối tác của Nhật Bản để xuất vải thiều chính ngạch sang thị trường khó tính bậc nhất thế giới này.

http://danviet.vn/nha-nong/san-sang-dua-vai-thieu-sang-nhat-ban-1084714.html

Theo Ngọc Lê/danviet.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập105
  • Hôm nay17,920
  • Tháng hiện tại331,610
  • Tổng lượt truy cập90,395,003
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây