Theo Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030, tỉnh sẽ “gắn sao” cho 31 sản phẩm.
Ông Mai Đình Lợi - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, từ nay đến cuối năm 2018, tỉnh sẽ phát triển, hoàn thiện 31 sản phẩm OCOP. Trong đó, có ít nhất 20 sản phẩm qua dự thi theo Chu trình OCOP được xếp hạng đạt 3 sao trở lên và tham gia xúc tiến thương mại tại Hội chợ Xuân đầu năm 2019.
Bên cạnh đó, 100% chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo quy định về an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác, đóng gói được nâng cấp đảm bảo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, lưu thông, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Năm 2018, các sản phẩm OCOP ở Quảng Nam sẽ được “gắn sao”. Ảnh: Đ.H
Theo ông Lợi, để hỗ trợ và tiêu thụ sản phẩm, từ nay đến cuối năm tỉnh sẽ hình thành từ 2-3 điểm, cửa hàng để giới thiệu sản phẩm và bán hàng OCOP. Trong đó, hỗ trợ các Điểm bán hàng OCOP tại huyện Tiên Phước, TP.Tam Kỳ, TP.Hội An. Cụ thể, hỗ trợ 200 triệu đồng/cửa hàng để mua sắm ban đầu trang thiết bị bên trong và trang trí điểm bán hàng. Ngoài ra, vận động thành lập 3-5 doanh nghiệp, HTX gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP theo chuỗi liên kết giá trị.
“Hỗ trợ cho chủ thể sản xuất để phát triển sản phẩm, trong đó áp dụng các quy định hiện hành có liên quan của Trung ương, HĐND và UBND tỉnh Quảng Nam để thực hiện hỗ trợ. Hỗ trợ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình như: Nhà xưởng, nhà kho, sân phơi, mua máy móc, thiết bị, công cụ; xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; mua bao bì nhãn mác sản phẩm; xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu thương hiệu; hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến” – ông Lợi thông tin.
Cũng trong năm nay, Quảng Nam sẽ khởi động Đề án/Hội nghị triển khai Chương trình OCOP toàn tỉnh; xây dựng tài liệu hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP Quảng Nam; đánh giá thực trạng một số sản phẩm thế mạnh tại các địa phương; triển khai chu trình OCOP thường niên.
Cùng với đó, đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực; tham quan học tập kinh nghiệm về Chương trình OCOP; hỗ trợ thiết lập mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm - QR Code; quản lý, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình OCOP...
“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền thường xuyên và lâu dài, đa dạng về hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở; trang web của Chương trình OCOP, bản tin, chuyên đề, câu chuyện gắn với hình ảnh... Đưa Chương trình OCOP vào Nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp; ban hành kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm ở các cấp chính quyền địa phương...” - ông Lợi cho biết.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;