Chính sách mới đang tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Doanh nghiệp vấp rào cản
Theo đánh giá của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, trong khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích nông nghiệp hữu cơ ở nước ta phát triển nhanh. Dù vậy, nếu so với tổng diện tích đất nông nghiệp mà chúng ta đang có (26,8 triệu ha) thì số diện tích đất nông nghiệp hữu cơ còn quá khiêm tốn, chỉ khoảng 76.666 ha, chiếm khoảng 0,28% tổng diện tích đất nông nghiệp.
Thời gian qua, chứng kiến sự thâm nhập của thực phẩm bẩn, nhiều DN, thương nhân đã bước chân sang lĩnh vực trồng trọt, chế biến, kinh doanh phân phối các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Mặc dù vậy, thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam còn rất mới, chính sách về lĩnh vực này khá hạn chế, do đó ảnh hưởng rất lớn đến những người tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, thị trường hữu cơ có sôi động lên trong thời gian gần đây song các hoạt động sản xuất, chế biến theo phương pháp này vẫn chủ yếu tự phát, manh mún, thiếu kiểm soát. Nhiều DN bước chân vào lĩnh vực này chủ yếu là DN nhỏ nên rất khó khăn đối với mục tiêu lấy được chiếc giấy chứng nhận quốc tế về sản phẩm hữu cơ. Theo bà Nguyễn Thị Phương Liên - Chủ Nông trại Hữu cơ Tuệ Viên, do phần lớn các DN nông nghiệp hữu cơ là DN nhỏ và vừa, nên việc lấy chứng nhận hữu cơ quốc tế thực sự rất khó.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhận định, việc chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải mất thời gian khoảng 2 - 3 năm nên không phải DN nào cũng chịu “hy sinh” một khoảng thời gian lớn như vậy để sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Tạo đà để thị trường phát triển
Trong bối cảnh đó, Nghị định 109 vừa được Chính phủ ban hành được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ giải tỏa được những điểm nghẽn nói trên, tạo động lực để thị trường này bứt phá. Theo đó, Nghị định 109 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ đưa ra nhiều cơ chế hỗ trợ các DN nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Cụ thể, Chính phủ sẽ hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ: Điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chính phủ cũng hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại); về hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ, định mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.
Ngoài ra, Chính phủ cũng hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, định mức hỗ trợ chi phí giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đối với mô hình trồng trọt; chi phí giống, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y được phép sử dụng đối với mô hình chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình theo quy định của Chính phủ về khuyến nông. Nghị định 109 có hiệu lực thi hành từ 15/10/2018.
Đáng chú ý, Nghị định có riêng một chương quy định về chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, ghi nhãn, lô gô, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh, kiểm tra nhà nước về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản… giúp hạn chế tình trạng tự chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên thị trường.
Theo Minh Phương/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;