Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng ớt đang cho trĩu quả nằm sâu trong con đường đất lầy lội của xã Hàm Giang, chàng thanh niên 8X Lê Văn Vớt không giấu nổi vui mừng. "Một công ty ở TP HCM vừa xuống lấy mẫu ớt kiểm tra, đạt chất lượng nên họ đặt vấn đề thu mua toàn bộ để xuất khẩu" - anh Vớt hào hứng.
Ruộng ớt của anh Lê Văn Vớt sai trái, chuẩn bị thu hoạch
Làm tài xế ở TP HCM nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, năm 2013, anh Vớt nghỉ việc chuyển về quê và nảy ý tưởng trồng ớt chỉ thiên bán. Thấy một "đại gia" ở Trà Vinh có đất bỏ trống, anh Vớt hỏi mượn 5 ha trồng ớt và mở cơ sở thu mua ớt cung cấp cho các chợ đầu mối. Được 1 năm thì chủ đất lấy lại mặt bằng, anh chuyển hẳn sang thu mua, bán ớt nguyên liệu. Nhờ những mối quan hệ cũ từ thời còn làm tài xế, anh Vớt kết nối được nhiều "mối" làm ăn tốt. Khoảng cuối năm 2017, anh thuê 1,2 ha đất của 1 hộ dân với giá 30 triệu đồng/năm và quyết tâm trồng ớt "sạch". Lần này, anh nông dân Trà Vinh thử nghiệm cách trồng mới: không mua cây giống bên ngoài mà tự ươm giống để bảo đảm chất lượng cây giống tốt hơn. Một mặt anh dùng màng phủ tạo độ ẩm nuôi vi sinh, mặt khác mua phân bò của bà con nuôi trong vùng ủ làm phân hữu cơ kết hợp với bón phân vi sinh của một công ty ở Hà Nội, tuyệt đối không dùng phân hóa học. "Dùng phân vi sinh rất hiệu quả. Cây ớt bị nấm khuẩn gây rụng lá chỉ cần bón men vi sinh là vài ngày sau lên đọt mới ngay" - anh Vớt cho biết.
Trong 1,2 ha trồng ớt theo hướng hữu cơ, anh Vớt dành riêng 1.000 m2 trồng ớt sừng xanh bán cho một công ty ở TP HCM làm tương ớt xuất khẩu sang Mỹ và cấp đông bán cho thị trường Malaysia. "Tôi mới hái được khoảng 3 tấn ớt trên diện tích 1.000 m2 này, thu lãi đậm. Công ty bao tiêu giá 22.000 đồng/kg, tổng cộng tôi thu về gần 66 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí phân bón, tưới tiêu, nhân công hái… 17 triệu đồng, tôi lãi gần 49 triệu đồng. Loại ớt sừng vàng trồng trong diện tích 1,1 ha còn lại, tôi bán cho các chợ đầu mối giá dao động từ 35.000-40.000 đồng/kg. Bạn hàng tin tưởng tôi trồng ớt "sạch" nên lúc nào cũng mua được giá" - anh Vớt kể.
Theo anh Vớt, công ty thu mua ớt của anh đang đặt vấn đề bao tiêu cho ớt trồng theo hướng hữu cơ cho các xã viên HTX Nông nghiệp Thịnh Phát do anh làm giám đốc. "HTX hiện có hơn 100 xã viên đang trồng 30 ha ớt. Nếu bà con xã viên chịu trồng theo hướng hữu cơ, sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu thì sẽ có đầu ra ổn định, giá cao" - anh Vớt kỳ vọng.
Sẽ xen kẽ vụ ớt - vụ khoai
Anh Lê Văn Vớt cho biết mỗi vụ ớt kéo dài 6 tháng, 6 tháng còn lại anh trồng đậu xanh để cải tạo đất và hạn chế sâu bệnh. "Tôi vừa tham quan mô hình trồng khoai môn cao tại Đồng Tháp, sắp tới sẽ trồng thử nghiệm vụ ớt - vụ khoai. Đã có một công ty liên hệ với tôi và cam kết nếu tôi trồng khoai môn họ sẽ thu mua hết để xuất sang Đài Loan, Hàn Quốc…" - anh Vớt thông tin.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;