Học tập đạo đức HCM

Quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu (Spodoptera frugipperda)

Thứ hai - 20/07/2020 05:42
Để thống nhất trong việc chỉ đạo và áp dụng quy trình trong phòng, chống sâu keo mùa thu trên địa bàn toàn tỉnh; ngày 06//5/2020, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản số 758/SNN-TTBVTV về việc áp dụng quy trình phòng trừ sâu keo mùa thu của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cụ thể như sau:




 
I. MỤC TIÊU
Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng chống sâu keo mùa thu (Spodoptera frugipperda) hại ngô và các cây trồng khác nhằm giảm tổn thất, góp phần bảo vệ năng xuất và phát triển sản xuất an toàn, bền vững.
II. PHẠM VI ÁP DỤNG
Quy trình kỹ thuật phòng chống sâu keo mùa thu được phổ biến áp dụng trong hệ thống tổ chức chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật, các t chức, cá nhân có trồng ngô hoặc cây trồng khác bị sâu keo mùa thu gây hại trên lãnh thổ Việt Nam.
III. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI, SINH HỌC, SINH THÁI
1. Đặc điểm hình thái
Loài sâu keo mùa thu có tên khoa học là Spodoptera frugipperda (tên tiếng Anh là Fall Armyworm, viết tắt là FAW), thuộc Bộ cánh vy (Lepidoptera), Họ ngài đêm (Noctuidae)).
Trứng có hình cầu, đường kính 0,5-0,7 mm, khi mới đẻ có màu vàng nhạt hoặc kem và chuyển màu nâu nhạt trước khi nở.
Sâu non có 6 tuổi, sâu tuổi 1-2 cơ thể màu xanh nhạt - vàng nhạt. Khi phát triển sang tuổi 3-6, sâu non có màu trắng sữa, xanh đen hoặc nâu nhạt tùy theo môi trường thức ăn. Từ tuổi 3 có thể nhìn rõ bằng mắt thường vân hình chữ Y ngược màu vàng trên mảnh đầu; trên mặt lưng ở đốt bụng trước đốt cuối cùng có 4 đốm đen xếp thành hình vuông trong khi 4 đốm đen ở các đốt khác xếp thành hình thang. Sâu non tuổi 1 dài 1,0-1,5 mm, tuổi 2 dài 4-5 mm, tuổi 3 dài 8-10 mm, tuổi 4 dài 12-15 mm, tuổi 5 dài 20-25 mm, tuổi 6 dài 30-35 mm.
Nhộng sâu keo mùa thu giống nhộng tằm, màu nâu bóng sáng, đốt bụng cuối có 2 gai. Nhộng dài 13-15 mm, nhộng đực ngắn hơn nhộng cái.
Trưởng thành đực trên cánh trước có vân hình đĩa màu xám trắng - vàng rơm, mép ngoài cánh trước có vệt sáng trắng, cánh sau màu trắng xám với viền cánh màu nâu tối; chiều dài trung bình 14-18 mm, sải cánh trung bình 35-38 mm. Trưởng thành cái có màu nâu xám, không có hoa văn rõ ràng, kích thước trung bình 17 mm, sải cánh trung bình 38 mm.
2. Đặc điểm sinh học, sinh thái
Trưởng thành hoạt động về ban đêm, tuy nhiên vẫn có thể bắt gặp trưởng thành ẩn nấp trong nõn ngô vào ban ngày. Trưởng thành có thể bay 100 km/đêm nhờ gió nên từ khi vũ hóa đến đẻ trứng có thể bay rất xa để tìm nơi đẻ trứng, khả năng lây lan rất nhanh trên cánh đồng ngô.
Trưởng thành bay đến ruộng ngô và đẻ trứng ngay từ khi ngô mới mọc mầm đến giai đoạn trỗ cờ, phun râu nhưng nhiều nhất là giai đoạn ngô 2-5 lá (ngô 2 lá đã xuất hiện sâu non). Trứng được đẻ cả ở mặt trên và mặt dưới của phiến lá hoặc cạnh cuống lá; trứng được đẻ thành ổ, xếp thành 2-3 lớp và được bao phủ bởi một lớp lông, khi mới đẻ trứng màu xám nhạt, khi sắp nở chuyển màu xám. Sâu non mới nở có thể nhả tơ để nhờ gió phát tán đến các cây khác gần đó để gây hại. Sâu non tuổi lớn có tập tính ăn thịt đồng loại và có thể chui xuống đất để trú ẩn khi trời nắng. Sâu non tuổi 6 chui xuống đất hóa nhộng ở độ sâu 2-8 cm, một số ít trường hợp bắt gặp hóa nhộng giữa các lá, nách bẹ lá của cây ký chủ hoặc trong bắp ngô.
Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy một trưởng thành cái đẻ 3-43 ổ trứng, trung bình 7-12 ổ/cái; một ổ trứng có 37-358 quả/ổ, trung bình 150-180 quả/ổ. Một trưởng thành cái đẻ từ 31-3.216 quả, trung bình 1.100-1.400 quả/cái.
Trưởng thành bắt đầu đẻ trứng từ 1-3 ngày sau vũ hóa nhưng đẻ chủ yếu trong thời gian 3-6 ngày sau vũ hóa.
Trứng nở sau 2-10 ngày từ khi đẻ, trung bình 2-3 ngày. Tỷ lệ trứng nở 74-95%, trung bình 80-85%.
Thời gian pha sâu non 11-24 ngày, trung bình 13-15 ngày (tuổi 1 từ 2-5 ngày, trung bình 2,3 ngày; tuổi 2 từ 1-3 ngày, trung bình 1,5 ngày; tuổi 3 từ 1-5 ngày, trung bình 1,6 ngày; tuổi 4 từ 1-4 ngày, trung bình 2,1 ngày; tuổi 5 từ 1-3 ngày, trung bình 2,3 ngày; tuổi 6 từ 4-7 ngày, trung bình 4-5 ngày).
Thời gian pha nhộng 6-11 ngày, trung bình là 7-8 ngày. Nhộng có tỷ lệ vũ hóa 90-100 %, tỷ lệ sống sót đến khi đẻ trứng trung bình 93,5%.
Thời gian pha trưởng thành từ 2-15 ngày, trung bình 8-13 ngày.
Vòng đời sâu keo mùa thu từ 22-29 ngày, trung bình 25-28 ngày.
3Đặc điểm gây hại
Chỉ pha sâu non gây hại trên cây trồng, sâu non tuổi 1, đầu tuổi 2 ăn biểu bì của lá non - lá bánh tẻ tạo thành các vết trắng nhỏ li ti, khi sâu lớn dần tạo ra vết hại cũng lớn hơn hoặc liên kết tạo thành hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Từ tuổi 3 sâu non ăn khuyết lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn như “cửa sổ”; từ giai đoạn trỗ cờ, phun râu, sâu non ăn râu, cờ ngô và chui vào bắp gây hại.
4Cây ký chủ
Theo tài liệu nước ngoài, sâu non sâu keo mùa thu có thể ăn hơn 300 loài thực vật, bao gồm cả ngô, bông, đậu tương, lúa, mía, cây rau, cà, chuối, cỏ chăn nuôi, ... tuy nhiên sâu ưu thích trên cây ngô, nhất là ngô ngọt, ngô nếp và ngô rau.
Các kết quả điều tra và nghiên cứu bước đầu ở Việt Nam cho thấy sâu keo mùa thu có xuất hiện và gây hại cục bộ trên lúa, cao lương, mía, cỏ chăn nuôi nhưng chủ yếu vẫn là cây ngô.
IV. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG SÂU KEO MÙA THU
A. TRÊN NGÔ (BẮP)
1. Trước khi gieo hạt
1.1. Sử dụng giống kháng, chống chịu
Ở những vùng đã từng bị sâu keo mùa thu gây hại nặng chọn giống ngô có khả năng kháng, chống chịu sâu keo mùa thu cao (NK7328 Bt/GT, NK4300 Bt/GT, NK66 Bt/GT, NK6101 Bt/GT, 8639S, 6919S, 99558S, …) để gieo trồng nhằm giảm mức độ thiệt hại, giảm chi phí sản xuất do phải áp dụng các biện pháp khác phòng chống sâu keo mùa thu, đặc biệt với khu vực miền núi có địa hình khó khăn, nơi khan hiếm nước để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
1.2. Xử lý hạt giống
Xử lý hạt giống bằng thuốc bảo vệ thực vật là biện pháp có hiệu quả cao trong phòng chống sâu keo ở giai đoạn đầu vụ, từ khi cây ngô nảy mầm đến giai đoạn cây ngô 5-6 lá.
Chỉ xử lý hạt giống đối với các giống ngô không có khả năng kháng, chống chịu sâu keo mùa thu bằng các thuốc xử lý hạt giống trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, liều lượng sử dụng và phương pháp xử lý hạt giống theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Lưu ý: Khi gieo hạt giống ngô đã được xử lý thuốc BVTV phải sử dụng găng tay chống thấm (cao su, nilon) hoặc tra hạt bằng máy để tránh tiếp xúc với thuốc gây ngộ độc.
1.3. Chuẩn bị bẫy bả chua ngọt
Chuẩn bị làm bả chua ngọt để diệt trừ trưởng thành sâu keo mùa thu ở tất cả các vùng trồng ngô, với cách làm cụ thể như sau:
- Cơ chế hoạt động của bẫy bả chua ngọt:
Mùi chua ngọt của dung dịch bả hấp dẫn trưởng thành sâu keo mùa thu và các loài thuộc giống Spodoptera (sâu keo) đến ăn thêm trước khi giao phối, đẻ trứng, thuốc BVTV làm cả trưởng thành đực và cái ngộ độc chết.
Chọn các thuốc BVTV trừ sâu bộ cánh vảy, có tác dụng vị độc, không hoặc ít mùi sẽ cho hiệu quả cao hơn.
- Cách làm bẫy bả chua ngọt (Nguyên liệu cho 1 ha với 2-3 lần bổ sung bả):
Mật mía (hoặc rỉ mật, đường phên): 40% (4 lít).
 Dấm (tốt nhất là dấm hoa quả): 40% (4 lít).
Rượu trắng: 10% (1 lít).
Nước sạch: 10% (1 lít).
Trộn và ngâm ủ: Cho các loại nguyên liệu trên vào chậu khuấy kỹ để các loại nguyên liệu trộn đều sau đó đem ủ kín trong can nhựa, lu, vại, hoặc dụng cụ khác có nắp đậy trong 3 - 4 ngày, khi dung dịch có mùi thơm thì mang ra làm bả.
Pha bả độc: Pha bả độc theo tỷ lệ 10 ml thuốc trừ sâu với 3 lít dung dịch chua ngọt (pha gấp 2 lần so với liều lượng khuyến cáo sử dụng để phun ghi trên bao bì). Nên chọn thuốc độc qua đường miệng (vị độc), ít hoặc không có mùi. Thuốc dạng bột cần hòa tan với một lượng nhỏ nước trước khi pha với dung dịch chua ngọt.
Làm bẫy:
Dùng giẻ, bông thấm nước hoặc bã mía tẩm đẫm dung dịch bả độc hoặc rót dung dịch bả độc (30-50 ml/lần) vào các đĩa, cốc, lọ nhựa rộng miệng (nên sử dụng các chai lọ cũ để giảm chi phí) sao cho trưởng thành bay vào đậu, hút dịch và bay ra được. Các chai nhựa miệng hẹp thì khoét 2-4 ô tạo thành các cửa sổ xung quanh chai để trưởng thành sâu keo mùa thu có thể bay vào. Sau đó đặt đĩa, cốc, lọ nhựa dưới bó lá dừa, bó rơm rạ hoặc vật che chắn không để nước mưa rơi vào làm loãng bả độc.
Có thể tẩm bả độc vào trong bó rơm rạ và cắm trực tiếp trên ruộng.
- Đặt bẫy bả chua ngọt:
Thời điểm đặt bẫyĐặt bẫy bả ngay khi ngô mới ra lá đầu tiên, bổ sung bả chua ngọt 3-5 ngày/lần ở giai đoạn ngô 1 lá đến xoáy nõn, khuyến cáo nên đặt bẫy trong suốt vụ ngô để diệt trưởng thành sâu keo mùa thu.
Số lượng bẫyViệc phòng trừ sâu keo mùa thu bằng bẫy bả chua ngọt cần đặt nhiều bẫy và trên diện rộng, do vậy cần làm đồng loạt trên cả cánh đồng ngô. Đặt 50-100 bẫy/ha (1 bẫy cho 50-100 m2 ruộng ngô).
Vị trí đặt bẫy: Khi ngô mới trồng có thể đặt bẫy trực tiếp trên mặt ruộng; khi ngô phát triển chiều cao nên đặt bẫy cao hơn mặt tán lá ngô trên ruộng từ 20-30 cm. Các bẫy cách đều theo hình vuông, bẫy cách bẫy 10-15 m.
2. Giai đoạn ngô mới gieo đến 7 lá
Đây là giai đoạn sung yếu nhất của cây ngô với sâu keo mùa thu, nếu không phòng trừ tốt sâu keo mùa thu gây hại nặng làm giảm mật độ cây ngô trên đồng ruộng làm ảnh hưởng lớn đến năng suất ngô sau này.
2.1. Biện pháp sinh học
Ưu tiên nhân thả các loài thiên địch như các loài ong ký sinh trứng, ký sinh sâu non; loài côn trùng ăn thịt sâu non sâu keo mùa thu như bọ rùa, bọ xít ăn thịt, bọ đuôi kìm, … ra đồng ruộng để kiểm phòng chống sâu keo mùa thu và một số sâu hại khác.
- Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ và điều kiện thời tiết có ẩm độ cao để phát huy tốt nhất hiệu lực của chế phẩm.
2.2. Đặt bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy dẫn dụ giới tính (pheromone)
- Đặt bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy pheromone (10-20 bẫy/ha) trên ruộng để diệt trừ trưởng thành sâu keo mùa thu ở tất cả các vùng trồng ngô.
- Thời điểm đặt bẫy: Nên đặt bẫy suốt vụ ngô nhưng quan trọng nhất là khi ngô vừa mới gieo đến khi trỗ cờ, phun râu.
2.3. Biện pháp hóa học
- Những ruộng trồng giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu không phải phun thuốc BVTV.
- Những vùng, ruộng ngô giống đã được xử lý hạt giống đúng hướng dẫn không phải phun thuốc BVTV khi sâu non mới nở (sâu thường chết ngay ở tuổi 1-2). Tuy nhiên, trong giai đoạn này cần điều tra mật độ sâu để phun trừ nếu mật độ sâu non tuổi 2-3 còn cao (mật độ sâu non 3-4 con/m2 hoặc tỷ lệ hại > 20% số cây, triệu trứng hại là các vết nhỏ li ti màu trắng trên lá).
- Những vùng, ruộng ngô không được xử lý hạt giống bằng thuốc BVTV cần áp dụng bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy pheromone để diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng sâu keo mùa thu nhằm làm giảm mật độ sâu non trên đồng ruộng. Trong giai đoạn này cần điều tra mật độ sâu để phun trừ khi sâu non tuổi 1-2 có mật độ cao.
- Những vùng, ruộng ngô không áp dụng các biện pháp nêu trên phải thường xuyên điều tra để phun trừ kịp thời khi mật độ sâu non tuổi 1-2 cao.
* Lưu ý:
Sử dụng thuốc BVTV trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam hoặc các hoạt chất thuốc được Cục BVTV hướng dẫn tạm thời sử dụng, theo nguyên tắc 4 đúng và luân phiên sử dụng các hoạt chất khác nhau để tránh sâu kháng thuốc. Phun ướt đều lá và phun vào nõn cây ngô. Không phun thuốc BVTV ở những vùng thả ong ký sinh, thiên địch.
Những nơi đã bị sâu keo mùa thu hại nặng mà điều kiện khó khăn (không có nước, độ dốc cao, …) không thể áp dụng đầy đủ các biện pháp nêu trên thì tùy theo giống ngô cần áp dụng các biện pháp tối thiểu là (1) sử dụng giống kháng hoặc giống chống chịu, (2) xử lý hạt giống và (3) sử dụng bẫy bả chua ngọt, bẫy pheromone.
5. Giai đoạn ngô 7 lá đến xoáy nõn, sắp trỗ cờ phun râu
- Những ruộng trồng giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu không phải phun thuốc BVTV.
- Những vùng, ruộng ngô không sử dụng giống kháng, giống chống chịu sâu keo mùa thu tiếp tục sử dụng thiên địch để kiểm soát sâu non. Thường xuyên điều tra để phun trừ kịp thời khi mật độ sâu non tuổi 1-2 cao (> 4 con/m2), tỷ lệ cây bị hại >20% số cây (tính theo vết hại mới).
* Lưu ý: Giai đoạn này mật độ sâu thường thấp hơn giai đoạn ngô 3-6 lá và cây ngô đã lớn, có khả năng đền bù thiệt hại do vậy trong trường hợp ruộng ngô bị sâu hại nặng vẫn tiếp tục chăm sóc để cây ngô phục hồi nhanh, cho thu hoạch bình thường.
6. Giai đoạn ngô trỗ cờ phun râu – chín, thu hoạch
Giai đoạn này mức độ gây hại và thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra trên cây ngô giảm hơn so với 2 giai đoạn trước, do đó nên hạn chế sử dụng thuốc BVTV.
B. TRÊN CÂY TRỒNG KHÁC
1. Lần đầu phát hiện sâu keo mùa thu gây hại trên cây trồng bất kỳ (trừ cây ngô) cần báo cho cán bộ Trồng trọt, BVTV hoặc khuyến nông xã, huyện để được hướng dẫn biện pháp xử lý.
2. Áp dụng các biện pháp phòng chống an toàn gồm bẫy bả chua ngọt, bẫy pheromone và sử dụng thiên địch.
3. Nếu sâu xuất hiện với mật độ cao, khả năng gây thiệt hại lớn tới năng suất cây trồng thì tạm thời sử dụng các thuốc BVTV theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật để phun trừ.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Quy trình này thay thế Quy trình kỹ thuật Phòng chống sâu keo mùa thu ban hành theo công văn số 1064/BVTV-TV ngày 03/05/2019 về việc ban hành Quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu của Cục Bảo vệ thực vật.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật/ Cơ quan chuyên ngành Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có cây trồng bị sâu keo mùa thu gây hại áp dụng các biện pháp kỹ thuật trên đây để phòng chống.
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh cần báo cáo kịp thời về Cục Bảo vệ thực vật để cùng phối hợp giải quyết.
(Theo Quyết định 218/QĐ-BNN-BVTV ngày 16/01/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT)
Nguyễn Văn Tú (TTKN)
 

Nguồn tin: snnptnt.hagiang.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập429
  • Hôm nay105,091
  • Tháng hiện tại842,590
  • Tổng lượt truy cập93,220,254
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây