Học tập đạo đức HCM

Giải pháp nào cho điệp khúc 'được mùa mất giá'?

Thứ hai - 10/08/2015 06:41
Những năm gần đây, khi phương tiện thông tin ngày càng phát triển thì câu chuyện “được mùa mất giá” được phản ánh khá sâu dưới nhiều góc độ khác nhau. Sau mỗi sự việc, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương lại tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo để đưa ra giải pháp tháo gỡ, nhưng tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn luôn ảnh hưởng đến người nông dân.
 
Trồng cây gì, nuôi con gì?
 
Được mệnh danh là vàng trắng của Tây Nguyên, có thời điểm mỗi năm một ha cao su người nông dân có thể thu về hàng trăm triệu đồng. Nhưng vài năm trở lại đây, thị trường Trung Quốc hạn chế thu mua khiến giá mủ rớt thê thảm, thu không đủ chi nên các nhà vườn, doanh nghiệp cao su bỏ bê việc thu hoạch. Nhiều vườn cao su tiểu điền của các nông hộ đang đà phát triển, bắt đầu cho thu hoạch thì bị đốn bỏ để trồng cây khác, đặc biệt là hiện tượng lấy cao su làm trụ để trồng tiêu đã diễn ra tại một số nơi bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng. Chủ một doanh nghiệp kinh doanh cao su thừa nhận, tuy thị trường truyền thống Trung Quốc có thắt chặt thu mua nhưng các nước khác vẫn có nhu cầu mua cao su với số lượng lớn, nhưng lại yêu cầu khắt khe về chất lượng mà mủ cao su ở Việt Nam chưa đáp ứng được. 
 
Tương tự, với các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng cũng gặp khó khăn không ít về đầu ra. Ông Hoàng Văn Vinh, xã Cư Suê (huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk) chia sẻ, các loại trái cây hiện nay chủ yếu nhập cho các thương lái, đại lý nên đầu ra rất bấp bênh. Năm nào thị trường dễ tiêu thụ thì thương lái đặt cọc trước và thu mua tận vườn, còn ngược lại thì không có người mua, ông phải thu từng quả mang đến tận các đại lý để bán. Hiện tại, tuy thị trường bơ, sầu riêng vẫn tiêu thụ bình thường, nhưng không ai dám chắc thời gian tới đầu ra của hai loại nông sản này sẽ như thế nào, bởi đa số chúng được bán tươi, rất khó bảo quản để lâu. Bà Phạm Thị Thúy, xã Ea M’droh (Cư M’gar) có 20 cây bơ booth trái mùa 1 năm tuổi trăn trở: cây ăn quả thường 4 - 5 năm sau mới thu được lợi nhuận, bơ booth trái mùa đang nóng, giá thu mua tại vườn đầu mùa đạt trên 30.000 đồng/kg, thậm chí có lúc lên đến 60.000 đồng/kg, nhưng không ai dám chắc thị trường tương lai sẽ như thế nào. Với người nông dân, việc trồng cây gì, nuôi con gì để làm giàu vẫn là bài toán khó.
 
Trồng vượt quy hoạch, nông dân huyện Krông Ana thiệt đơn thiệt kép do khoai lang rớt giá.

Nhiều loại cây trồng truyền thống không hiệu quả, cộng với thời gian qua giá tiêu luôn đạt đỉnh nên người dân các địa phương đua nhau chuyển sang trồng tiêu, khiến diện tích loại cây này tăng đột biến và đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cung vượt cầu, hoặc đối tác hạn chế thu mua (như tình trạng cây cao su) thì người trồng tiêu sẽ lao đao... Theo đánh giá của các chuyên gia tại buổi tọa đàm “Liên kết phát triển nông sản và du lịch” được tổ chức vào đầu tháng 7 vừa qua, các loại nông sản trong nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng hiện đang tồn tại nhiều bất cập: sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; liên kết lỏng lẻo khiến chi phí sản xuất cao, năng suất thấp, chất lượng chưa ổn định; thiếu hỗ trợ về mặt kỹ thuật, pháp lý, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đối với sản phẩm nông nghiệp để thực hiện hiệu quả cam kết trong hội nhập; vốn khoa học công nghệ chưa phát triển đồng bộ…
 
Vai trò Nhà nước phải là hàng đầu trong “bốn nhà”
 
Sản xuất nông nghiệp là ngành đặc thù có có tính thời vụ, việc bảo quản, lưu kho, chế biến sản phẩm chưa hiệu quả, chưa kể nhiều nông dân thấy lợi nhuận cao nên vội vàng mở rộng diện tích dẫn đến cung vượt cầu khiến giá giảm mạnh… Hậu quả có thể dễ dàng nhìn thấy từ quả dưa hấu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, hành tây ở Lâm Đồng, hành tím ở Sóc Trăng… Còn tại Đắk Lắk, cảnh nông sản rơi vào tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa không được bao tiêu kịp thời cũng xảy ra thường xuyên như sắn, dưa hấu, thuốc lá, và mới đầu năm nay là khoai lang tại huyện Krông Ana. Ông Võ Văn Nam, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Krông Ana chia sẻ, theo kế hoạch, vụ đông xuân 2014 - 2015 toàn huyện gieo trồng 20 ha khoai lang, nhưng người dân trồng vượt quy hoạch lên gần 400 ha, bất chấp những khuyến cáo của ngành chức năng và tất yếu dẫn đến hệ quả là giá khoai rớt thảm, chỉ còn 800 - 3.200 đồng/kg vào mùa thu hoạch tháng 4 - 2015 (năm 2014 là 6.000 - 7.000 đồng/kg).
 
Thu mua bơ tại một đại lý trái cây ở huyện Cư M’gar.
 
Giải pháp cho việc giải quyết thực trạng nông sản được mùa mất giá và ngược lại ở nước ta là từ lâu đã ra đời mô hình liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước, nhà doanh nghiệp theo mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng mô hình này chỉ đếm được trên đầu ngón tay với khâu liên kết rất lỏng lẻo, nhất là khi giá cả biến động lại trở mặt với đối tác, gây thiệt hại không nhỏ cho việc phát triển chuỗi sản xuất. Phát biểu tại buổi tọa đàm nói trên, ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty tư vấn Chiến lược Win – Win (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, căn nguyên của sự thiếu liên kết là các chủ thể liên kết, chính các đối tác này đang tồn tại nhiều bất cập trong quá trình phát triển… Vì lẽ đó, các nhà liên kết mà trước hết là nhà khoa học cần tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ chính quyền địa phương xác định lợi thế so sánh từng vùng để Nhà nước lên kế hoạch dài hạn cho việc đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa nông sản ở vùng chuyên canh, có chính sách hỗ trợ bà con nông dân sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản; nhà doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm khách hàng, đầu tư, quảng bá, tuyên truyền sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng kênh phân phối hiệu quả và liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành để đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu thương mại, liên kết chặt chẽ với nông dân. Riêng với người nông dân, cần xóa bỏ ngay thói quen sản xuất ồ ạt chạy theo thời giá, sản lượng mà quên đi vấn đề cốt yếu giúp sản phẩm nông nghiệp tồn tại trên thị trường chính là chất lượng…
 
Trên thực tế, vai trò kết nối giữa các bên vẫn là Nhà nước, bởi đây là đầu mối có đủ thẩm quyền tác động tới các bên liên quan. Do vậy, bên cạnh quản lý chung, chính quyền các cấp cần nâng cao hơn nữa vai trò trung gian kết nối các nhà bằng việc cung cấp các thông tin thiết yếu giúp các bên thắt chặt mối liên kết và đứng ra giải quyết mâu thuẫn có thể xảy ra trong chuỗi liên kết đó.
 
Thanh Hường (Báo Đăk Lăk)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập317
  • Hôm nay52,434
  • Tháng hiện tại827,712
  • Tổng lượt truy cập92,001,441
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây