Bất ngờ Trung An
Chúng tôi về xã Trung An, huyện Củ Chi vào một ngày cuối năm, để thăm những người được tặng bò giống trong chương trình “Ngân hàng bò” để xem đời sống họ bây giờ ra sao. Chúng tôi quá đỗi bất ngờ, trước một Trung An như bức tranh thiên nhiên đẹp tuyệt vời, sự thay da đổi thịt trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trung An là xã nông nghiệp của huyện Củ Chi, người dân nơi đây sống bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt, làm vườn. Trong giai đoạn 2010 - 2015, Trung An được chọn là 1 trong 9 xã của Củ Chi áp dụng chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay Trung An đã đạt 17/19 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2015 sẽ là xã nông thôn mới.
Dù trời trưa nắng gắt, nhưng đi qua những con đường liên ấp trải nhựa phẳng phiu, hai bên là những vườn cây ăn trái sum suê, lại thấy mát rượi. Đi giữa Trung An mà chúng tôi cứ ngỡ như đang đi giữa khu du lịch vườn cây trái Lái Thiêu, Bình Dương. Nào là dâu da xanh từng chùm trĩu nặng đầy cành, khơi gợi cái hương vị chua chua ngòn ngọt, níu chân khách đường xa. Đâu đây mùi sầu riêng thơm lừng thoáng bay trong gió, hấp dẫn cùng với măng cụt, chôm chôm rực rỡ sắc đỏ vàng tô điểm cho Trung An những gam màu tươi mới. Xen vào đó là những rẫy mía bạt ngàn tít tắp, xa xa cánh đồng lúa sạ, màu xanh lá mạ dợn sóng theo từng cơn gió lùa. Gió từ sông Sài Gòn thổi vào xua tan cái nắng nóng buổi trưa. Thấp thoáng trong những vườn cây trái, đông đảo du khách đến tham quan và thưởng thức hương vị ngọt ngào, tươi ngon của những trái cây do chính tay mình vừa mới hái.
Chúng tôi ghé vào một nhà vườn hỏi thăm nhà ông Đặng Văn Tư, một trong những hộ dân ở Củ Chi được nhận bò giống do Hội Chữ thập đỏ TPHCM trao tặng năm 2013. Chủ nhà vườn là một phụ nữ tuổi ngoài 50, nhoẻn miệng cười hiền lành, bà nói: “Thư thả rồi tui chỉ nhà ông Tư, mấy thuở đến đây, ăn với tui trái cây của Trung An lấy thảo. Ai cũng vậy hết, tui mời miễn phí, có đáng là bao”. Trái cây vừa mới hái trên cành xuống, tươi rói, thơm ngon quá, nhưng càng ngon hơn trước tình cảm chân chất thật thà của người dân nơi đây. Một thanh niên trong nhóm sinh viên của Trường Đại học Luật TPHCM đang ngồi ăn trái cây dưới gốc măng cụt, cho biết: “Vào những ngày chủ nhật, ngày lễ, anh em chúng tôi thường lên đây vui chơi, thưởng thức cây trái vừa rẻ, vừa ngon, rất yên tâm là không bao giờ bị chặt chém. Bà con nơi đây hiền lành, mến khách”. Bà chủ vườn cũng góp ý giới thiệu về quê Trung An của mình: “ Trung An đã trở thành một điểm du lịch sinh thái khá độc đáo nhờ vào khung cảnh hữu tình, có vườn trái cây đẹp, có sông nước mát mẻ, có đồng ruộng nên thơ, thu hút khách dưới TP lên, bên Bình Dương qua, kể cả khách tham quan địa đạo Củ Chi sau đó cũng thường ghé lại Trung An...”. Theo sự hướng dẫn của bà chủ nhà vườn, chúng tôi tìm nhà ông Đặng Văn Tư ở ấp Hội Thạnh, gặp lúc ông đang chăm sóc chú bê con 3 tháng tuổi.
Những “kỹ sư” thời nông thôn mới
Ông Đặng Văn Tư vui vẻ mời khách vào nhà. Ông còn chơi sang mời khách hút thuốc con mèo. Ông nói vui: “Trước kia tui toàn quấn thuốc rê, nay mình cũng phải lên đời là nông dân của nông thôn mới”.
Ông Tư kể về hoàn cảnh gia đình mình mấy năm trước, sao mà nó nghèo quá chừng, làm đủ thứ nghề cũng không nuôi nổi gia đình. Nhờ chính quyền địa phương chiếu cố, lập danh sách cho nhận con bò giống về nuôi làm vốn. Giọng nói của ông Tư trở nên phấn khởi: “Năm qua, gia đình cũng còn khó khăn lắm, vì con bò còn nhỏ, nay nó vừa đẻ con bê, vậy là có vốn rồi”. Nét mặt ông Tư càng thêm phấn khích. Ông Tư nói tiếp: “Có người trả tui con bò mẹ giá 50 triệu đồng. Bò giống sinh sản mà giá đó rẻ quá, tui đòi 60 triệu đồng mới bán”. Ông Tư hả hê, cho biết dự tính đổi đời của mình là ông sẽ hốt về 50 con gà nuôi thả vườn, chỉ cần 10 con gà mái đẻ là 3 tháng sau đàn gà tăng lên cả trăm con là chuyện bình thường. Bán trứng, bán gà thịt là tiền chợ hàng ngày. Chưa hết, ông còn nuôi vài con heo, vài ba tháng xổ chuồng một lần, rồi mua heo con về nuôi tiếp, sống khỏe re. Đó là chưa nói con bê sẽ lớn lên, năm sau đẻ thêm con bê nữa, vốn đó là của để tích lũy. Ông Tư còn khoe là kinh nghiệm nuôi bò của ông bây giờ... đầy mình. Chỉ cần nhìn con mắt và cách quất đuôi của bò là biết ngay nó có triệu chứng gì rồi. Ông cười hóm hỉnh: “Gia tài chỉ có bấy nhiêu đó mà không lo chăm sóc chu đáo để nó đi toi là kể như ăn mày”.
Tôi biết ông Tư dám “nổ” như vậy vì trước khi các hộ nhận bò về nuôi, đã được Công ty bò sữa An Phú Củ Chi phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng chăm nuôi bò. Họ được hướng dẫn tường tận về chọn thức ăn phù họp và cách phòng bệnh cho bò, cộng với thực tiễn qua 1 năm chăm sóc bò tại nhà, bấy nhiêu đó cũng giúp ông Tư trở thành... kỹ sư chân đất thời nông thôn mới.
Chúng tôi tiếp tục đến thăm 2 hộ được nhận bò, chị Lê Thị Em và anh Lê Văn Hoàng, gần nhà ông Đặng Văn Tư. Cả 2 đều phấn khởi cho biết là bò vừa mới đẻ. Anh Lê Văn Hoàng bày tỏ: “Khi được nhận bò về nuôi, tôi biết chắc rằng trong thời gian ngắn nữa thôi là mình sẽ thoát nghèo. Bò đẻ là kể như có vài chục triệu đồng rồi, số vốn mà bấy lâu nằm mơ cũng không thấy. Đó là niềm tin để chúng tôi phấn đấu vươn lên trong cuộc sống”.
Đàn bò đã lớn
Trong tiết trời mát mẻ của buổi sớm mai, trước sân UBND xã Xuân Thới Đông huyện Hóc Môn, đông đảo bà con nông dân của ba huyện Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn đã có mặt với niềm vui hớn hở. Đó là 30 gia đình được nhận bò đợt cuối năm 2014 trong chương trình “Ngân hàng bò”. Đây là bò giống sinh sản, trị giá 30 triệu đồng/con của Công ty bò sữa An Phú Củ Chi cung cấp. Số tiền 900 triệu đồng do các Hội Chữ thập đỏ cơ sở và các nhà hảo tâm đóng góp. Ông Võ Văn Cai, ngụ tại xã Tân Quý Tây huyện Bình Chánh, không giấu nổi vui mừng: “Cả đêm tôi không ngủ được, mong tới sáng để được đi nhận bò về nuôi. 30 triệu đồng, nhà tôi chạy gạo hàng ngày thì làm gì có được số tiền lớn như vậy để mua bò. Bởi vậy, sau khi tôi đi học lớp kỹ năng chăm nuôi bò do huyện tổ chức, về nhà tôi truyền lại cho vợ con cùng hiểu biết, vì chăm nuôi bò là trách nhiệm của toàn gia đình”.
Chương trình “Ngân hàng bò” không chỉ dừng lại trong phạm vi TPHCM, nhiều hộ nghèo tại các xã vùng biên giới thuộc các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp và Sóc Trăng… cũng được Hội Chữ thập đỏ TPHCM đến tặng bò.
Tại buổi lễ trao tặng bò cho các hộ nghèo ba huyện Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn, ông Nguyễn Ngọc Thực, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM, chia sẻ: “Qua 2 năm triển khai thực hiện chương trình “Ngân hàng bò”, Hội Chữ thập đỏ TP đã tổ chức trao tặng bò giống sinh sản cho hộ dân vùng nông thôn, góp phần cùng địa phương chăm lo cho gia đình nghèo ổn định cuộc sống. Từ nguồn giống hỗ trợ ban đầu, đến nay nhiều hộ đã có bê con, bắt đầu có thu nhập từ nuôi bò. Đàn bò về các xã nông thôn mới ngày càng phát triển. Tôi mong tiếp tục được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các đơn vị để thực hiện lâu dài chương trình này”.
NGUYỄN TƯỜNG LỘC
Theo sggp.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã