Học tập đạo đức HCM

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Quang Kim

Thứ tư - 12/11/2014 05:39
Chúng tôi về thăm Quang Kim, một xã biên giới của tỉnh Lào Cai trong tiết trời se se lạnh của những ngày cuối thu. Con đường rải bê tông thẳng tắp vào tận các ngõ xóm, nhà cửa khang trang, sạch đẹp làm bừng sáng cả một vùng biên cương của Tổ quốc. Đây là kết quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Sau 3 năm nỗ lực vượt bậc, Quang Kim là đơn vị đầu tiên của tỉnh đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Quân - dân cùng hợp sức

Ðến Quang Kim hôm nay, có thể dễ dàng nhận thấy sự đổi thay từ đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp đến những công trình phục vụ dân sinh như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... kiên cố, mới được xây dựng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Chia sẻ với chúng tôi về những đổi thay của một địa phương miền biên viễn, Thiếu tá Nguyễn Văn Đông, Chính trị viên Đồn BP Bát Xát phấn khởi cho biết: Mới chỉ cách đây ít năm, tỷ lệ hộ nghèo tại Quang Kim còn chiếm tới 12,84%, nay con số này đã giảm còn 0,93%. Nhiều nhà ở trên núi cao cũng đã có điện, ti vi, xe máy. Mức thu nhập bình quân đầu người đạt gần 25 triệu đồng/năm... Tháng 5-2014 vừa qua, xã Quang Kim vinh dự được đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc nơi đây.

Nhìn lại Quang Kim cách đây hơn 3 năm về trước mới thấy sự vươn lên mạnh mẽ của xã, thực sự là một kỳ tích đáng tự hào. Là một xã vùng cao biên giới của huyện Bát Xát, Quang Kim có nhiều lợi thế để phát triển: Đất đai màu mỡ, lại nằm cạnh Khu kinh tế thương mại Kim Thành, giao thương thuận lợi... Tuy nhiên, những năm trước đây, Quang Kim không phát huy được thế mạnh tại chỗ, vẫn còn là một xã vùng biên nghèo, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, tình hình tội phạm gia tăng.

Cơ sở hạ tầng của Quang Kim chủ yếu thụ hưởng từ Chương trình 135 quốc gia đã xuống cấp nghiêm trọng, lao động làm nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, điều kiện phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn ở mức độ chậm, tự phát... Với cơ sở hạ tầng thấp kém như vậy, xuất phát điểm để Quang Kim xây dựng nông thôn mới chỉ đạt 10/19 tiêu chí. Thế nhưng, điều "kỳ diệu" nào  đã giúp Quang Kim "về đích" nhanh như vậy? Trả lời thắc mắc của chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Đông cho biết, đây là sự nỗ lực phấn đấu kiên trì của cả hệ thống chính trị, trong đó nổi bật là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy xã Quang Kim. Trong thành công đó có một phần công sức không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Bát Xát.

Trong quá trình tham gia chương trình "Chung sức xây dựng nông thôn mới", Đồn BP Bát Xát đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các giải pháp và bước đi phù hợp, đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh biên giới, phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các tiêu chí nông thôn mới. Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Bát Xát đã tham gia cùng nhân dân địa phương làm 1.200m đường bê tông nông thôn, tuyên truyền, vận động các hộ gia đình xây dựng mới và tu sửa 70 chuồng trại, nhà vệ sinh. Đồng thời, hướng dẫn bà con sắp xếp đồ đạc ngăn nắp trong gia đình, ăn ở hợp vệ sinh môi trường. Đồn còn phối hợp với Phòng Giáo dục huyện mở lớp xóa mù chữ cho bà con các dân tộc.

Một tổ công tác gồm 5 đồng chí được thành lập trực tiếp xuống địa bàn bám dân, ban ngày giúp dân làm đường, tu sửa nhà cửa, chuồng trại... đêm đến thì tuyên truyền việc giữ gìn an ninh trật tự thôn bản, bảo vệ đường biên, cột mốc, làm thầy giáo quân hàm xanh xóa mù. Theo số liệu tổng kết, đến giữa năm 2013, xã Quang Kim đã hoàn thành công tác xoá mù cho nhân dân biên giới. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn được đảm bảo tốt.

Thành công từ sự đồng thuận

Ông Nguyễn Văn Tài, Bí thư Đảng ủy xã Quang Kim, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới cho biết, để xã Quang Kim về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới, điều quan trọng nhất vẫn là lòng dân. Để lòng dân thuận, thì chính quyền, BĐBP không thể đưa ra những nghị quyết, khẩu hiệu suông, mà phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Trước tiên là phải có nguồn lực kinh tế để thực hiện. Trong 3 năm qua, xã Quang Kim đã huy động tổng nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới được hơn 52 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 18 tỷ đồng, tín dụng và doanh nghiệp hỗ trợ 1 tỷ đồng, số còn lại phải dựa vào sức dân.

Ông Nguyễn Văn Tài cho biết thêm: "Trước hết, Đảng bộ, chính quyền xã Quang Kim xác định, xây dựng nông thôn mới không phải là để "lấy oai", lấy "thành tích", mà phải đem lại lợi ích thiết thực cho người dân thì nhân dân mới tích cực ủng hộ và tham gia. Lợi ích đó được thể hiện ở chỗ, bộ mặt của xã phải khang trang, giao thông thuận lợi, điện, trường học, bệnh viện phải phục vụ tốt cho đời sống dân sinh. Kết quả của các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phải tạo nên cú hích để bà con phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống...".

Hiểu rõ được ích lợi của xây dựng nông thôn mới, bà con sẽ tự bàn bạc, quyết định mức đóng góp phù hợp. Thấy đồng tiền của mình được đầu tư hiệu quả, giám sát chặt chẽ, minh bạch, bà con thêm tin tưởng. Cứ như vậy, sức lan tỏa của chương trình đã tạo được hiệu ứng tốt, gây thiện cảm trong nhân dân. 120 hộ dân trong xã đã hiến trên 17 nghìn mét vuông đất để xây dựng khu nuôi nhốt gia súc tập trung, làm đường giao thông, trường học, làm chợ...

Toàn xã đã có 35 mô hình kinh tế trang trại ra đời, hoạt động có hiệu quả, sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng đa dạng về cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Số lao động dôi dư của xã được tham gia đào tạo nghề làm cho tỷ lệ lao động có việc làm chiếm hơn 97%, 18/18 thôn đều đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa. Các mặt y tế, giáo dục, môi trường đều phát triển tốt. Thành công từ mô hình xây dựng nông thôn mới tại Quang Kim đã khích lệ hai người "anh em" trong huyện Bát Xát là xã Bản Qua và xã Bản Vược tích cực phấn đấu để đạt tiêu chí nông thôn mới trong năm 2015.

Chia tay Quang Kim, chia tay cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Bát Xát, trong tôi còn đọng mãi câu nói của đồng chí Chính trị viên: "Việc BĐBP tích cực tham gia giúp chính quyền và nhân dân địa phương trong xây dựng nông thôn mới không chỉ thể hiện tình cảm quân dân gắn bó, mà cái chính là giúp mình, nhằm xây dựng một vùng biên giới ấm no, giàu mạnh, qua đó, góp phần giữ gìn an ninh biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia tại nơi phên giậu của Tổ quốc".
Hà Phương
Nguồn baobienphong.com.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập806
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại748,552
  • Tổng lượt truy cập93,126,216
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây