Học tập đạo đức HCM

Xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hồ Chí Minh

Thứ tư - 13/03/2013 20:15
Xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) được Ban Bí thư T.Ư Ðảng chọn là một trong 11 xã của cả nước thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Ngoài ra, thành phố chọn thêm năm xã xây dựng điểm, gồm: Thái Mỹ (huyện Củ Chi), Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), Nhơn Ðức (huyện Nhà Bè) và Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).

Trong những năm qua, đời sống của bà con nông dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn các xã được đổi thay từng ngày.

Nâng cao đời sống người dân

Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh đưa mọi người đến thăm gia đình anh Nguyễn Thanh Ngà, tại ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Anh là một trong hàng nghìn gương người dân làm giàu chính đáng từ các chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới, với mô hình trồng hoa phong lan Mokara cắt cành. Trước đây, gia đình anh Ngà sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa và hoa màu với diện tích đất 3.500 m2. Nhưng hiệu quả kinh tế không cao, cả năm thu hoạch chỉ đạt khoảng 30 triệu đồng, chưa đủ trang trải trong gia đình, đời sống khó khăn. Năm 2009, từ chương trình xây dựng thí điểm xã nông thôn mới ở Tân Thông Hội, anh Ngà được tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng hoa lan cắt cành và đã học được nhiều kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, dù đã biết nghề nhưng anh cũng chưa "xoay" được vốn để thực hiện mơ ước của mình. Rất may, thời điểm đó, anh Ngà được vay vốn theo chương trình mục tiêu phát triển nông nghiệp của thành phố do UBND xã Tân Thông Hội phối hợp Chi cục phát triển nông thôn tổ chức. Với 800 triệu đồng, anh bắt đầu mở rộng diện tích vườn lan hơn 3.000 m2, với khoảng 14 nghìn gốc để phát triển sản xuất. Anh vay mượn thêm người thân, bạn bè 300 triệu đồng xây dựng hệ thống phun sương, nhằm giảm bớt công lao động và tiết kiệm chi phí. Dẫn khách đi thăm vườn lan đang nở rộ hoa vàng, hoa tím, anh Ngà cho biết: Từ trồng hoa lan tôi đã trả được 100% số vốn vay từ Chương trình 105 của thành phố, bình quân thu nhập hiện nay từ 20 đến 25 triệu đồng/tháng mà chỉ cần hai lao động. Riêng vụ Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Cùng đến thăm vườn lan của anh Ngà, các cán bộ xã Tân Thông Hội cho biết thêm tin vui: Anh Ngà vừa được UBND xã thông qua thủ tục vay vốn được hỗ trợ lãi suất từ Quyết định 36 về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố, với mức vay là 1,5 tỷ đồng.

Có xuất phát điểm thấp hơn Nguyễn Thanh Ngà, anh Trương Trung Cường, ngụ số A6/174E ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh sinh ra và lớn lên ở vùng quê, chỉ biết làm nông nghiệp và như anh nói với chúng tôi: "Tôi rất thích làm nông nghiệp!". Thế nhưng vùng đất nơi đây mùa mưa thì bị phèn, còn mùa nắng thì nước mặn xâm nhập. Trồng lúa thì chỉ làm được hai vụ nhưng không có lãi mà nhiều thời điểm còn bị lỗ, thu nhập rất bếp bênh. Trước thực trạng đó, anh Trương Trung Cường chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi khác và đã chọn con cá cảnh với diện tích nuôi khởi điểm ban đầu chỉ có... 6 m2. Do mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm cho nên thời gian đầu với anh Cường là "cực kỳ vất vả". Nhưng, với bản tính siêng năng, chịu khó, dần dần anh tích lũy được kinh nghiệm, và nhận thấy rằng cá cảnh tiềm năng còn rất lớn cho nên sau 5 năm anh đã phát triển, mở rộng diện tích lên ba ha. Tuy nhiên, có nhiều thời điểm, đầu ra sản phẩm gặp khó khăn, khiến anh Cường lúng túng, có lúc bi quan về tương lai. Thế nhưng được sự hỗ trợ của Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp theo chương trình Mỗi nhà nông một website mà sản phẩm của anh đã được chuyển đi khắp các tỉnh, thành phố trong nước như: Hải Phòng, Hà Nội, Huế, Ðà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu và các tỉnh đồng bằng sông Cử Long.

Anh Trương Trung Cường vui vẻ cho biết: "Hiện nay, trung bình một ngày tôi xuất ra thị trường khoảng 3.000 con cá cảnh, doanh thu một năm khoảng 700-800 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí, thu được lợi nhuận khoảng 120 - 150 triệu đồng. Tôi vận động một số hộ nông dân ở xã Tân Nhựt và nhiều hộ ở các huyện lân cận chuyển nuôi cá cảnh, tôi chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu đầu ra. Ðến nay xã tôi đã có hơn 20 hộ nuôi cá cảnh.

Các giải pháp, chính sách khuyến khích người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các lại cây, con có hiệu quả kinh tế cao phù hợp nền nông nghiệp đô thị đã góp phần tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích lên 172,5% (so với năm 2009 - năm bắt đầu xây dựng các mô hình nông thôn mới). Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố đã tiến hành khảo sát, đánh giá chỉ số hài lòng của người dân. Qua tiến hành xin ý kiến của 1.300 hộ trên địa bàn năm xã điểm, có 847 ý kiến (chiếm 65,1%) rất hài lòng về sự hướng dẫn giúp đỡ của cán bộ trong công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững; có 419 ý kiến (chiếm 32,2%) hài lòng và chỉ có 34 ý kiến (chiếm 2,6%) chưa hài lòng.

Sức mạnh lòng dân

Trong các buổi làm việc, trao đổi ý kiến tại các xã: Thái Mỹ, Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), Lý Nhơn (Cần Giờ)... chúng tôi đều nhận thấy các đồng chí lãnh đạo hết sức tâm đắc và luôn khẳng định: Sức mạnh lòng dân, tinh thần đoàn kết của nhân dân chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công bước đầu trong quá trình xây dựng nông thôn mới những năm qua. Nếu không có sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân thì sẽ không có được những kết quả tốt đẹp như mong muốn.

Cán bộ xã Thái Mỹ dẫn chúng tôi đi qua những con đường mới phẳng lỳ êm ái và cho biết: Những con đường này nhân dân địa phương gọi là đường nông thôn mới vì nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới thì người dân mới có đường đẹp để đi lại. Thế nhưng, không có sự hiến đất của người dân thì cũng sẽ không có những con đường này. Thái Mỹ là xã đứng thứ hai trong sáu xã về thành tích vận động nhân dân hiến đất làm đường, với gần 1.300 hộ đã hiến hơn 264 nghìn m2 đất, tổng trị giá gần 106 tỷ đồng. Ðến ấp Bình Hạ Ðông, chúng tôi gặp bác Hoàng Minh Ðức, người đã hiến 400 m2 đất để xã Thái Mỹ làm đường giao thông nông thôn. Ðiều đáng nói, để hiến đất cho xã, bác Ðức phải phá bỏ 100 m hàng rào bao quanh trang trại cá trê phi của gia đình vừa mới xây dựng. Bác Ðức kể: Lúc đầu, khi được vận động hiến đất, tôi và vợ cũng đôi chút băn khoăn vì hàng rào vừa mới xây lại lo lắng việc hiến đất có thể ảnh hưởng sản xuất. Thế nhưng, khi hai vợ chồng tâm tình với nhau thì đã quyết định hiến ngay, bởi chúng tôi hiểu việc hiến đất không chỉ giúp cho bà con làng xóm có đường giao thông tốt hơn mà còn trực tiếp giúp cho con cháu mình nữa.

Gặp bác Phạm Văn Cáo, sinh năm 1950, ngụ số 28/5 ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, người đã hiến đất mở đường tuyến XTT- 41 ngang 2 m x dài 100 m, hàng rào và cây cối; tuyến XTT-18 hiến đất ngang 2,5 m x dài 90 m, tổng giá trị hiến đất và vật kiến trúc trên hai tuyến đường ước tính khoảng 1 tỷ 685 triệu đồng. Ðứng trên con đường nông thôn mới rộng rãi, bằng phẳng, trong đó có sự đóng góp của người dân nói chung và của mình nói riêng, bác Văn Cáo vui vẻ nói: Trước đây, có nằm mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ về những con đường đẹp như thế này! Khi được hỏi: Bác nghĩ gì khi quyết định hiến đất, tài sản trên đất nhiều như vậy? Bác Cáo trả lời: Tôi nhận thức được trách nhiệm của một công dân đang sống và lao động tại địa phương được chọn xây dựng thí điểm nông thôn mới, phải đóng góp để chung sức, chung lòng cùng chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng xã nông thôn mới. Tôi thấy chủ trương xây dựng xã nông thôn mới của Ðảng, Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân. Xã Xuân Thới Thượng có diện tích tự nhiên gần 1.900 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp hơn 1.500 ha, chiếm 83,4% diện tích của xã. Qua ba năm triển khai thực hiện, hơn 1.800 hộ dân nơi đây đã hiến hơn 37 nghìn m2 đất, có tổng trị giá gần 280 tỷ đồng và là địa phương có số hộ dân, số diện tích đất hiến để làm đường nhiều nhất trong sáu xã xây dựng nông thôn mới của thành phố. Ðến nay, Xuân Thới Thượng đã thực hiện đạt 18/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, làm thay đổi diện mạo của xã thuần nông trước đây.

Trước khi được chọn xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, Lý Nhơn (huyện Cần Giờ) là một xã vùng sâu, vùng xa của thành phố, cách trung tâm huyện Cần Giờ 70 km, cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư, nhất là đường giao thông chủ yếu là đường kết cấu cấp phối sỏi đỏ hoặc đất đen, việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng rất lớn việc phát triển kinh tế - xã hội của xã. Chủ tịch UBND xã Lý Nhơn Lê Phước Hồng cho biết: Trong quá trình thực hiện các dự án, các đoàn thể xã và cán bộ, đảng viên nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trong việc hiến đất, giao đất, bàn giao mặt bằng trước và nhận kinh phí bồi thường sau để xây dựng cơ sở hạ tầng. Phần lớn hộ dân có đường đi qua nhà đều hiến đất, giao đất. Ngoài ra Ban quản lý xã cùng các đoàn thể tổ chức vận động 984 lượt hộ dân, trong đó nhân dân hiến đất 100% là 375 lượt hộ, diện tích hơn 208 nghìn m2, trị giá hơn 20 tỷ đồng; đồng thời vận động 609 lượt hộ dân hiến 15% và 30% đất với hơn 40 nghìn m2.

Thực hiện xây dựng nông thôn mới, các xã nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều điển hình tập thể và cá nhân tiêu biểu trong hiến đất làm đường, trong phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, vượt khó, vươn lên làm giàu. Chỉ riêng hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại sáu xã điểm đã có hơn bảy nghìn hộ dân, hiến hơn 725.000 m2 đất, quy giá trị là hơn 615 tỷ đồng. Từ kết quả đạt được của từng mô hình, các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh xác định rõ hơn nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế và chính sách cần thay đổi để xây dựng nông thôn mới cho những xã ven đô khác hiệu quả hơn.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hồ Chí Minh cho biết: Tổng kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố tính đến tháng 1-2013 là hơn 6.900 tỷ đồng. Trong đó, Ngân sách T.Ư hơn 20 tỷ đồng, tỷ lệ khoảng 0,29%; Ngân sách thành phố có hơn 1.300 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 20%; đáng chú ý, huy động trong nhân dân và cộng đồng là gần 5.500 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 80%. Từ con số này cho thấy sự ủng hộ, tham gia tích cực, tâm huyết của người dân có vai trò rất quan trọng.

Từ huy động nguồn lực trong nhân dân, cộng đồng, với sự hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước, trong ba năm qua, thành phố đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới tại các xã điểm và tại các xã nhân rộng đã có 38 trong số 50 xã đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; tính chung đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch 78,5% số xã (44 trong số 56 xã). Bên cạnh đó, đã nâng cấp và làm mới 311,67 km đường giao thông nông thôn; xây mới và sửa chữa nâng cấp 25 trường học; xây dựng mới bốn Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã..., xóa nhà tạm dột nát 430 căn tại sáu xã điểm (không còn nhà dột nát) và hỗ trợ xây dựng 81 nhà tình nghĩa, nhà đoàn kết...

Có thể nói, những nhân tố nông thôn mới của các xã ven đô thị TP Hồ Chí Minh dần hình thành, bắt đầu phát huy tác dụng. Cơ sở hạ tầng phát triển đáp ứng được nhu cầu sản xuất và dân sinh, góp phần thu hút đầu tư trong cộng đồng; sản xuất phát triển, góp phần đưa thu nhập hộ tăng cao, đã xuất hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp nền nông nghiệp đô thị, có thể nhân rộng, ngành nghề nông thôn được khôi phục, phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm lúc nông nhàn.

Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ từ thành phố đến huyện trực tiếp tham gia, cán bộ xã đến ấp được nâng lên một bước. Vai trò hạt nhân Ðảng lãnh đạo, đảng viên gương mẫu tiên phong, nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị và địa phương với mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới. Nhận thức trong nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực, không còn tư tưởng ỷ lại vào nguồn lực Nhà nước như trước đây, người dân tin tưởng, tự tin và chủ động tham gia vào từng việc làm trong xây dựng nông thôn mới.


 

Bài và ảnh: Đinh Song Linh
theo nhandan
 Tags: huyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập833
  • Hôm nay38,433
  • Tháng hiện tại49,727
  • Tổng lượt truy cập88,728,061
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây