Trước khi diễn ra hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử do VPCP chủ trì cùng với các Bộ, ngành thực hiện đã đạt được một số kết quả tích cực, có nhiều bước tiến quan trọng.
Tiết kiệm trên 6.300 tỷ đồng từ cắt giảm TTHC
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Hoạt động kiểm tra chuyên ngành có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức theo hướng toàn diện, thực chất hơn. Nhiều bộ, cơ quan đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phân định đầu mối kiểm tra chuyên ngành, giảm chồng chéo về thẩm quyền. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19USD; ước tính với 12 triệu tờ khai của năm 2018, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD, tương đương hơn 4.000 tỷ đồng thủ tục thông quan; tiết kiệm 17 triệu giờ lưu kho đối với 5,8 triệu tờ khai xuất khẩu, tiết kiệm 37 triệu giờ lưu kho đối với 6,2 triệu tờ khai nhập khẩu. Hiện nay, riêng hàng luồng xanh, thời gian thông quan chỉ còn 1-3 giây, tỷ lệ lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành chỉ còn 19,1%.
Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiệm.
Phát huy tinh thần chính phủ kiến tạo, chính phủ phục vụ, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong thời gian tới Chính phủ sẽ triển khai nhiều chương trình cải cách mới với một loạt nhiệm vụ, giải pháp mới.
Tiêu biểu như thông qua Nghị quyết về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 nhằm thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm gánh nặng hành chính cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia hoạt động kinh doanh.
Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp, cung cấp 389 dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp |
Kích "chuột" để thanh toán trực tuyến
Thời gian qua, việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử cũng được đẩy mạnh thông qua việc triển khai Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
Được khai trương tháng 12 năm 2019, Cổng Dịch vụ công Quốc gia (www.dichvucong.gov.vn) là đầu mối kết nối với các Cổng dịch vụ công và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với từng đối tượng.
Tính đến ngày 07/5/2020, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có trên 35 triệu lượt truy cập: Trên 134.000 tài khoản đăng ký; trên 7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 55.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp nhận, hỗ trợ trên 10.000 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.
Từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp ở thời điểm khai trương, đến nay trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp, cung cấp 389 dịch vụ công trực tuyến (160 cho công dân, 229 cho doanh nghiệp).
Cổng Dịch vụ công Quốc gia hiện đã cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến, trong đó cho phép người dân, doanh nghiệp kê khai, nộp thuế điện tử, đề nghị gia hạn thuế, nộp phí, lệ phí, các nghĩa vụ tài chính khi giải quyết thủ tục hành chính và các dịch vụ công khác.
Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, VPCP đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng phương án kỹ thuật cung cấp 6 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia gồm: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp; kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Các dịch vụ công này trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ hỗ trợ cho 4 triệu đối tượng người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, rút ngắn thời gian thực hiện từ 6 đến 10 ngày làm việc với từng đối tượng so với cách triển khai trực tiếp.
Đẩy mạnh thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, để thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, ngày 8/4/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Nghị định giúp tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến trên môi trường điện tử, từ vấn đề xác thực, định danh cá nhân đến quy trình thực hiện, thanh toán trực tuyến, giá trị pháp lý của hồ sơ điện tử, trách nhiệm của các cơ quan trong xây dựng, kiểm soát chất lượng thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử... để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân, tổ chức trong giao dịch trực tuyến với các chi phí xã hội thấp nhất, từng bước nâng cao tỷ lệ giao dịch trực tuyến trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, Chính phủ sẽ dành ưu tiên triển khai thực hiện Nghị định này để sớm đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Kế hoạch thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử của các bộ, ngành và địa phương sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên để Nghị định được thi hành nhanh chóng và hiệu quả.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo cụ thể về các ưu tiên thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trong từng thời kỳ.
Gia Huy/Chinhphu.vnNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã