Lãnh đạo xã Đông Cuông động viên nông dân trong xã tham gia mô hình liên kết với doanh nghiệp trồng sả để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông Nguyễn Văn Lai ở thôn Trung Tâm, xã Yên Thái phấn khởi cho biết "Từ khi xây dựng NTM, hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp, kinh tế phát triển nhanh, đời sống bà con khấm khá hẳn lên. Vui hơn cả là đường làng mở rộng, cảnh quan môi trường sáng - xanh, con cháu được học trong những ngôi trường mới tiện nghi và dịch vụ khám sức khỏe ở xã cũng tốt hơn rất nhiều”.
Hơn 10 năm trước, khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện Văn Yên gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn còn nghèo nàn, lạc hậu; nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân với nhiều cách làm sáng tạo, đến nay, bộ mặt nông thôn Văn Yên có nhiều khởi sắc. Tính đến 6/2020, toàn huyện có 10/24 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 41,7%, dự kiến đến hết năm 2020 có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM là Mậu Đông và Quang Minh, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện lên con số 12, chiếm 50% tổng số xã toàn huyện; trong đó, nhiều tiêu chí đạt tỷ lệ cao.
Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư một cách đồng bộ, hiệu quả. Trong giai đoạn 2011 - 2020, toàn huyện đã huy động được 1.491,8 tỷ đồng xây dựng NTM; trong đó, ngân sách Nhà nước chỉ có 697,6 tỷ đồng, còn lại do các nguồn vốn tín dụng, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân đóng góp. Từ nguồn vốn này, huyện ưu tiên đầu tư xây dựng mới, nâng cấp kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống người dân.
Trong phát triển giao thông nông thôn, các địa phương trong huyện đã bê tông hóa 391 km đường giao thông nông thôn; cứng hóa 153,9 km đường trục thôn, bản, nâng tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn trên toàn huyện lên 563,5 km/1.167 km, đạt 48,3%. Hạ tầng xã hội cũng được chú trọng đầu tư, xây dựng với hệ thống trường, trạm ngày càng khang trang, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Huyện cũng tập trung quan tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Ông Đỗ Quang Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Huyện đã có nhiều giải pháp tạo đột phá mới theo hướng phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ, giống phù hợp, gắn với những giải pháp phát triển sản xuất đồng thời khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp để cải thiện sinh kế cho nhân dân. Đến nay, huyện hình thành vùng chuyên canh lúa 1.000 ha thâm canh cho giá trị sản xuất đạt trên 120 triệu đồng/ha; vùng chuyên canh ngô với tổng diện tích gần 6.000 ha/năm, trong đó có 1.000 ha ngô đông trên đất hai vụ lúa; vùng chuyên canh sắn công nghiệp với diện tích gần 7.000 ha, vùng quế trên 40.000 ha, vùng cây nguyên liệu giấy 12.500 ha.
Nhờ vậy, diện mạo nông thôn ở Văn Yên đã có bước chuyển biến rõ nét, kinh tế có bước phát triển khá, an sinh xã hội được cải thiện đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 6,08% (cao hơn 1% so với bình quân chung toàn tỉnh), vượt 2,08% Nghị quyết.
Những kết quả trên chính là tiền đề, động lực để Văn Yên phấn đấu, quyết tâm xây dựng trở thành huyện NTM vào năm 2025.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã