Học tập đạo đức HCM

Lập Thạch nỗ lực cán đích huyện nông thôn mới

Thứ năm - 21/05/2020 03:27
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ năm 2011, với những cách làm sáng tạo và linh hoạt, đến hết năm 2019, huyện Lập Thạch có 18/18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt đã và đang tạo tiền đề quan trọng để địa phương sớm cán đích huyện nông thôn mới.

Xác định hướng đi đúng

Về Lập Thạch trong cái nắng gay gắt của một ngày trung tuần tháng 5, đâu đâu cũng thấy cảnh người dân đang nhộn nhịp sản xuất, thu hoạch mùa vụ. Giờ đây, việc vận chuyển lúa, rau màu từ đồng về nhà hay tỏa đi muôn nơi tiêu thụ của bà con nông dân ngày một thuận lợi nhờ có những con đường giao thông nông thôn kiên cố, thẳng tắp nối dài từ đầu làng đến cuối ngõ…

Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần của người dân Lập Thạch ngày càng được nâng cao

Dừng chân tại xã Đồng Ích - một trong những địa phương ở tốp cuối trong hành trình về đích nông thôn mới của huyện mới thấy hết ý nghĩa, hiệu quả mà chương trình đem lại cho người dân. Sau bao năm loay hoay với bài toán phát triển kinh tế chưa tìm được lời giải thỏa đáng, chương trình xây dựng nông thôn mới giống như “làn gió mới” giúp địa phương tận dụng những lợi thế sẵn có để từng ngày “thay da đổi thịt”. Cùng với đầu tư xây dựng, tu sửa cơ sở hạ tầng, UBND xã đã tích cực vận động nhân dân gieo trồng đúng khung lịch thời vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, giá trị kinh tế cao theo chương trình hỗ trợ của tỉnh vào sản xuất. Đồng thời, tập trung phát triển mô hình kinh tế gia trại, trang trại; khuyến khích người dân phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề dịch vụ để nâng cao thu nhập… Nhờ những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển phù hợp với thực tiễn địa phương, nếu như năm 2011, toàn xã chỉ có 7/19 tiêu chí cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, thì đến năm 2019, từ nguồn vốn huy động trên trên 153 tỷ đồng, xã đã được UBND tỉnh công nhận hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới với thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 44 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,7%.

Tìm được hướng đi đúng trong phát triển kinh tế không chỉ có Đồng Ích mà còn là thành công chung của nhiều địa phương trên địa bàn huyện Lập Thạch. Theo ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, một trong những điểm nhấn nổi bật mà Lập Thạch đạt được sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới là huyện đã nhanh chóng vận dụng chính sách của Trung ương, của tỉnh để triển khai đến các xã trên địa bàn các chương trình hỗ trợ giống vật nuôi, mua máy móc, xây dựng vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa, hỗ trợ cây trồng vụ Đông... tạo động lực để người dân tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; hình thành một số vùng chuyên canh với cây, con chủ lực như: Thanh long ruột đỏ ở Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ; chăn nuôi bò sữa ở Thái Hòa, Liên Hòa; chanh tứ quý ở Liễn Sơn, nuôi lợn ở Quang Sơn, Ngọc Mỹ… Ngoài ra, trên địa bàn còn có 2 làng nghề ở xã Văn Quán và Triệu Đề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống; 2 sản phẩm được công nhận sở hữu trí tuệ là cá thính và thanh long ruột đỏ. Qua đó, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện năm sau luôn cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 1.851 tỷ đồng; bình quân giá trị sản xuất/ha canh tác hằng năm đạt 90 triệu đồng/ha. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 100 trang trại tổng hợp thu lãi từ 200 - 500 triệu đồng/năm.

Cùng với đó, huyện Lập Thạch cũng có nhiều cơ chế chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các doanh nghiệp về đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh. Đến hết năm 2019, huyện có 18/18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với thu nhập bình quân đầu người đạt gần 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở mức 3,01%, giảm 11% so với trước khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Quyết tâm cho mục tiêu cao hơn

Xác định xây dựng nông thôn chỉ có điểm khởi đầu nhưng không có kết thúc, cùng với nỗ lực đưa 100% số xã trên địa bàn về đích xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Lập Thạch đã chỉ đạo các xã tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để chương trình thực sự đi vào chiều sâu, thực chất và phát triển bền vững. Trong năm 2020, huyện chọn xã Triệu Đề và Thái Hòa làm điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao; chọn 2 thôn Tân Tiến, xã Triệu Đề và thôn Đình Tre, xã Thái Hòa làm điểm xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, cả 2 xã đã đạt 2/5 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Nổi bật là xã Thái Hòa đã triển khai được 70% tuyến đường trục thôn, liên thôn, ngõ, xóm có hệ thống điện chiếu sáng; 5/12 thôn thực hiện trồng hoa ven đường; xây dựng được 700m rãnh nước thải trong khu dân cư. Xã Triệu Đề đã triển khai được 60% tuyến đường trục thôn, liên thôn, ngõ xóm có hệ thống điện chiếu sáng; 4/12 thôn trồng hoa ven đường; xây dựng được trên 10km cống, rãnh thoát nước trong khu dân cư.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Đề cho biết: Trong 3 tiêu chí đang thực hiện, khó nhất với địa phương là tiêu chí Môi trường, hiện cả 2 làng nghề cây cảnh và mây tre xiên của xã đều chưa đạt chuẩn về vệ sinh môi trường. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển tất cả các ngành nghề, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn, một trong những giải pháp quan trọng đang được chính quyền địa phương tích cực triển khai thực hiện là khuyến khích các tổ chức đoàn thể và người dân cùng tham gia vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại các khu vực công sở, nhà văn hóa, thể dục thể thao, các tuyến đường giao thông nông thôn; thực hiện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, nước thải trong các làng nghề; chú trọng vệ sinh môi trường nông thôn gắn với các cơ chế, chính sách khác có liên quan để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2020 theo đúng kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo của UBND huyện, đến thời điểm này, Lập Thạch đã đạt 7/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Trong 2 tiêu chí còn lại, tiêu chí Y tế - Văn hóa - Giáo dục hiện còn sân vận động mới chỉ san lấp mặt bằng do quy hoạch ở vị trí mới với diện tích 5800m2; chỉ tiêu trình độ cán bộ được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về văn hóa, thể dục thể thao chưa bảo đảm 60% có trình độ đại học, 40% cao đẳng, trung cấp; mới có 2/4 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia. Đối với tiêu chí Môi trường, nguồn rác thải vẫn cơ bản được xử lý bằng hình thức chôn lấp, đốt thủ công chỉ đáp ứng yêu cầu tạm thời; chưa có hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn tập trung quy mô toàn huyện; vẫn còn có tình trạng người chăn nuôi quy mô lớn xả thải chất thải chăn nuôi ra môi trường gây ô nhiễm môi trường.

Hiện tại, cấp ủy, chính quyền, các tổ công tác từ huyện đến cơ sở đang khắc phục khó khăn, tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, vận động và công tác đào tạo, tập huấn theo hướng thiết thực, dễ làm, dễ hiểu, tập trung vào những nội dung vận động nhân dân đổi mới cách thức sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường trong nhà, ngoài ngõ, trong thôn  xanh, sạch, đẹp, an lành, không có tệ nạn xã hội; cán bộ năng động, tích cực, thạo việc, chỉ đạo thực hiện tiêu chí một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế. Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp, thiết thực với từng xã, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, thị trường; thực hiện lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề, giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo thứ tự ưu tiên các công trình cấp thiết nhất phục vụ nhu cầu cộng đồng, các công trình cải tạo, nâng cấp, công trình dễ làm, ít tốn kém, có thể huy động được sức dân và nguồn lực xã hội hoá khác, tránh gây nợ đọng xây dựng cơ bản, quyết tâm hoàn thành mục tiêu trong năm 2020 được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới; có 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 2 thôn đạt chuẩn thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Bích Phượng

Nguồn tin: vinhphuc.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập243
  • Hôm nay37,097
  • Tháng hiện tại641,005
  • Tổng lượt truy cập93,018,669
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây