Tiềm năng lớn...
Theo đánh giá của ngành du lịch Việt Nam, Hà Nội là địa bàn tập trung nguồn tài nguyên du lịch của vùng Bắc Bộ, với tổng số 5.922 di tích, 1.205 lễ hội, 1.350 làng nghề và làng có nghề, nhiều di tích và lễ hội được UNESCO công nhận. Lượng khách du lịch đến Hà Nội luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá, chiếm trên 1/3 lượng khách du lịch của cả nước.
Năm 2019, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 28.945.000 lượt, tăng 10,0% so với năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 7.025.000 lượt, tăng 17.0% so với năm 2018, khách du lịch nội địa ước đạt 21.920.000 lượt khách, tăng 8,0% so với năm 2018.
Mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái ở Hà Nội đang được du khách quan tâm bởi họ muốn thưởng thức thực phẩm ngon, sạch trong không gian sinh hoạt mang tính cộng đồng nông nghiệp làng xã. Điển hình như các mô hình: Khu du lịch sinh thái Bản Rõm (huyện Sóc Sơn); làng Văn hóa và ẩm thực Nắng sông Hồng; Khu du lịch sinh thái Bảo Sơn (Long Biên); Trang trại đồng quê Ba Vì; khu du lịch làng cổ Đường Lâm…
Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, hiện nay các sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách. Một số khu vực có điều kiện tự nhiên đồng nhất, tập quán sinh hoạt, văn hóa cộng đồng giống nhau, sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa các địa phương không tránh khỏi sự trùng lặp, đơn điệu. Giá trị nông nghiệp bản địa, văn hóa truyền thống bản sắc, sự tinh tế, chuyên nghiệp chưa được nghiên cứu và ứng dụng bài bản để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao phục vụ du khách.
Trong bối cảnh TP.Hà Nội đang tích cực triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, du lịch nông nghiệp sẽ là một động lực thúc đẩy việc thực hiện phong trào nông thôn mới với tốc độ nhanh. Vì vậy, bà Hương cho rằng Nhà nước và TP.Hà Nội cần hỗ trợ xây dựng chương trình quảng bá cho loại hình du lịch nông nghiệp, đảm bảo được thực hiện quanh năm theo mùa vụ.
Đồng thời, cần có chính sách cụ thể để tạo kênh phân phối sản phẩm nông nghiệp bằng cách hỗ trợ thành lập các HTX để tập hợp xã viên tạo ra nhiều sản phẩm, tạo điều kiện đào tạo kỹ năng nghề, thiết kế sản phẩm, nghiên cứu thị trường, có khả năng tạo chuỗi sản phẩm có chất lượng cao phục vụ khách du lịch.
Phát triển HTX theo mô hình liên kết, theo chuỗi
HTX Hoa - cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân ở huyện Thường Tín là một trong những mô hình HTX kiểu mới. Tận dụng lợi thế trên địa bàn xã có 2 làng được UBND TP.Hà Nội công nhận là "làng nghề sinh vật cảnh" và điểm "du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân", HTX Hồng Vân nhanh chóng triển khai thêm dịch vụ du lịch trải nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Việc sản xuất nông nghiệp chuyên canh trồng hoa và cây cảnh đã tạo ra một phần cảnh quan trên địa bàn xã.
HTX đã khai thác được các dịch vụ du lịch trải nghiệm, check in. Quy trình sản xuất theo mô hình trồng hoa, cây cảnh, nuôi thả cá, trồng rau an toàn, đầu tư dịch vụ xe điện du lịch đưa đón du khách tham quan từ mô hình này đến mô hình khác... đã giúp các thành viên trong HTX liên kết, hoạt động theo chuỗi.
Ông Nguyễn Văn Tứ - Chủ nhiệm HTX Hồng Vân cho biết: Nguồn giá trị dịch vụ đôi khi còn lớn hơn giá trị sản phẩm. Nhưng hiện nay, địa phương chưa có điều kiện về dịch vụ lưu trú nên khách đến du lịch trải nghiệm chỉ trong 1 ngày.
Theo ông Tứ, để phát triển thành một điểm đến hấp dẫn nhiều du khách, TP.Hà Nội cần có cơ chế chính sách để người nông dân có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thấp, dài hạn để họ yên tâm đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ việc quảng bá, tập huấn, đặc biệt là việc cho hộ sản xuất thử nghiệm mô hình homestay nhằm thu hút khách du lịch lưu trú, qua đó sẽ tiêu thụ được nhiều thực phẩm nông sản, sử dụng các dịch vụ nhiều hơn…
Mấy năm gần đây, trang trại đồng quê Ba Vì cũng khá thành công khi xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp. Đây là mô hình thí điểm mang tính gợi mở tại vùng phụ cận chân núi Ba Vì với các lợi thế: Làng thảo dược người Dao Ba Vì, làng Chè Ba Trại, làng trồng cỏ và nuôi bò sữa Vân Hòa, làng Việt cổ Đường Lâm Sơn Tây với các đặc sản nổi tiếng gà mía, đậu đỗ…
Bà Ngô Kiều Oanh của Công ty TNHH ATC Việt Nam (quản lý Trang trại đồng quê Ba Vì) cho rằng, làm du lịch nông nghiệp cần nghiên cứu và nắm bắt 3 tính chất cơ bản: Cộng đồng, bình đẳng, bền vững. Trong đó, chú trọng chủ thể là các nông hộ. Song trên thực tế, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp chưa được tiêu chuẩn hóa dẫn đến chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu và là rào cản lớn đối với sự phát triển của loại hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái trên địa bàn Hà Nội.
Nhà nước và TP.Hà Nội cần hỗ trợ xây dựng chương trình quảng bá cho loại hình du lịch nông nghiệp, đảm bảo được thực hiện quanh năm theo mùa vụ. Đồng thời, cần có chính sách cụ thể để tạo kênh phân phối sản phẩm nông nghiệp bằng cách hỗ trợ thành lập các HTX...".
Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã