Ít ai có thể tin rằng, vùng đất bãi bồi, bãi hoang ven con sông Cầm hiền hoà mọc đầy cói, cỏ và lăn lác xưa kia nay lại giúp những người nông dân nơi đây làm giàu, nhờ biết cách tận thu các sản phẩm của thiên nhiên. Không chỉ nổi tiếng với đặc sản con rươi, những người nông dân khu Vân Quế còn giàu lên từ con cáy.
Những ngày này, nông dân khu Vân Quế tất bật bước vào thu hoạch cáy. Như thường lệ, vào mỗi buổi sáng sớm, gia đình chị Lê Thị Liễu lại chèo thuyền sang sông để đặt các rọ cáy vào bờ ruộng của gia đình. Những chiếc rọ cáy bên trong đã được chị đặt ít mồi gồm vỏ ốc trộn cám gạo.
Kinh nghiệm của gia đình chị Liễu là đặt các rọ cáy cách nhau 1m trên bờ ruộng vì đến khi thuỷ triều lên, những con cáy sẽ chạy vào bờ để tìm mồi và làm nơi trú ẩn. Đến chiều, chị và các hộ nông dân ở đây chỉ việc gánh các rọ cáy về nhà bán cho thương lái.
Chị Lê Thị Liễu nói: “Xưa kia ruộng lúa khai thác rươi của gia đình thuộc cánh đồng bãi bồi cỏ hoang, vợ chồng tôi mạnh dạn thầu để làm ăn kinh tế, trước hết là để tận thu con cáy, sau đó là thu con rươi. Bây giờ đang đầu vụ cáy nên giá ổn định là 70.000 đồng/kg, trung bình một vụ gia đình tôi cũng thu khoảng 40 triệu đồng tiền bán cáy”.
Ngay từ năm 1997, phường Hưng Đạo đã quy hoạch 25ha diện tích vùng bãi hoang, bãi bồi ven sông ở khu Vân Quế và khu Mỹ Cụ để xây dựng mô hình trồng lúa chiêm kết hợp với nuôi và khai thác con cáy, con rươi.
Khu Vân Quế có 10ha nuôi trồng thủy sản chủ yếu là cáy và rươi. Cả khu có 70/219 hộ (chiếm 1/3) có bãi để khai thác rươi, cáy kết hợp cấy lúa. Thị trường tiêu thụ 2 loại “đặc sản” đồng quê này rất thuận tiện, thương lái đến tận nhà thu mua. Trung bình một năm, cả khu thu hoạch 6 tấn cáy và khoảng 4 tấn rươi.
Ông Trần Trọng Lán- Phó Bí thư chi bộ, Phó Trưởng khu Vân Quế cho biết: “Tận dụng nguồn thiên nhiên ưu đãi dành cho mảnh đất ven sông này, những người nông dân ở đây đã không quản khó khăn vất vả sớm hôm ra đồng “dấm” cáy. Trung bình một ngày, mỗi hộ nông dân ở đây cũng thu hoạch được 7 kg cáy và những ngày cao điểm, có hộ thu về hơn 15kg cáy”.
Vào những ngày hè nóng nực, cáy trở thành thực phẩm sạch được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Giá bán 1kg cáy đầu vụ là 70.000 đồng, vào chính vụ khoảng 60.000 đồng. Sau mỗi vụ cáy (kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch), các hộ gia đình ở đây thu nhập bình quân khoảng 30- 40 triệu đồng mà không tốn nhiều tiền đầu tư, chủ yếu là lấy công làm lãi.
So với cấy lúa, chỉ tính riêng từ thu hoạch cáy cũng đã giúp các hộ nông dân có lãi gấp 8- 10 lần, đó là chưa kể hằng năm bà con nông dân ở đây còn thu nhập bình quân từ 50- 80 triệu đồng từ con rươi và làm đặc sản mắm cáy.
Ngày nay, đời sống của người dân đang từng bước được nâng cao nên nhu cầu thưởng thức các món ăn đồng quê, dân dã được nhiều người ưa chuộng. Để bảo tồn loài cáy trong tự nhiên và bảo vệ môi trường thì điều quan trọng hơn cả là các hộ nông dân ở đây cần phải thường xuyên dọn cỏ, cải tạo đất bãi, giúp cáy sinh sôi phát triển tốt.
Có như vậy, những sản phẩm trời cho như con cáy, con rươi ở vùng đất bãi ven sông Cầm mới tiếp tục giúp nhiều hộ nông dân tăng thêm thu nhập vươn lên thoát nghèo, làm giàu tại quê hương.
Theo Thu Trang/nongnghiep.vnNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã