Vi phạm khai thác thủy sản còn nhức nhối
Hiện nay, cường độ khai thác thủy sản ở vùng biển Quảng Ninh vẫn ở mức cao, tình trạng cạnh tranh khai thác thủy sản giữa các cộng đồng ngư dân và các nghề khác có chiều hướng gia tăng. Tình trạng ngư dân sử dụng một số phương pháp, nghề khai thác có tác động tiêu cực đến nguồn lợi thuỷ sản diễn biến phức tạp như: Sử dụng thiết bị xung điện, chất nổ, hóa chất; các ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác hải sản dẫn đến nguy cơ suy giảm nguồn lợi thuỷ sản.
Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự trong lĩnh vực khai thác thủy sản, đánh bắt thủy sản trên tuyến đường thủy nội địa phức tạp, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, gây mất trật tự an toàn giao thông do nhiều phương tiện nhỏ, công suất máy thấp...
Có thể thấy rõ nhất là tình trạng ngư dân chống đối, không hợp tác trong thực hiện, khắc phục lỗi vi phạm hành chính có chiều hướng gia tăng, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm. Mặc dù chế tài xử phạt cao gấp nhiều lần so với trước đây nhưng các hành vi vi phạm quy định IUU vẫn diễn ra, nhất là quy định chống khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Quảng Ninh có bờ biển dài 250km; đường biên giới sông, biển giáp với Trung Quốc dài 110km; đường thủy nội địa dài 799,9km. Nghề khai thác thủy sản của tỉnh chủ yếu là tàu thuyền có công suất nhỏ; hoạt động với nhiều nghề khai thác khác nhau, đa dạng về chủng loại, loại hình, phương thức khai thác trong đó có các nghề chủ yếu như: Chài chụp, lưới rê, lưới kéo, câu, nghề lồng bẫy...
Được biết, khung xử lý vi phạm quy định chống khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản được Quảng Ninh chính thức đưa vào thực thi từ tháng 8/2019 với mức xử phạt tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Đáng nói, ngay tháng đầu tiên sử dụng khung xử phạt, số vụ vi phạm tại Quảng Ninh lại có chiều hướng gia tăng, chỉ tính trong tháng 9/2019, tức là tháng đầu tiên xử phạt nặng đối với các vụ vi phạm và bị xử lý là 105 vụ (tăng 23,5%), với số tiền thu phạt trên 1,38 tỷ đồng (tăng 30%) so với tháng 8/2019.
Hơn nữa, quá trình quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn rất khó khăn, phức tạp. Bởi phải kiểm soát thêm hoạt động khai thác thủy sản của tàu cá tỉnh khác, trong đó có một bộ phận không nhỏ thường xuyên sử dụng ngư cụ khai thác mang tính xâm hại nguồn lợi, khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn.
Trong khó khăn, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã có kiến nghị xem xét, xử lý hình sự đối với một số trường hợp tái phạm các lỗi về sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản. Đây có thể coi là một trong những động thái cứng rắn của tỉnh trước vi phạm.
Mạnh tay xử lý, răn đe hành vi tái phạm
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chính quyền và các ngành chức năng liên tục đưa ra các giải pháp đồng bộ, nhấn mạnh vai trò trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Một mặt, tỉnh Quảng Ninh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các ngành chức năng về việc tăng cường công tác quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo tất cả các ngành, các cấp từ tỉnh xuống tới xã, phường kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản, trong đó các lực lượng như Chi cục thủy sản, Biên phòng, Công an làm nòng cốt. Để thực hiện, các đơn vị đã chủ động phối hợp với nhau trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Nhờ vậy, việc ngư dân sử dụng các nghề cấm như lồng bát quái, kích điện để khai thác thủy sản đã giảm nhiều.
Theo Ông Hà Vân Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh: “Hiện nay, nguồn lợi thủy sản tại một số khu vực, nhất là vùng biển Vịnh Hạ Long đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. Để có kết quả này, là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sau khi thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 1/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh được ban hành. Thông qua những giải pháp phù hợp làm cho ý thức, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến, nhận thức của người dân đối với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được nâng lên”.
“Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, dễ tiếp cận. Qua đó tổ chức tuyên truyền cho gần 10.000 lượt ngư dân; in, cấp phát 43.500 tờ rơi tuyên truyền; mở nhiều lớp tập huấn cho trên 1.100 lượt người; tổ chức cho các hộ ngư dân ký cam kết không sử dụng ngư cụ cấm để đánh bắt, khai thác thủy sản... Người dân cũng chủ động nắm bắt thông tin, tố giác vi phạm”, ông Giang cho biết thêm.
Nguồn tin: Anh Thắng/nongnghiep.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã