Bà Thuận giới thiệu sản phẩm lụa dệt từ tơ sen với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường và Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tại khu trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP của Hà Nội. "Chị Thuận quá giỏi, ở một vùng trũng như Mỹ Đức nhưng chị đã sáng tạo ra một sản phẩm lụa tơ sen rất đặc bịệt, rất đặc trưng, mong rằng trong thời gian tới chị tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình để phục vụ thị trường", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Ứng thóc trả lương cho công nhân học nghề
Những ngày này, tại xưởng sản xuất rộng khoảng 500m2 của Công ty Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức, nghệ nhân đã 65 tuổi này vẫn thoăn thoắt đưa thoi dệt vải. Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phan Thị Thuận cho biết: "Gia đình tôi vốn có ba đời theo nghiệp tằm tơ. Được sinh ra và lớn lên tại một làng quê có nghề truyền thống nên tôi cố gắng gìn giữ, phát triển công việc.
Tuy nhiên, vào lúc nghề bị mai một, các thế hệ tiếp nối đã bỏ nghề, thậm chí bỏ làng đi làm nghề khác. Bằng kinh nghiệm và lòng tin, mình biết nghề tổ không thể mất mà còn mang tới nhiều lợi ích, mình buộc phải đầu tư đào tạo nguồn nhân lực mới để làm nghề, giữ nghề", bà Thuận tâm sự.
Các con tằm tự dệt lụa, khăn, chăn tại xưởng sản xuất của công ty TNHH Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức.
"Người nông dân vốn chắc chắn, nếu công việc chưa đến đầu đến đũa mà bảo họ tới học nghề họ sẽ không đến. Không ai tự nhiên mà đến để xin học một nghề đang ở giai đoạn mai một. Cho nên, muốn họ học nghề mình phải bỏ tiền túi ra trả tiền công cho họ khi họ tới học nghề. Mình phải hy sinh trước rồi khi công việc thành công, có tiền ngay họ mới thực sự yêu thích công việc", bà Thuận nói thêm.
Thậm chí, để đảm bảo và ổn định đời sống cho người lao động yên tâm học việc, làm nghề có lần bà Thuận đã lấy thóc ứng trước cả năm thay cho trả lương nhân công.
Trong giai đoạn có dịch Covid-19 từ Tết Nguyên đán đến giờ, dù việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn nhưng tại Công ty Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức, bà Thuận và các công nhân của mình vẫn đoàn kết, đồng lòng giữ và phát triển nghề dệt lụa truyền thống của quê hương.
"Đến hôm nay việc sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi đã bắt đầu có tiến triển tốt hơn nên mọi người rất vui và phấn khởi", bà Thuận bộc bạch.
Để Công ty Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức đạt được lợi nhuận sau thuế 3 tỷ đồng một năm như hiện nay NNƯT Phan Thị Thuận không chỉ cần mẫn làm việc, mày mò sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư mà bà còn chịu khó quan sát, chiêm nghiệm, tự mình trực tiếp thử nghiệm và tìm ra bí quyết với những phát hiện mới.
NNƯT Phan Thị Thuận cho hay: "Con tằm kỳ lạ lắm! Nó rất kị mùi nước hoa và mùi xà phòng, mùi nước xả vải. Cứ gặp phải những mùi này là nó lăn ra chết. Nó ăn lá dâu cũng rất sạch, nếu lá dâu bị "dính" mùi phân hóa học hay nước phun chống sâu của các đồng hoa màu bên cạnh, lập tức tằm sẽ bị chết".
Do vậy khi người thợ dệt vải hay bà con nông dân nuôi tằm không thể để nong tằm lẫn lộn trong không gian sống, mà cần phải có không gian riêng với những khu trại ở nơi thoáng đãng, thanh sạch.
Khu trồng dâu phải tách biệt với khu trồng các loại giống cây hoa màu, cây ăn quả khác. Với chu trình khép kín: Trồng dâu - nuôi tằm - lấy phân tằm bón cho cây dâu- sẽ tạo ra chuỗi sản phẩm sạch mà tiết kiệm.
Sáng tạo ra sản phẩm độc nhất vô nhị: Tơ sen
Không chỉ nổi tiếng và được nhiều người biết đến khi là nghệ nhân nghiên cứu ra phương pháp bắt tằm tự dệt chăn tơ, bà Thuận còn là một trong những người Việt Nam đầu tiên dệt vải thành công từ tơ của thân cây sen - thứ mà thường người ta bỏ đi vì nghĩ rằng không có công dụng gì.
Bà Thuận cho biết, cơ duyên đến với nghề dệt vải từ tơ sen rất tình cờ. Năm 2017, trong một lần có đoàn đại biểu Quốc hội cùng với cán bộ huyện Mỹ Đức tới thăm cơ sở sản xuất, một nữ đại biểu đã gợi ý bà Thuận thử nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm lụa bằng tơ sen.
"Ban đầu tôi thấy rất lạ, tò mò vì chưa nghe thấy sản phẩm này bao giờ. Tuy nhiên khi lên mạng tìm hiểu thì mới biết, việc dệt lụa từ tơ sen khá phổ biến và được ưa chuộng ở Myanmar", bà Thuận kể.
Từ một thứ bỏ đi, bà Thuận đã đưa cuống sen về xử lý, dệt thành lụa, thành khăn, chăn bán ra thị trường với giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng/sản phẩm.
Sau hôm đó, bà Thuận dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu. Thời điểm đó, bà Thuận tự bỏ tiền túi, đầu tư mua một đám ruộng về trồng sen thử nghiệm. Tuy nhiên, việc lấy sợi tơ sen khó hơn gấp nhiều lần so với tơ tằm truyền thống.
"Sợi tơ sen mảnh, dễ đứt nên phải rất khéo léo, tỉ mẩn mới có thể rút được sợi tơ. Đặc biệt, tất cả các cuống sen phải được xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu không cuống sẽ bị khô, tơ bị rút sợi, hỏng hoàn toàn", bà Thuận kể.
Do không có kinh nghiệm, ở Việt Nam lại chưa có ai làm nên thời gian đầu bà Thuận liên tục gặp thất bại. Nhiều người cũng khuyên bà, việc làm lụa từ sen là một việc không thể. Để tập trung và tránh bị phân tán, nữ nghệ nhân này phải đóng cửa, ở một mình trong phòng nhiều tháng trời.
Tháng 7/2018, bà Thuận tham gia đề tài "Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi tơ từ cuống lá sen" cùng với Viện Kinh tế sinh thái (Bộ Khoa học & Công nghệ). Sau nhiều nỗ lực, sản phẩm lụa từ tơ sen đầu tiên của bà Thuận cùng với các cán bộ của Viện đã thành công.
"Cầm chiếc khăn lụa trên tay, có thể cảm giác rất rõ sự mịn màng, êm của sợi tơ và đặc biệt là sự tinh khiết mà không một loại tơ nào có thể sánh được", bà Thuận nói.
Hiện Công ty TNHH Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức của bà Thuận đang sản xuất ra nhiều sản phẩm khăn, chăn, vải tơ tằm, tơ sen cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo nghệ nhân này, vải tơ sen tuy có đẹp và nhiều ưu điểm song các công đoạn sản xuất thì rất cầu kỳ và hoàn toàn phải làm thủ công. Trong đó, khó nhất là việc lấy sợi tơ từ cuống sen.
Theo đó, cuống sen sau khi được thu về sẽ phải rửa sạch bùn và gai, cuống càng sạch thì sợi tơ càng trắng và đẹp. Để lấy được tơ, bà Thuận và các công nhân của mình phải dùng dao khứa xung quanh cuống sen, sau đó dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời vê cho sợi tơ sen tròn lại. "Công đoạn này phải diễn ra khéo léo, không cắt quá sâu nếu không sẽ làm đứt luôn sợi tơ bên trong", bà Thuận chia sẻ.
Để làm ra chiếc khăn dài 1,7m phải cần tới 4.800 cuống sen. Một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được từ 200-250 cuống. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn quàng cổ, sẽ phải mất đến cả tháng trời.
Do những yêu cầu phức tạp và sự kỳ công trong các công đoạn nên giá thành sản phẩm lụa tơ sen rất cao. Trung bình một chiếc khăn làm từ tơ sen có giá trên thị trường vào khoảng trên 4 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng, tùy loại.
Với những nỗ lực và sáng tạo trong ngành dệt lụa tơ tằm, tơ sen, NNƯT Phan Thị Thuận đã nhận được Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Giải Nhất Giải pháp sáng tạo chăn mền lấy tơ tằm do con tằm tự dệt 2015; Sản phẩm tiêu biểu 1.000 năm Thăng Long; Giải thưởng Top 100 bảng vàng Thăng Long thương hiệu nổi tiếng chân chính lần thứ 2…
Cũng vì giá thành đắt nên hiện nay, sản phẩm này chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng, hoặc phục vụ các dòng khách cao cấp, khách nước ngoài. Mỗi năm xưởng sản xuất của bà Thuận chỉ làm được 12 chiếc khăn lụa tơ sen, người tiêu dùng muốn mua phải đặt trước vài tháng mới có hàng.Không chỉ thế, khi sen hết mùa, xưởng của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận cũng không thể sản xuất ra loại khăn từ loại tơ đặc biệt này nữa. Vì thế việc dệt lụa từ tơ sen vẫn chỉ làm thời vụ, chưa thể đưa vào sản xuất đại trà, nhân rộng.
"Hiện tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, làm sao để nâng cao chất lượng, rút ngắn các công đoạn sản xuất. Tuy nhiên, đây là việc khó nên đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Hiện tại chủ yếu tôi mới đang tập trung các sản phẩm lụa tơ tằm bởi loại này giá phải chăng lại không tốn quá nhiều công sức", bà Thuận tiết lộ.
Theo Hải Đăng/danviet.vn
https://danviet.vn/doc-dao-thu-nguoi-ta-bo-di-lai-mang-ve-det-thanh-lua-ban-gia-dat-nhu-vang-20200508221907123.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã