Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành nông nghiệp và nhiều tỉnh, thành đã khai thác hiệu quả thế mạnh của mình như: quy hoạch vùng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, đặc biệt là sản xuất các mặt hàng theo nhu cầu của thị trường,... Điều này đã giúp ngành nông nghiệp lại một lần nữa là trụ cột của nền kinh tế.
Để đạt hiệu quả cao và bền vững trong sản xuất nông nghiệp, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Điều kiện đủ là phải có thị trường tiêu thụ ổn định với mức giá hợp lý.
Song thị trường chúng ta còn yếu. Tuy vậy, cũng không ít điểm sáng cần được nhân rộng để tăng tốc sự phát triển của kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp, ngành kinh tế trụ đỡ của nền kinh tế hiện nay.
Vai trò của thị trường
Trong nền kinh tế hàng hoá, mục đích của các nhà sản xuất là sản xuất ra hàng hoá để bán, để thoả mãn nhu cầu của người khác. Vì thế, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải gắn với thị trường. Quá trình sản xuất kinh doanh diễn ra không ngừng theo chu kỳ mua nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị… trên thị trường đầu vào, tiến hành sản xuất ra sản phẩm, sau đó bán chúng trên thị trường đầu ra.
Doanh nghiệp, người sản xuất chịu sự chi phối của thị trường, hay nói cách khác, thị trường có ảnh hưởng quyết định tới mọi khâu của quá trình sản xuất kinh doanh. Thị trường càng mở rộng và phát triển thì lượng hàng hoá tiêu thụ được càng nhiều và khả năng phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp càng cao và ngược lại. Bởi thế còn thị trường thì còn sản xuất kinh doanh, mất thị trường thì sản xuất kinh doanh bị đình trệ và các doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản.
Thị trường đóng vai trò dẫn dắt sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Các nhà sản xuất kinh doanh căn cứ vào cung cầu, giá cả thị trường để quyết định sản xuất kinh doanh cái gì? như thế nào ? cho ai?... Sản xuất kinh doanh đều phải xuất phát từ nhu cầu của khách hàng và tìm mọi cách thoả mãn nhu cầu đó chứ không phải xuất phát từ ý kiến chủ quan của mình.
Thị trường tồn tại một cách khách quan nên từng doanh nghiệp chỉ có thể tìm phương hướng hoạt động thích ứng với thị trường trên cơ sở nhận biết nhu cầu của thị trường kết hợp với khả năng của mình để đề ra chiến lược, kế hoạch và phương án sản xuất, kinh doanh hợp lý nhằm thoả mãn tốt nhất nhu cầu của thị trường và xã hội.
Điểm sáng Sơn La
Trước đây, phần lớn đất nông nghiệp của Sơn La trồng ngô, lúa nương, sắn, giá trị kinh tế không cao. Sau nhiều năm đất bị bào mòn, rửa trôi, tác động xấu đến môi trường. Ông Lò Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để tổ chức lại sản xuất, mở diện mô hình chuỗi kết nối giá trị trong sản xuất nông nghiệp?
Thay vì sản xuất theo lối cũ, Sơn La xác định rõ: sản xuất hàng hóa để bán, sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ.
Với một loạt giải pháp đồng bộ từ chính sách, ứng dụng khoa học công nghệ cao, thay đổi giống, áp dụng quy trình sản xuất mới, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giờ đây, Sơn La có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc. Nhiều diện tích cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như: chanh leo tím và bơ ghép 600 triệu đồng/ha; xoài ghép 500 triệu đồng/ha; nhãn ghép 360 triệu đồng/ha; Na Hoàng 1 tỷ đồng/ha. Đặc biệt, tỉnh đã thành công trong việc tìm kiếm thị trường để nông sản “xuất ngoại”.
Năm 2019, nông nghiệp Sơn La xuất khẩu đạt trị giá 140,1 triệu USD, tăng 21,8% so với năm 2018. Trong đó, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu xoài sang Anh, chanh leo sang Pháp... Thị trường nội địa tiếp tục được mở rộng, đạt 124 chuỗi cung ứng vào các siêu thị. Hiện thị trường này ổn định cung ứng với 19 chuỗi rau, 73 chuỗi quả, 01 chuỗi cà-phê, 04 chuỗi chè, 03 chuỗi thịt lợn, 02 chuỗi gà, 05 chuỗi mật ong, 17 chuỗi cung ứng thủy sản cá sông Đà…
Trong nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu, xoài và nhãn là hai sản phẩm tiêu biểu. Năm 2020, diện tích nhãn của Sơn La đạt 17.292ha, sản lượng 70.412 tấn. Tỉnh có 203 HTX, doanh nghiệp trồng nhãn theo quy trình mới, nhãn chất lượng cao với diện tích hơn 2.500ha. Diện tích nhãn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi các nước Mỹ, Úc, Trung Quốc là 92 mã số, diện tích hơn 2.600ha, sản lượng 22.942 tấn.
Chỉ riêng ở huyện Sông Mã, diện tích nhãn lên tới 7.514ha, sản lượng 50.298 tấn. Đến ngày 17/8/2020, sản lượng nhãn tiêu thụ trong nước đạt 35.298 tấn, xuất khẩu 2.970 tấn nhãn tươi sang Trung Quốc, giá trị 1,678 triệu USD và dự kiến xuất khẩu 1.200 tấn long nhãn tương đương 12.000 tấn nhãn quả sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, với giá khởi điểm 140.000 đồng/kg.
Với 15.177ha xoài, sản lượng 47.502 tấn, Sơn La đã được cấp 59 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước khác với diện tích 1.377,26ha, sản lượng 16.229,9 tấn. Mới đây, hơn 30 tấn xoài chất lượng cao của huyện Mai Sơn đã xuất sang Hoa Kỳ. Qua đây, khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm xoài Sơn La. Ngoài xuất khẩu sang Hoa Kỳ, từ đầu năm tới nay, Mai Sơn đã xuất khẩu 1.600 tấn sang Trung Quốc.
Ông Đào Mạnh Cường (tiểu khu Thành Công, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn) vui mừng kể, gia đình có 3ha xoài, sản lượng 50 tấn. Năm nay xoài được xuất đi nước ngoài nên giá cao, thu nhập gần 400 triệu đồng.
Ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết, để đẩy mạnh xuất khẩu, thời gian tới huyện sẽ duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới hàng hóa chất lượng cao. Tiếp tục mời các doanh nghiệp, đơn vị đầu mối mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của dịch Covid-19, song giá trị sản xuất nông nghiệp của Sơn La vẫn tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019, giá trị xuất khẩu ước đạt 52 triệu USD.
Được tỉnh Sơn La tạo mọi điều kiện thuận lợi, Tập đoàn TH vừa đưa Nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ vào hoạt động, góp phần giải quyết sản phẩm hoa quả cho 15.000ha vùng nguyên liệu (giai đoạn 1), tập trung vào các loại quả như: Cam, nhãn, xoài, chanh leo, sơn tra. Việc đưa nhà máy chế biến vào hoạt động được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho nông sản Sơn La.
Đây là nhà máy nằm trong top các nhà máy chế biến có công suất lớn nhất ở Việt Nam và là nơi đầu tiên sản xuất được nước ép cam và nhãn ở dạng cô đặc bằng công nghệ trích ly chuyên dụng hoàn toàn tự động, thiết bị cô đặc dạng tấm bản tiên tiến, công nghệ chế biến áp suất cao HPP.
Ông Lương Quốc Hoàn, Giám đốc Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ cho biết, Tập đoàn TH định hướng tiêu thụ tất cả sản phẩm do bà con nông dân trồng ra để đảm bảo đầu ra luôn được ổn định, tránh trường hợp được mùa, mất giá.
“Đầu ra” tốt, thước đo thắng lợi của nông sản
Cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng với cách làm chủ động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chức năng, tỉnh Bắc Giang đã khắc phục khó khăn trong khâu tiêu thụ, tạo nên thành công vụ vải thiều.
Năm 2020, sản lượng vải của Bắc Giang đạt 164,7 nghìn tấn, tổng giá trị đạt khoảng 6,9 nghìn tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với vụ vải năm 2019. Sản lượng tiêu thụ nội địa chiếm 52,5%, thị trường xuất khẩu 47,5%. Giá bán bình quân đạt 31,2 nghìn đồng/kg.
Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, có được kết quả nói trên là do tỉnh đã tạo được tâm thế tốt khi đưa ra các kịch bản tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Còn theo ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, huyện, tỉnh đã xây dựng các kịch bản, tình huống xấu nhất là dịch Covid-19 lan rộng, các cửa khẩu bị đóng cửa, vải thiều sẽ tập trung bán tại các chợ, siêu thị, thậm chí là các khu, cụm công nghiệp trong cả nước.
Tuy nhiên, để người tiêu dùng lựa chọn thì đòi hỏi chất lượng quả vải phải ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, chủ trương sản xuất vải thiều sạch, an toàn được các địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ cốt yếu, hướng đi sống còn cả trước mắt và lâu dài.
“Vụ vải thiều năm 2020, thị trường xuất khẩu đã được mở rộng hơn. Ngoài thị trường đã khai thác từ những năm trước như: Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, khối EU…, nay có thêm Nhật Bản. Đây là thị trường rất khó tính nhưng khi vải thiều Bắc Giang vào được sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận các nước khác”, ông Nam nói.
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, vụ vải năm nay cho thấy hiệu quả của mối quan hệ “4 nhà” đã được tỉnh tổ chức thực hiện một cách sáng tạo và đã phát huy hiệu quả, không chỉ sản lượng mà chất lượng vải năm nay cũng tốt, các doanh nghiệp tham gia liên kết nhiều hơn, đặc biệt là chất lượng vải đáp ứng các điều kiện và được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Canada...
Không nắm bắt thị trường, nhiều nông sản phải giải cứu
Bên cạnh một số địa phương làm tốt công tác sản xuất, tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, hiện ở nhiều địa phương nông dân vẫn sản xuất theo kiểu tù mù, thiếu thông tin định hướng đầu ra, dẫn đến dư thừa nông sản, đã xảy ra tình trạng bị ép giá, giải cứu, thậm chí phải đổ bỏ.
Việc “giải cứu” dưa hấu tồn tại nhiều năm nay ở tỉnh Quảng Ngãi thì nay lại tiếp diễn. Vụ đông xuân 2019-2020, tỉnh này có 734ha dưa hấu, năng suất đạt 255,3 tạ/ha. Do dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc gặp khó khăn.
Kéo theo giá thu mua tại ruộng rất rẻ, như dưa hắc mỹ nhân khoảng 1.000-4.000 đồng/kg; dưa hồng lương khoảng 700-2.500 đồng/kg, thậm chí chỉ còn vài trăm đồng/kg. Trước tình trạng này, phương án giải cứu dưa đã được triển khai ở nhiều địa phương.
Theo bà Hà Thị Anh Thư, Bí Thư Huyện ủy Bình Sơn (Quảng Ngãi), Huyện đoàn và Liên đoàn Lao động huyện đã hỗ trợ tiêu thụ 70 tấn dưa hấu cho nông dân, còn lại bà con tự bán cho thương lái. Đồng thời, Hội Doanh nhân trẻ và Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh đã làm việc với bà con trồng dưa tại xã Bình An làm đầu mối thu mua, tiêu thụ giúp bà con.
Bà Trần Ngọc Yến Trang, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, dưa trên địa bàn tỉnh chủ yếu là trồng tự phát, đầu ra không ổn định do phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Sau những lần giải cứu, nông dân vẫn tiếp tục trồng. Giải cứu chỉ giải quyết phần ngọn chứ không giải quyết được phần gốc.
Việc giải cứu còn xảy ra đối với thanh long ở Long An và Bình Thuận. Theo ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương Long An, tỉnh này có gần 9.600ha thanh long, sản lượng gần 300 ngàn tấn/năm. Trong đó 70 - 80% sản lượng được thị trường Trung Quốc tiêu thụ. Khi Trung Quốc tạm ngưng nhập, khách hàng hủy hợp đồng, giá thanh long giảm từ khoảng 40.000 đồng/kg, xuống còn gần 10.000 đồng/kg. Thậm chí có khách hàng chỉ hỗ trợ nông dân 4.000 đồng/kg mà không nhận hàng…
Theo lãnh đạo tỉnh Long An, từ sự cố này càng thấm thía hậu quả của việc hàng nông sản lệ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường. Từ đây đặt ra yêu cầu phải cơ cấu lại thị trường thanh long nói riêng và nông sản nói chung.
Theo ông Trác Anh, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp các HTX thanh long tỉnh Bình Thuận, phần lớn nông dân trồng thanh long không theo quy trình. Mỗi hộ sử dụng một công thức phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chăm sóc khác nhau. Vì vậy, chất lượng khó kiểm soát, dẫn đến thiếu hàng sạch cung cấp cho thị trường có nhu cầu.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ tồn tại, yếu kém của ngành cần phải khắc phục: Cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến; Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển theo yêu cầu…
Khai thác tốt thị trường gần 100 triệu dân
Do dịch Covid-19 mà nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã gặp khó trong xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm nông sản. Trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cá tra chỉ đạt 456 triệu USD, giảm 39,1% so với cùng kỳ năm 2019. Giá tôm nguyên liệu cũng biến động rất mạnh, nhiều doanh nghiệp không xuất khẩu được trong khi hàng tồn kho còn nhiều. Sự sụt giảm quá nhanh về thị trường xuất khẩu khiến cho các doanh nghiệp, người nuôi gặp nhiều khó khăn.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường gần 100 triệu dân là cơ hội lớn cho các sản phẩm nội tự khẳng định vị trí của mình ngay tại sân nhà. Ngày 2/6/2020, tại cuộc họp thường kì của Chính phủ, đề cập đến vấn đề phát triển thị trường nội địa, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Phải lấy cung làm chủ đạo, đẩy mạnh cầu của nền kinh tế, trong đó đẩy mạnh kích cầu nội địa và tiêu dùng cá nhân”.
Theo TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thị trường nội địa với dân số gần 100 triệu dân, không phải thị trường quy mô nhỏ. Trong bối cảnh dịch Covid-19, xuất - nhập khẩu bị ảnh hưởng thì thị trường nội địa chính là cơ hội cho doanh nghiệp.
“Khi doanh nghiệp hướng tới thị trường nội địa sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam hơn, làm chủ thị trường đất nước, đỡ phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài. Về lâu dài, sẽ tạo được một sân nhà vững chắc, là nền tảng để doanh nghiệp phát triển, bước tiếp sang thị trường khác một cách mạnh mẽ”, TS Nam nói.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, thị trường nội địa không chỉ giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn sau dịch Covid-19 mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giành được lòng tin từ khách hàng, nắm được lợi thế cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập. Để thực hiện được mục tiêu này, cơ quan quản lý phải đưa ra các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, điều chỉnh mô hình kinh doanh.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, muốn phục vụ kích cầu thị trường nội địa cần xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất, hệ thống phân phối quốc gia bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, các dịch vụ logistics.
Theo ông Thịnh, thời gian tới, những thủ tục hành chính thành lập doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, các chuỗi bán lẻ cần phải thông thoáng, tốn ít chi phí và thời gian. Cơ quan quản lý cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.
Tại sự kiện kết nối “Sản xuất - Tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra” diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, muốn mở rộng sản xuất và giữ ổn định giá cả cho cá tra thì bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung phát triển thị trường trong nước là yếu tố quan trọng. Khai mở thị trường trong nước sẽ đạt được mục tiêu kép, giảm áp lực xuất khẩu, từ đó tăng giá xuất khẩu ngược trở lại. Bên cạnh đó, khai thác thị trường gần 100 triệu dân góp phần mở rộng sản lượng sản xuất.
Tự khẳng định “chỗ đứng” trên thị trường
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi, về lâu dài, giải pháp vẫn là nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP,… Quy trình sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ, tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm rải vụ, giảm tổn thất do thu hoạch tập trung. Tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy trong trồng trọt, hạn chế tình trạng trồng theo phong trào, chỉ dựa vào thị trường Trung Quốc.
Còn theo ông Trác Anh, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp các HTX thanh long tỉnh Bình Thuận, cần liên kết nông dân lại, tổ chức sản xuất theo quy trình thanh long sạch và ký kết hợp đồng bao tiêu với một đơn vị tiêu thụ xuất khẩu. Việc này vừa có tính ràng buộc vừa giúp nông dân tạo thế cân bằng trong mua bán. Đơn cử hiện nay liên hiệp không có hàng sạch để thu mua
Ông Nguyễn Đình Tùng, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, xuất - nhập khẩu vào một thị trường thường mang lại rủi ro cao. Điều cấp thiết nhất của Chính phủ bây giờ là vấn đề mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản, đặc biệt là hướng đến thị trường phát triển.
Theo ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, các bộ liên quan xem xét thành lập trung tâm phân phối sản phẩm nông sản cho thị trường Trung Quốc. Đơn vị này làm đầu mối giao dịch với doanh nghiệp trong nước nhằm hạn chế rủi ro khi có biến động. Đồng thời, xây dựng chương trình tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi toàn quốc để tiêu thụ sản phẩm của nhau giữa các vùng miền trong cả nước và có chính sách cụ thể cho từng sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La ông Lò Minh Hùng cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu, Sơn La sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới hàng hóa chất lượng cao. Mời gọi các doanh nghiệp, các đơn vị đầu mối mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước; tăng cường quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản cũng như xây dựng các nhà máy chế biến nông sản để đảm bảo tính ổn định và bền vững.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, kể cả 3 trục sản phẩm là: nhóm sản phẩm cấp quốc gia, cấp tỉnh, nhóm OCOP đều phải coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0, đây cũng là một trong những giải pháp quyết định. Trong sản xuất chuỗi khép kín, từ khâu sản xuất, chế biến, thương mại thì xác định chế biến là khâu đột phá, có chế biến tốt mới có vùng nguyên liệu tốt, thương mại bán hàng tốt để từ đó xây dựng chuỗi liên kết.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, EVFTA đem lại rất nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam sang EU khi thuế giảm nhưng bên cạnh đó sẽ là những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng, hàng rào kỹ thuật. Chỉ có tổ chức lại sản xuất bằng liên kết chuỗi để tạo ra hàng hóa sản lượng lớn, chất lượng cao và đầu tư chế biến sâu thì mới tận dụng được cơ hội này.
“Chúng ta không chỉ khai thác giá trị tuyệt đối về xuất khẩu sang EU, mà thông qua thị trường này để làm “tín chỉ” chứng minh trình độ sản xuất nông sản Việt Nam, trình độ liên kết các nhóm hàng Việt Nam đã đến cấp độ đi đến bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Từ đó, mở rộng quá trình tổ chức sản xuất tạo sinh kế, lợi nhuận cho bà con nông dân”, ông Cường nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, cơ cấu lại ngành nông nghiệp phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, coi chế biến hàng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu là nhiệm vụ quan trọng. Cần giữ chất lượng và chữ Tín cho các mặt hàng nông sản ở những thị trường khó tính. Cơ chế chính sách nông nghiệp cần được tháo gỡ về vốn, đất đai, đầu ra cho sản phẩm.
Để kinh tế vườn nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung phát triển một cách bền vững, nâng cao năng suất, giá trị kinh tế cho sản phẩm, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần phải khắc phục những hạn chế kìm hãm sự phát triển của ngành bấy lâu nay. Xây dựng giải pháp căn cơ, có tính khả thi, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và ngoài nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là đầu tàu dẫn dắt việc sản xuất theo quy hoạch, theo thị trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã