Tại xã Hương Bình, địa phương có truyền thống sản xuất ngô vụ Đông, không khí ra đồng sản xuất khá nhộn nhịp. Cũng như nhiều hộ nông dân khác, trước đây gia đình bà Lưu Thị Thành, thôn Bình Trung chủ yếu gieo trỉa lạc và đậu trong vụ Đông. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang trồng ngô Đông, bà thấy hiệu quả hơn nhiều, nhất là có thể chủ động cung cấp nguồn thức ăn cho gia súc. Bà Lưu Thị Thành,thôn Bình Trung xã Hương Bình nói “Năm nay người dân chúng tôi được hổ trợ giống của Nhà nước, gia đình tôi tranh thủ tối đa thời gian để gieo trồng hết diện tích vụ Đông”
Thực tế cho thấy, vụ Đông thường thích hợp với trồng cây ngô, nhất là giống ngô lai. Với đặc điểm sinh trưởng riêng có, thời gian sinh trưởng của giống ngô lai đã được rút ngắn từ 100 đến 115 ngày xuống còn trên 90 ngày. Theo đánh giá của các chuyên gia thì nhờ sự rút ngắn về thời gian nên cây ngô tránh được các loại sâu bệnh thường phát sinh gây hại vào giai đoạn cuối như: sâu đục thân, đục bắp, các loại bệnh khô vằn. Điều này cũng giúp nông dân giảm thiểu chi phí sản xuất do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thời gian chăm sóc cây trồng. Cũng nhờ thời gian sinh trưởng ngắn ngày nên bà con nông dân có thể sản xuất cây ngô được từ 3 đến 4 vụ trong 1 năm.Vì vậy, dù muộn nhưng người dân xã Hương Bình đều phấn đấu gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch.Ông Đặng Quốc Bảo,Chủ tịch UBND xã Hương Bình, huyện Hương Khê cho biết “Vụ Đông năm nay xã Hương Bình đăng ký gieo trồng 106 ha ngô, trước mua lũ bà con đã gieo được 1/3 diện tích, nhưng nay đã xóa sổ hoàn toàn. Để đảm bảo kế hoạch đề ra, cấp ủy chính quyền đang tập trung tuyên truyền người dân ra đồng sản xuất với phương châm làm đất đến đâu gieo trồng đến đó. Ngay tại các hộ gia đình vừa phá bỏ vườn tạp, chúng tôi cũng chỉ đạo người dân trồng ngô”
Xác định vụ Đông là vụ sản xuất không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại chỗ mà còn cung ứng thức ăn cho gia súc, nên chính quyền các địa phương đã vận động nhân dân tận dụng hết diện tích đất, không để đất bị bỏ hoang, tăng giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất. Cách làm của Hội Nông dân là một ví dụ. Trước khi vào vụ sản xuất, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã chú trọng việc cung cấp kiến thức để bà con tự tin canh tác, chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Ứng dụng chuyển giao Khoa học Kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện tổ chức 21 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng vụ Đông. Các cấp Hội đang tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, tận dụng tối đa diện tích, đặc biệt là quỹ đất trống bỏ hoang sau thiệt hại cây trồng vụ Hè- Thu để sản xuất cây trồng vụ Đông.
Bà Lê Thị Nhung Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê cho biết “Chúng tôi tăng cường vận động bà con nông dân tập trung sản xuất ngô Đông trà sớm trên các diện tích đất cao lụt thuộc các xã vùng trung, thượng huyện. Đồng thời thành lập tổ hội viên Nông dân nòng cốt luân chuyển giúp nông dân các xã đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Cùng với đó các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân được Hội chủ động triển khai sớm đảm bảo nhu cầu sản xuất vụ Đông cho bà con Nhân dân trên địa bàn, như: giải ngân các nguồn vốn vay, phối hợp với Công ty phân lân Lâm Thao, Phú Thọ cung ứng phân bón trả chậm, thời gian 6 tháng hoặc 1 năm. Đến nay, thông qua kênh Hội nông dân, toàn huyện đã cung ứng trên 500 tấn phân các loại để phục vụ sản xuất kịp thời”
Vụ Đông năm nay toàn huyện phấn đấu gieo trồng 2.586 ha, trong đó kế hoạch gieo trồng 1.900 ha ngô; Rau, đậu thực phẩm 350 ha, sản lượng 1.820 tấn; Khoai lang 10 ha, năng suất 45 tạ/ha, sản lượng 495 tấn; Phấn đấu trồng mới 362 ha cây ăn quả, trong đó cam 125 ha, bưởi Phúc Trạch 201 ha. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành gieo trồng 1/3 diện tích, tập trung sản xuất ngô Đông muộn, Xuân sớm xong trước ngày 10/12; Đối với diện tích dự kiến bố trí gieo trỉa lạc Xuân thì chỉ gieo ngô nếp ngắn ngày như giống HN 68, kết thúc gieo trồng trước ngày 20/11/2020.Tập trung chỉ đạo nhân dân chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, phục hồi cho cây ăn quả sau mưa lũ.
Phân công cán bộ bám nắm, theo dõi dự báo diễn biến tình hình thời tiết để có phương án tập trung chỉ đạo quyết liệt nhân dân đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ xuân thắng lợi, nhằm bù đắp số diện tích cây trồng bị hư hỏng, thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua.
Ông Phan Kỳ,Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khêkhẳng định “Vụ Đông là vụ sản xuất chính trong năm của nông dân huyện Hương Khê. Điều này đồng nghĩa việc tổ chức sản xuất - tiêu thụ sản phẩm phải thực sự được chú trọng. Hương Khê đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân tích cực sản xuất cây trồng vụ đông nhằm khép kín diện tích, nâng cao thu nhập. Huyện cũng kêu gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, thương lái và các đại lý tham gia tiêu thụ nông sản vụ đông cho nông dân. Đồng thời phát huy có hiệu quả vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác trong tổ chức sản xuất, từ khâu giống vật tư phân bón trong gieo trồng đến thu hoạch sản phẩm”
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã