Học tập đạo đức HCM

“Mỗi xã một sản phẩm”- Điểm tựa cho phát triển bền vững

Chủ nhật - 20/09/2020 06:44
Bước tiến trong xây dựng nông thôn mới là triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP) nhằm phát triển các ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tại tỉnh, tuy còn gặp không ít khó khăn trong triển khai chương trình OCOP, song cũng có nhiều cơ hội để phát triển nếu các địa phương biết phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

Sản phẩm của HTX mỳ gạo Hùng Lô đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, kết nối thành công, đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu địa phương.

Tiềm năng sẵn có

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 75 làng nghề, nghề truyền thống; 503 hợp tác xã và 1.326 tổ hợp tác. Sản phẩm các làng nghề đa dạng và phong phú ở tất cả các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực nông nghiệp là chủ yếu. Một số sản phẩm của hợp tác xã (HTX), làng nghề, nghề truyền thống đã tạo dựng được thương hiệu, nhiều nơi biết đến như: Mỳ gạo Hùng Lô, nếp gà gáy Mỹ Lung, thịt chua Thanh Sơn, tương làng Bợ, bưởi Đoan Hùng... Đây là nền tảng cơ sở, tiền đề vững chắc để thực hiện chương trình OCOP theo Quyết định số 490 ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020.

Được thành lập từ năm 2016, Hợp tác xã mỳ gạo Hùng Lô, thành phố Việt Trì có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất mì gạo, bún khô, phở khô… đã xây dựng được thương hiệu “Mỳ gạo Hùng Lô”. Phát triển trên nền tảng làng nghề chế biến nông sản, các sản phẩm của HTX được xem là một trong những sản phẩm chủ lực trong triển khai Chương trình OCOP của thành phố Việt Trì cũng như của tỉnh. Trung bình mỗi tháng HTX sản xuất, chế biến được hơn 30 tấn bún, mì khô các loại. Nhờ chủ động đổi mới, nâng cấp công nghệ sản phẩm của HTX đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, kết nối thành công đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, phát triển thương hiệu địa phương. 

Ông Cao Đăng Duy - Giám đốc HTX Mỳ gạo Hùng Lô cho biết: “Sau khi triển khai xây dựng và phát triển chương trình OCOP, HTX đã có những trợ lực tích cực để người sản xuất vững tâm phát triển nghề. Dự kiến, sau khi đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể “Mỳ gạo Hùng Lô” sẽ có bước phát triển mới, sản lượng tiêu thụ, thu nhập của người sản xuất sẽ cao hơn.

Gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung - sản vật truyền thống của người Mường ở huyện Yên Lập hiện là 1 trong 8 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Xã Mỹ Lung có hơn 1.200 hộ làm nông nghiệp, trong đó có trên 70% số hộ tham gia trồng lúa nếp Gà gáy. Năm 2018, diện tích lúa nếp Gà gáy đạt trên 70ha. Với mức giá cao gấp 3-4 lần so với các loại gạo khác, sản phẩm gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

Ông Khúc Ngọc Tung - Giám đốc HTX sản xuất gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung và kinh doanh dịch vụ tổng hợp cho biết: Những năm gần đây, với ý thức giữ gìn nguồn gen giống lúa quý và thấy được lợi ích từ đặc sản nếp Gà gáy, ngày càng có nhiều hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là các khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xác định nếp Gà gáy Mỹ Lung là sản phẩm chính trong triển khai chương trình OCOP, huyện Yên Lập đã tập trung phân bổ nguồn vốn từ các chính sách, chương trình phát triển sản xuất, các dự án phát triển nông nghiệp hỗ trợ kinh phí; kết nối với các ngành, các đơn vị cung ứng phân bón trả chậm, vật tư nông nghiệp nhằm khuyến khích các hộ tham gia trồng lúa nếp Gà gáy. Thông qua chương trình OCOP, đặc sản nếp Gà gáy đã và đang là hướng mở triển vọng cho nhiều hộ dân ở xã Mỹ Lung thoát nghèo, vươn lên làm giàu. 

Chương trình OCOP được xây dựng dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị do các doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện.  Do đó, chương trình OCOP mở ra nhiều cơ hội cho người dân trong tỉnh phát triển những sản phẩm truyền thống lợi thế, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng. Một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn được hình thành như: Vùng sản xuất cây ăn quả có múi, sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất chè, rau an toàn, rau nguyên liệu phục vụ chế biến. Chính vì vậy, việc triển khai chương trình OCOP sẽ giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chương trình cũng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh việc triển khai chương trình vẫn còn hạn chế do đặc thù của từng địa phương. Cụ thể như: Một số sản phẩm chưa quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn rất hạn chế, chủ yếu là sản xuất thủ công. Trong khi đó, một số sản phẩm có chất lượng, sản lượng tốt thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và các biện pháp để truy xuất nguồn gốc nhưng phải cạnh tranh về giá và thị trường với các sản phẩm cùng loại hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa hợp chuẩn, hợp quy gây khó khăn trong khâu tiêu thụ...

Để triển khai thực hiện chương trình OCOP, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các huyện, thành, thị tổ chức rà soát thực trạng sản phẩm hiện có tại các địa phương, dự kiến sản phẩm đặc sản, truyền thống, sản phẩm đặc trưng có lợi thế thực hiện OCOP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Qua rà soát, toàn tỉnh có 42 sản phẩm đặc sản, đặc trưng có lợi thế, thuộc 6 nhóm về thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm, nội thất, trang trí, vải và may mặc, dịch vụ nông thôn. Trên cơ sở 42 sản phẩm đặc sản, đặc trưng có lợi thế của tỉnh, có 21 sản phẩm được lựa chọn dự kiến để tiêu chuẩn hóa nhằm phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nhiều sản phẩm của làng nghề như: Chè, tương, rau an toàn, mì gạo, bánh tai, nón lá, đồ mộc... 

Ông Nguyễn Thanh Hiệp- Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn cho biết: Theo Kế hoạch số 3262 của UBND tỉnh, đến năm 2020, toàn tỉnh phát triển mới và nâng cấp khoảng 50 sản phẩm OCOP; 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp tỉnh; 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia; khoảng 50 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP; xây dựng tối thiểu 1 mô hình Làng văn hóa du lịch cộng đồng; 100% lãnh đạo doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP. Để đạt được mục tiêu này, trước mắt, các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình; tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá các sản phẩm đặc trưng để tham gia chương trình OCOP. Cùng với rà soát, lựa chọn sản phẩm phải xác định cụ thể các tổ chức kinh tế, các hộ sản xuất tham gia chương trình để có phương án hỗ trợ, khôi phục, xây dựng, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp, làng nghề, HTX, tổ hợp tác hoặc các cá nhân có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm để phát triển sản phẩm đặc trưng, có lợi thế được ổn định, lâu dài. Các địa phương cũng cần tập trung hỗ trợ nguồn lực và đề xuất các giải pháp để phát triển hạ tầng, vốn, khoa học công nghệ cho các tổ chức kinh tế tham gia OCOP; tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia quảng bá, tiếp thị giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, thông qua hoạt động thương mại điện tử, các điểm giới thiệu sản phẩm, liên kết với các tua tuyến du lịch, lễ hội trên địa bàn tỉnh...

Ngoài việc thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chương trình OCOP, các ngành, địa phương cần có phương án liên kết để phát triển sản xuất đồng bộ, quảng bá và xây dựng thành thương hiệu để tạo bước đột phá ngay từ nhóm sản phẩm OCOP. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc... đảm bảo theo quy định.

                                                                                                                                         Thanh Nga/http://nongthonmoiphutho.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập568
  • Hôm nay73,627
  • Tháng hiện tại732,954
  • Tổng lượt truy cập93,110,618
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây