Mô hình được triển khai tại xóm Bãi Ngoài, HTX nông nghiệp Nguyễn Xá, xã Mỹ tiến, huyện Mỹ Lộc với quy mô diện tích 1,1 ha trồng giống lúa BT7 – KBL. Toàn bộ phân bón hữu cơ do Công ty cổ phần Quế Lâm Phương Bắc cấp theo từng đợt bón, Trung tâm Khuyến nông Nam Định chịu trách nhiệm về kỹ thuật và hướng dẫn bà con nông dân thực hiện theo đúng quy trình.
Trước khi vào vụ sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Nam Định cùng với Công ty cổ phần Quế Lâm Phương Bắc tập huấn hướng dẫn quy trình sản xuất lúa hữu cơ cho tất cả các hộ nông dân tham gia mô hình nhằm giúp các hộ nắm chắc và hiểu rõ sản xuất hữu cơ khác với sản xuất đại trà ở những khâu kỹ thuật nào. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thể nói chính là sản xuất nông nghiệp kết hợp giữa truyền thống và các tiến bộ kỹ thuật cùng phương pháp quản lý hiện đại để đảm bảo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đồng thời đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm cuối cùng, tính bền vững của môi trường và hệ sinh thái. Các hộ tham gia đều cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông Nam Định hướng dẫn.
Mô hình lúa hữu cơ tại xã Mỹ Tiến cấy mật độ 30 khóm/ m2 (thấp hơn so với đại trà 5 khóm/ m2 ) số dảnh 2-3 /khóm và cấy chăng dây thẳng hàng để tận dụng tối đa ánh sáng , độ thông thoáng nhằm giảm bớt áp lực sâu bệnh. Để hạn chế cỏ dại thì quy trình cày bừa tăng thêm 1 lượt và chủ động làm cỏ bằng tay, để hạn chế ốc bươu vàng thì bà con nông dân áp dụng các biện pháp thủ công như bắt, bẫy dẫn dụ, chứ tuyệt đối không dùng thuốc hóa học. Thuốc bảo vệ thực vật được thực hiện nghiêm ngặt theo nguyên tắc 4 đúng và chủng loại thuốc 100% là thảo mộc của Viện khoa học hàn lâm Việt Nam cung cấp.
Đại diện tập đoàn Quế lâm bàn giao phân hữu cơ Quế Lâm cho mô hình
Khi trao đổi với ông Trần Văn Sáu, chủ tịch hội đồng quản trị HTX SXKD DV nông nghiệp Nguyễn Xá, xã Mỹ Tiến – đơn vị được xã giao nhiệm vụ thực hiện mô hình, ông cho biết đến thời điểm này lúa sinh trưởng rất tốt, số dảnh đẻ trên/khóm đều đạt 15-16 dảnh, không thua kém đại trà, bản lá dày, màu lá nhạt hơn và lá cứng đứng hơn so với ruộng ngoài mô hình . Các hộ tham gia mô hình lúc đầu còn lo lắng vì nếu lúa không bón đạm thì không biết có lên được không, nhưng đến nay thì họ hoàn toàn tin tưởng và yên tâm vào sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Ông cũng chia sẻ người dân xã ông cũng đã cảm nhận được nguy cơ của việc lạm dụng phân vô cơ nhất là đạm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hóa học, ảnh hưởng tới chất lượng nông sản, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Mô hình lúa hữu cơ vụ này được triển khai tại địa phương đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất, người tiêu dùng và mở ra một hướng canh tác bền vững không chỉ riêng cho Mỹ Tiến mà là cho cả các vùng trồng lúa của Nam Định. /.
Đỗ Thúy Ngân - Trung tâm Khuyến nông Nam Định