Để triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo đồng bộ từ cấp huyện đến cơ sở theo chu trình hằng năm; chú trọng truyền thông đến các cấp, ngành và Nhân dân; bám sát chủ trương của cấp trên, hỗ trợ các tổ chức kinh tế và người dân tham gia Chương trình nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị gắn với thực hiện nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, huyện hướng dẫn các địa phương, cá nhân, tổ chức kinh tế lựa chọn ý tưởng sản phẩm chủ lực; hỗ trợ, hướng dẫn làm các thủ tục, hồ sơ liên quan; xây dựng mẫu mã bao bì; tăng cường tập huấn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế xây dựng thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu... Lồng ghép triển khai hoạt động theo chức năng của từng ngành, lĩnh vực gắn với các hoạt động của Chương trình OCOP. Hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện về tổ chức bộ máy của các tổ chức kinh tế và các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình. Từ khi triển khai Chương trình đến nay, huyện Na Rì đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho các tổ chức kinh tế đã có sản phẩm tham gia đạt chuẩn cần nâng hạng và các tổ chức tham gia mới hằng năm.
Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP gồm những ngành hàng như: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng. Nếu như năm đầu tiên “làm quen” với Chương trình OCOP (năm 2018), toàn huyện mới chỉ vận động được 07 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá xếp hạng, kết quả có 06 sản phẩm đạt tiêu chuẩn (01 sản phẩm đạt 4 sao và 5 sản phẩm đạt 3 sao). Thì sang năm thứ 2 (năm 2019), huyện đã có thêm 23 sản phẩm mạnh dạn đăng ký tham gia Chương trình và được đánh giá, cấp chứng nhận 14 sản phẩm đạt 3 sao.
Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 20 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, 01 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm đạt 3 sao. Một số sản phẩm triển vọng như: Miến dong của Hợp tác xã (HTX) Tài Hoan, xã Côn Minh đạt 4 sao; gà đồi của HTX Trần Phú, xã Trần Phú đạt 3 sao; mật ong rừng của HTX Hương Rừng, xã Dương Sơn đạt 3 sao; cam Đường Canh của HTX trồng cây ăn quả thị trấn Yến Lạc đạt 3 sao; miến dong Tân An của HTX Việt Cường, trà Giảo cổ lam của HTX dược liệu Bảo Châu, xã Văn Lang 3 sao...
Để các sản phẩm có khả năng cạnh tranh, vươn xa ra thị trường lớn, huyện còn làm tốt công tác truyên truyền đến tất cả các cấp, ngành, các chủ thể kinh tế và người dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình mang lại, xây dựng sản phẩm đáp ứng yêu cầu xu thế mới; phát triển sản phẩm đi liền với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; đưa thông tin các sản phẩm đặc sản vùng vào Chương trình quảng bá nhằm tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng cường xúc tiến thương mại, từng bước đưa nông dân hội nhập.
Chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan bên lô hàng sản phẩm miến dong chuẩn bị xuất khẩu sang Cộng hòa Séc
Với những nỗ lực của địa phương, lô hàng sản phẩm miến dong đầu tiên của HTX Tài Hoan, xã Côn Minh đã chính thức được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc. Đây là lần đầu tiên, sản phẩm nông sản của huyện Na Rì nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung vươn tới được thị trường Châu Âu sau nhiều năm xây dựng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn hiệu với những tiêu chuẩn khắt khe để đủ điều kiện xuất khẩu.
Chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan, xã Côn Minh chia sẻ: HTX rất vinh hạnh là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn xuất khẩu mặt hàng miến dong sang Cộng hòa Séc. Để xuất được đơn hàng này là hành trình hơn 1 năm cố gắng của HTX trong việc nhiều lần gửi mẫu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hoàn thiện bao bì đóng gói, thủ tục xuất nhập khẩu… HTX có được đơn hàng giá trị này cũng là nhờ nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, ngành từ tỉnh, huyện, xã, đặc biệt là cá nhân Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa đã đích thân mang sản phẩm của HTX đi giới thiệu tại thị trường Châu Âu, xúc tiến thương mại với kiều bào và các tổ chức, doanh nghiệp.
Có thể thấy, Chương trình OCOP đã được người dân, các tổ chức sản xuất tham gia hưởng ứng, mở rộng sản xuất các sản phẩm có chất lượng, từ đó giúp tạo việc làm cho hàng trăm lao động, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo ở khu vực nông thôn. Đồng thời cũng phát huy được tính sáng tạo, trí tuệ của người nông dân, xây dựng được mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững và khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế ở mỗi địa phương.
Trong năm 2020, huyện có 03 sản phẩm đăng ký nâng hạng sao, trong đó, 02 sản phẩm nâng hạng từ 3 lên 4 sao, 01 sản phẩm nâng hạng từ 4 lên 5 sao và có 12 sản phẩm đăng ký mới. Huyện đang tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP đẩy nhanh tiến độ; tư vấn bổ sung, hoàn thiện đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình và thực hiện việc phân tích, đánh giá sơ bộ hiện trạng, xác định nhu cầu hỗ trợ phát triển sản phẩm đối với các sản phẩm đăng ký mới và các sản phẩm nâng cấp hạng sao; phấn đấu đến năm 2025, duy trì và nâng cấp 20 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, 01 sản phẩm đạt 5 sao./.
Nguồn tin: backan.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã