Học tập đạo đức HCM

Biogas cỡ nhỏ 'về đích' sớm

Thứ tư - 21/09/2016 23:26
Còn hơn 2 năm nữa, dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) giai đoạn 2013 - 2018 mới kết thúc. Tuy nhiên, nhiều tỉnh triển khai dự án đã hoàn thành chỉ tiêu xây, lắp công trình khí sinh học (biogas) cỡ nhỏ được phân bổ.
Bể biogas giải quyết môi trường chăn nuôi ở Bắc Giang

Thậm chí, BQL dự án LCASP một số tỉnh còn xin được phân bổ thêm hàng ngàn chỉ tiêu để đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi...

 

Hiệu quả rõ rệt

Theo báo cáo của BQL dự án LCASP tỉnh Hà Tĩnh, việc triển khai hợp phần 1 của dự án (quản lý chất thải chăn nuôi, nhất là xây dựng, lắp đặt hầm biogas cỡ nhỏ) diễn tiến rất thuận lợi. Bởi môi trường là một trong những tiêu chí để các địa phương xây dựng NTM. Hơn nữa, Hà Tĩnh ban hành hẳn Nghị quyết xác định chăn nuôi là ngành mũi nhọn, nên hầu hết dự án liên quan đến môi trường chăn nuôi được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, ưu tiên.

Để thực hiện dự án đạt hiệu quả tốt nhất, BQL các dự án ODA ngành NN-PTNT Hà Tĩnh (đơn vị được giao thực hiện dự án) chủ động phối hợp Trung tâm Ứng dụng KH-CN và bảo vệ cây trồng, vật nuôi các huyện, thị xã, thành phối để cùng kiểm tra, giám sát, hước dẫn kỹ thuật xây dựng các công trình nhằm đảm bảo đúng đối tượng, chất lượng...

“So với 10 tỉnh đang thực hiện dự án trên cả nước, Hà Tĩnh không phải tỉnh có tiềm năng, lợi thế nhất nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, tỉnh thường xuyên đứng top 3 cả nước về tiến độ thực hiện dự án”, ông Nguyễn Xuân Hoan, Giám đốc BQL dự án LCASP Hà Tĩnh nói.

Hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng được hơn 4.100 công trình biogas (gần như toàn bộ là công trình biogas cỡ nhỏ), tập trung nhiều ở các huyện Thạch Hà (600 công trình); Can Lộc (500); Hương Sơn (hơn 400); Cẩm Xuyên (gần 900)... với tổng nguồn vốn giải ngân đạt trên 17,4 tỷ đồng.

Đối với hiệu quả đầu tư và xử lý môi trường các công trình khí sinh học quy mô nhỏ của dự án, ông Nguyễn Xuân Hoan khẳng định: “Việc LCASP hỗ trợ người chăn nuôi Hà Tĩnh xây dựng công trình biogas thực sự rất thiết thực và hiệu quả. Sau gần 3 năm triển khai dự án, các công trình đã đưa vào vận hành đều được người dân ghi nhận, đánh giá cao trong việc làm sạch môi trường chăn nuôi nông hộ; giúp họ tiết kiệm chi phí mua chất đốt; giảm sức ép vào rừng chặt gỗ, củi và hạn chế phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm”.

 

Bảo vệ môi trường chăn nuôi

Còn ông Hà Huy Khôi, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH-CN và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho rằng, dự án “đánh” vào đầu tư xây dựng công trình biogas quy mô nhỏ rất đúng đắn và hợp lý. Hiện quy mô chăn nuôi ở Cẩm Xuyên vẫn chủ yếu theo hình thức nông hộ nên việc quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế. Khi được dự án hỗ trợ 3 triệu đồng xây dựng bể biogas, các hộ dân sẵn sàng vay mượn thêm tiền đầu tư khép kín công trình.

“Dự án đã giúp chăn nuôi nông hộ giảm bớt áp lực về nước thải, mùi hôi thối vào môi trường. Ở Cẩm Xuyên bà con còn linh động sử dụng nước thải bón cho cây trồng rất hiệu quả. Đặc biệt, nhờ gia tăng công trình biogas khép kín nên dịch bệnh trong chăn nuôi mấy năn nay giảm hẳn cả về quy mô và số lượng”, ông Khôi nhấn mạnh.

Một ví dụ cụ thể, năm 2008 bão dịch tai xanh trên lợn xảy ra ở xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên), sau đó lây lan ra nhiều địa phương khác. Tổng số lợn phải tiêu hủy lên đến 500 tấn, thiệt hại đối với người chăn nuôi vô cùng lớn. Đến năm 2014, trên địa bàn xã này tiếp tục xảy ra dịch tai xanh nhưng nhờ kiểm soát được môi trường nên dịch không lây lan, số lợn tiêu hủy nằm ở con số 2 tạ.

Ông Đào Xuân Vinh, PGĐ dự án LCASP Bắc Giang chia sẻ: "Trước khi thực hiện dự án, chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát và thấy rằng, toàn tỉnh Bắc Giang cần xây, lắp khoảng 117.000 hộ dân tham gia vào hoạt động chăn nuôi cần phải sử dụng hầm biogas để xử lý môi trường. Nhưng đến thời điểm này, tổng số công trình khí sinh học được xây dựng chỉ đạt 35.000 hầm (chưa đạt 1/3 nhu cầu).

Từ khi triển khai đến nay, dự án đã xây, lắp được gần 6.200 công trình khí sinh học. Nếu không có gì thay đổi, đến cuối năm, Bắc Giang sẽ hoàn thành được 7.000 công trình biogas, tức hoàn thành cả kế hoạch ban đầu của dự án (3.600 công trình) và kế hoạch bổ sung (thêm 3.400 công trình)".

Theo ông Vinh, ưu điểm của dự án này là, ngoài xây dựng công trình khí sinh học, những người tham gia sẽ phải đầu tư thêm các hạng mục phụ trợ. Ví dụ như bể lắng phía sau hầm biogas để lọc bã thải rắn sót lại trước khi xả ra môi trường hoặc hố ủ phân compost (khi có lượng phân thải dư thừa so với công suất thiết kế của hầm biogas).

Ngoài ra, người chăn nuôi còn được tập huấn kiến thức về quy trình vận hành, bảo dưỡng công trình khí sinh học. Họ sẽ tính toán được rằng, với quy mô chăn nuôi của gia đình mình, lựa chọn hầm biogas dung tích bao nhiêu là phù hợp.

Trong quá trình thi công xây dựng, cán bộ kỹ thuật của dự án theo dõi sát sao, vì thế không có chuyện làm ẩu, làm bừa hoặc sử dụng vật liệu kém chất lượng. Những công trình được nghiệm thu đều đạt chất lượng tốt, có thể sử dụng ổn định, lâu dài. Gần như 100% các công trình được xây dựng trong dự án đều hoạt động hiệu quả.

 

Xin dự án phân bổ thêm chỉ tiêu

Trước nhu cầu xây hầm biogas rất lớn của người dân, tỉnh Bắc Giang đã đề xuất được dự án phân bổ thêm 5.000 hầm biogas cỡ nhỏ để tiếp tục triển khai trong thời gian tới nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của nông dân trên địa bàn.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Trọng Tấn, điều phối viên BQL dự án LCASP tỉnh Nam Định đánh giá: “Các mô hình biogas sinh học quy mô nhỏ rất hiệu quả. Từ khi áp dụng mô hình hầm biogas quy mô nhỏ, môi trường được cải thiện rất nhiều, sức khỏe của chính người nuôi cũng như những người sống xung quanh đảm bảo hơn. Bên cạnh đó, người dân cũng tiếp kiệm được một khoản chi phí sinh hoạt trong gia đình. Họ đã tận dụng khí để nấu ăn, thắp sáng… Đồng thời giải quyết, giải phóng sức lao động cho những người phụ nữ trong gia đình”.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y kiêm Phó GĐ BQL dự án LCASP Bình Định, theo kế hoạch ban đầu, Bình Định được phân bổ 3.600 công trình khí sinh học quy mô nhỏ. Tuy nhiên, đến tháng 6/2016 Bình Định đã thực hiện được hơn 5.200 công trình. Riêng trong năm 2016, Bình Định sẽ hoàn thành 2.100 công trình.

“Các công trình khí sinh học vừa giải quyết được môi trường trong chăn nuôi, vừa giúp người dân tiết kiệm được chi phí về chất đốt và tiết kiệm được công lao động dọn rửa chuồng, vì phân heo được đưa thẳng xuống hầm. Đặc biệt, sử dụng công trình khí sinh học trong chăn nuôi đã góp phần giúp các địa phương xây dựng NTM giải quyết được tiêu chí môi trường nông thôn, tiêu chí dược xem là khó hoàn thành nhất”, ông Diệp cho biết.

Tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn thị xã An Nhơn (Bình Định) đã có 2.512 công trình khí sinh học quy mô nhỏ. Kế hoạch trong năm 2016 địa phương này sẽ xây dựng thêm 475 công trình nữa, đến nay đã thực hiện được 330 công trình.

Theo ông Đoàn Tuấn Sỹ, Phó phòng Kinh tế TX An Nhơn, địa phương này có phong trào chăn nuôi khá mạnh từ nhiều năm trước đây, thế nhưng người chăn nuôi chưa quan tâm mấy đến môi trường trong chăn nuôi. Từ khi có nguồn hỗ trợ của dự án LCASP, người nuôi heo mới bắt đầu quan tâm đến môi trường trong chăn nuôi, xây dựng hầm biogas. Đến nay, đã có khoảng 70% hộ chăn nuôi gia đình và gia trại địa bàn TX An Nhơn đủ tiêu chuẩn được dự án LCASP hỗ trợ xây dựng hầm biogas.

Hầm biogas chẳng những giải quyết được môi trường trong hộ chăn nuôi mà còn giải quyết được môi trường xung quanh.

“Khoản hỗ trợ 3 triệu đồng/1 công trình chưa đủ để xây dựng 1 hầm biogas, nhưng đã kích thích được hộ chăn nuôi quan tâm đến vấn đề giải quyết môi trường trong chăn nuôi.

Do đó hộ chăn nuôi sẵn sàng đầu tư thêm cả chục triệu đồng tùy theo số lượng vật nuôi để xây dựng hầm biogas. Điều này chứng tỏ ý thức về môi trường trong chăn nuôi của người dân đã được dự án LCASP nâng lên rất cao”, ông Đoàn Tuấn Sỹ nói.

Báo cáo của BQL dự án LCASP tỉnh Sóc Trăng cho biết, mục tiêu của dự án cho cả giai đoạn 2013 - 2018 là hỗ trợ xây dựng 3.600 công trình khí sinh học nhỏ. Đến nay đầu tư các công trình khí sinh học quy mô nhỏ đa số người dân xác nhận hiệu quả, lợi ích, nhưng đối với công trình khí sinh học quy mô lớn người chăn nuôi hiện còn băn khoăn.

Sau khi thực hiện hết năm thứ 2, dự án được đánh giá rất hiệu quả, nhu cầu xây dựng hầm biogas của người dân lớn nên dự án điều chỉnh quy mô xây dựng công trình nhỏ lên đạt 5.700 hầm (thời gian thực hiện đến năm 2019).

 

NHÓM PV
Nguồn: NNVN
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập189
  • Hôm nay28,284
  • Tháng hiện tại221,377
  • Tổng lượt truy cập92,599,041
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây