Gặp mặt đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh với doanh nghiệp năm 2016
Doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển KTXH của tỉnh
Hiện nay, trong điều kiện tỉnh nhà đang gặp nhiều khó khăn thách thức, luôn phát sinh những vấn đề mới đòi hỏi phải tập trung giải quyết, các chỉ tiêu kinh tế quan trọng như tốc độ tăng trưởng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách giảm mạnh so với cùng kỳ; các dự án trọng điểm tác động đến tăng trưởng đã cơ bản hoàn thành nên lượng vốn đầu tư giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách; chi ngân sách cho đầu tư đã đến giới hạn cho phép, trong khi nhu cầu đầu tư còn rất lớn; sự cố môi trường biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội, môi trường.
Những khó khăn trên đòi hỏi tỉnh phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư và sản xuất kinh doanh để phát triển bền vững. Trong đó, đặt lên hàng đầu là vai trò đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà, đặc biệt đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, huy động vốn đầu tư, thu ngân sách.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 5.000 doanh nghiệp. Ngoài 5 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 67 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm cho 88.500 lao động, tăng 1.500 lao động, nhất là các dự án đầu tư tại địa bàn khu kinh tế, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương.
Bảy tháng đầu năm, các nhà đầu tư đăng ký đầu tư 69 dự án, trong đó 62 dự án trong nước, có vốn đăng ký 3.955 tỷ đồng, 7 dự án đầu tư nước ngoài, trị giá 154 triệu USD...; môi trường đầu tư tiếp tục chuyển biến tích cực, thu hút các nhà đầu tư lớn có thương hiệu, đa dạng hóa các hình thức đầu tư dự án.
Trong thời gian qua, số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tăng cao so với cả nước và khu vực miền Trung; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động thấp hơn cả nước, tỉ lệ doanh nghiệp hoạt động có lãi cao hơn nhiều so với tỉ lệ chung, trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng, hoạt động mô hình tập đoàn; các loại hình, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh và mô hình sản xuất ngày càng đa dạng. Cộng đồng doanh nghiệp tích cực đóng góp vào hoạt động xã hội, từ thiện.
“Gỡ khó” cùng doanh nghiệp
Đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh phát biểu tại buổi đối thoại, ông Hoàng Trung Thông, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nêu lên một số khó khăn chung của các doanh nghiệp đang gặp phải như: Chuyển đổi đất cho doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc, tham mưu cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp không kịp thời. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp xây dựng, gặp khó khăn trong các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, chậm thanh toán tiền cho doanh nghiệp khi thi công một số công trình. Các doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn sẽ liên quan đến các doanh nghiệp khác.
Thay mặt các doanh nghiệp trên địa bàn, ông Thông bày tỏ mong muốn tỉnh sẽ có những giải pháp chính sách cải cách thủ tục hành chính quyết liệt, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thị xã Kỳ Anh mong muốn củng cố lại Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, các sở, ban, ngành quan tâm hơn đến văn phòng làm việc của Hiệp hội các doanh nghiệp. Hiện nay đơn giá, tính thuế khoáng sản vật liệu xây dựng còn cao, bất cập so với mức thuế của các tỉnh khác ở Bắc miền Trung, vì vậy các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ thiệt thòi. Trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, thời gian còn hạn chế gây hoang mang cho doanh nghiệp khi bỏ vốn vào đầu tư.
Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Hương Khê, ông Trần Phát Đạt đề nghị phát huy vai trò hoạt động đồng bộ, thống nhất của các sở, ban, ngành tránh gây áp lực cho doanh nghiệp. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xây dựng, cần có mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp để hỗ trợ, phát huy vai trò trách nhiệm của nhau. Nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng tại địa phương có việc làm, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại chỗ, ngoài ra còn gặp khó khăn nội lực tại địa phương khi tiếp cận như đất đai, vốn. Ưu tiên doanh nghiệp địa phương nhưng trong các doanh nghiệp xây dựng tạo sự cạnh tranh lành mạnh, doanh nghiệp nào có chất lượng công trình kém thì nên loại bỏ.
Liên quan đến vật liệu xây dựng, doanh nghiệp gạch Anh Đức (Lộc Hà) cũng có ý kiến về vấn đề thủ tục hành chính liên quan đến khai thác khoáng sản, doanh nghiệp điêu đứng tìm mỏ cấp phép nhưng vướng thủ tục hành chính, gây ra nhiều tổn thất trong quá trình sản xuất.
Về du lịch - dịch vụ: Sự cố môi trường gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại dịch vụ khách sạn, nhà hàng. Bãi biển tắm được chưa? Hải sản ăn được chưa? Đề nghị công bố rõ trên truyền thông để nhân dân được biết nếu sự cố môi trường ảnh hưởng lâu dài thì doanh nghiệp cần phải biết để chuyển đổi sang ngành nghề khác, bên cạnh đó là khó khăn về tài chính do sự cố môi trường biển gây ra, hi vọng tỉnh có chính sách hỗ trợ cho các chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ về thuế, phí v.v.. đồng thời mong muốn tỉnh kịp thời có những tháo gỡ khó khăn như đưa các sự kiện lớn, nhỏ, những cuộc hội thảo về với biển - ý kiến của Khách sạn Thiên Ý (Thiên Cầm - Cẩm Xuyên).
Ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Kết luận Hội nghị, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa Chủ tịch UBND tỉnh và doanh nghiệp trong năm 2016, đồng thời ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của doanh nghiệp.
Ông Khánh cũng nhấn mạnh, cuộc đối thoại với các doanh nghiệp ngày hôm nay đã nói lên trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu các cấp chưa đạt hiệu quả cao, để các anh em cấp dưới yếu kém về chuyên môn gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành như: thuế, hải quan, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường và UBND các huyện tiếp thu, kịp thời tháo gỡ, ủng hộ doanh nghiệp để doanh nghiệp được tạo điều kiện phát triển toàn diện.
UBND tỉnh mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phát huy những thế mạnh, sáng tạo trong đầu tư kinh doanh, sản xuất góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh hoàn thành những chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Theo Báo Xây Dựng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;