“Vướng” trong thực hiện chính sách...
Có thể khẳng định, Nghị quyết 90 và Nghị định 67 như “vị cứu tinh” cho ngư dân muốn đầu tư ra khơi bám biển. Cụ thể, Nghị quyết 90 hỗ trợ mức 200 triệu đồng cho tàu 90-250 CV, 400 triệu đồng cho tàu 250-400 CV và 600 triệu đồng cho tàu trên 400 CV; Nghị định 67 hỗ trợ vay vốn đến 95% giá trị tàu và chủ tàu chỉ chịu 1% lãi suất, với thời hạn cho vay lên đến 16 năm.
Trong hơn 5.000 tàu cá của Hà Tĩnh, chỉ có 114 tàu được “hưởng lợi” từ Nghị quyết 90
Đặc biệt, khi thực hiện đóng tàu theo Nghị định 67, ngư dân vẫn được hưởng thêm chính sách tại Nghị quyết 90... Tiếc thay, trong hơn 5.000 tàu cá của Hà Tĩnh, chỉ có 114 tàu được “hưởng lợi” từ Nghị quyết 90; còn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, mặc dù tỉnh phê duyệt 17 chiếc nhưng đến nay cũng mới chỉ có 9 chủ tàu được vay từ nguồn ưu đãi này. Thực tế đó đang nói lên một điều, có không ít vướng mắc trong thực hiện chính sách.
Trước hết, cái khó của Nghị quyết 90 là chỉ hỗ trợ sau khi tàu đã đóng hoàn chỉnh. Một con tàu đánh bắt xa bờ, nếu được trang bị đủ ngư cụ và các phương tiện thiết yếu, có giá tối thiểu không dưới 1 tỷ đồng. Trong khi, đại đa số ngư dân đều rất khó khăn, nên để huy động được 1 tỷ đồng đóng tàu là điều không dễ. Vì vậy, tiếp cận được chính sách theo Nghị quyết 90 chủ yếu chỉ là một bộ phận ngư dân có điều kiện kinh tế.
Còn Nghị định 67, yêu cầu chủ tàu phải có tàu công suất từ 90 CV trở lên mới được hỗ trợ vay tiền. Quy định này khiến một số ngư dân muốn đầu tư tàu lớn nhưng do trước đó không có tàu từ 90 CV trở lên đành ngậm ngùi “nhìn”... chính sách!
Ông Nguyễn Mạnh Hồng (Thạch Kim - Lộc Hà) là một trong rất nhiều trường hợp nằm trong “diện” này. Ông có điều kiện kinh tế, nhưng chỉ có tàu công suất 45 CV làm dịch vụ hậu cần nghề cá từ nhiều năm nay nên không đủ điều kiện vay vốn đóng tàu lớn theo Nghị định 67.
Năm 2014, Nghị định 67 ra đời, thực sự như luồng gió mới thổi đến những ngư dân có chí đầu tư tàu lớn ra khơi. Theo đó, nhiều ngư dân tỉnh ta đã quyết tâm làm hồ sơ vay tiền đóng tàu lớn để vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là hầu hết ngân hàng chưa đồng hành cùng ngư dân, khiến việc tiếp cận các chính sách thêm lần nữa rơi vào thế bế tắc.
Anh Lại Thế Sơn, ngư dân xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) từ năm 2003 đã là chủ của một tàu cá 90 CV và hiện tại anh đang làm chủ một tàu 400 CV chuyên đánh khơi. Vậy nhưng, hành trình tiếp cận vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 để hành nghề lưới vây của anh đang gặp khó.
Ngư dân Lại Thế Sơn (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) thất vọng vì không vay được vốn theo nghị định 67 (ảnh nhỏ).
Anh Sơn cho biết, đã đến gõ cửa 4 chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn, thậm chí, có ngân hàng anh gõ cửa năm lần bảy lượt nhưng chưa ngân hàng nào nhất trí cho vay. Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Hà Tĩnh thì sau một thời gian thẩm định, ngày 24/5/2016 có công văn trả lời không cho vay, với lý do: thứ nhất, anh chưa có chứng chỉ máy trưởng, thuyền trưởng hạng tư; thứ hai, Hà Tĩnh chưa có tàu nghề lưới vây nào hoạt động, việc đóng tàu lưới vây tại Hà Tĩnh là chưa phù hợp và hiện chưa có hiệu quả trong thực tế...
Thế nhưng, qua tìm hiểu, tại Nghị định 67, mục “Điều kiện cho vay”, không hề đề cập chủ tàu phải có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng. Bên cạnh đó, theo số liệu từ Chi cục Thủy sản, Hà Tĩnh có gần 50 tàu làm nghề lưới vây có hiệu quả. Và, hiện nay ở các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa…, nghề vây đang là nghề cho hiệu quả cao.
Không riêng gì anh Sơn, mà nhiều ngư dân khác như anh Lê Văn Thắm, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Văn Hồng (Xuân Hội - Nghi Xuân) cũng bị Vietcombank (Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh) từ chối cho vay với nhiều lý do khác nhau.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh, cho biết: “Qua làm việc với các chủ tàu, chúng tôi thấy họ không có kinh nghiệm đánh bắt xa bờ, phương án sản xuất không hiệu quả, năng lực tài chính yếu nên chúng tôi chưa tin tưởng cho vay. Bên cạnh đó, trong văn bản hướng dẫn của Vietcombank Việt Nam, yêu cầu phải có chứng chỉ quy định của ngành (chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng – PV) nên chúng tôi phải thực hiện theo quy định”.
Ở Hà Tĩnh hiện có 4 ngân hàng thương mại nhà nước nắm cổ phần chi phối, thuộc đối tượng ngân hàng cho vay theo Nghị định 67. Tuy nhiên, đến thời điểm chúng tôi đi thực tế, toàn tỉnh có 9 tàu vỏ thép được ngân hàng cho vay thì đều duy nhất vay được ở Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển (BIDV)!
Ông Nguyễn Huy Tiến – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: “Đúng là nhiều ngư dân có gặp khó khăn trong việc vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67. Thực tế, mỗi ngân hàng đều có quy định riêng và không ai có thể ép họ phải cho vay được. Tuy nhiên, chúng tôi đã yêu cầu các ngân hàng phải tiếp cận, xem xét hồ sơ và có trả lời rõ ràng cho ngư dân, nếu không cho vay được”.
Trong khi ngân hàng và ngư dân đang khó tìm tiếng nói chung thì vai trò của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể trong việc vào cuộc để gỡ khó cùng ngư dân vẫn còn mờ nhạt. Bởi vậy, chính sách chưa thực sự phát huy hiệu quả.
… Đến khó do chính ngư dân
“Tư tưởng vươn khơi của ngư dân Hà Tĩnh khá “chùng”, là câu đúc rút khá trọn vẹn của ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên khi nói về thực tế của ngư dân tỉnh ta hiện nay. Và, chỉ khoảng 5% tàu trên 90 CV trong tổng số trên 5.000 tàu thuyền đánh bắt toàn tỉnh cũng đủ nói lên thực trạng đó. Những quyết định thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 90 và một số chính sách trước đó thực sự là “cứu tinh” cho ngư dân ra khơi, thế nhưng, hầu hết ngư dân vẫn không mấy mặn mà.
Đành rằng, đa số ngư dân tỉnh ta còn khó khăn, nhưng với mức tối thiểu khoảng 1 tỷ đồng để đóng mới một con tàu trên 90 CV ra khơi, không đến nỗi quá khó nếu người dân thực sự “máu lửa”. Đó là chưa nói đến, ngay khi tàu hoàn thành, họ được hỗ trợ ngay 200 triệu đồng theo Nghị quyết 90.
So sánh với ngư dân một số nơi có điều kiện kinh tế tương tự tỉnh ta, mới thấy rằng, tinh thần đa số ngư dân Hà Tĩnh “chùng” thực sự. Tại xã Đức Trạch (Bố Trạch) và phường Quảng Phúc (TX Ba Đồn, Quảng Bình), nơi chúng tôi có dịp đến khảo sát, không ít ngư dân khó khăn, nhưng 2-3 gia đình hùn nhau lại thế chấp nhà cửa, đất đai đóng một tàu lớn ra khơi. Nhiều gia đình nhờ vậy sớm trở nên giàu có. Sự táo bạo của ngư dân đã góp phần đưa nghề đánh bắt xa bờ các địa phương này phát triển mạnh, thành một nghề làm ăn hiệu quả.
Trong khi đó, những ngư dân chúng tôi gặp ở Hà Tĩnh đa số vẫn mang nặng tư tưởng tự ti, thiếu mạnh dạn, táo bạo.
Nhiều ngư dân còn mang nặng tư tưởng tự ti, thiếu mạnh dạn, không dám đầu tư tàu lớn ra khơi.
Ngư dân Nguyễn Văn Hà (thôn Phúc Hải, Cẩm Nhượng) nói: “Đa số xóm tôi xưa nay đều đánh vùng lộng và ven bờ. Thấy họ có thuyền lớn ra khơi hiệu quả cao, tôi cũng thèm lắm, nhưng không có điều kiện đầu tư, tuổi lại cao nên không dám mơ đến. Dân ở đây hầu hết cũng chỉ đánh tàu nhỏ như tôi cả”.
Không riêng gì ông Hà mà đại đa số ngư dân chúng tôi có dịp tiếp xúc ở các huyện ven biển đều có chung tâm lý dè dặt, an phận, không dám đột phá bằng cách đóng tàu lớn ra khơi. Điều này cũng trùng với nhận định của lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương. Ông Nguyễn Trọng Nhật - Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, nói: “Tập quán đánh bắt nhỏ lẻ, tư duy đánh bắt truyền thống, ven bờ, tâm lý “bất đắc dĩ” mới bám biển; ngại chuyển đổi nghề, ngại ra khơi... là những nguyên nhân chính khiến nghề đánh bắt xa bờ ở Hà Tĩnh phát triển chậm”.
Ông Biện Ngọc Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho rằng, đánh bắt xa bờ cũng đưa lại hiệu quả khá nhưng vất vả, lại bỏ vốn lớn nên tâm lý người dân không mặn mà. Ở Thạch Kim bây giờ, thanh niên khỏe mạnh thì đi xuất khẩu lao động; 45 tuổi trở lên thì lui về làm nghề dịch vụ chế biến. Vì vậy, lực lượng nòng cốt bám biển, đặc biệt là ra khơi, rất yếu.
Xã biển Cương Gián (Nghi Xuân) có 166 tàu thuyền đánh cá nhưng chỉ 1 chiếc trên 90 CV là có thể ra khơi, trên 99% tàu thuyền còn lại chỉ loanh quanh vùng lộng. Theo chị Trần Thị Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cương Gián, thanh niên nơi đây chủ yếu đi xuất khẩu lao động; đội ngũ đánh cá toàn là người có tuổi và quen tập quán đánh ven bờ nên không thể chuyển đổi được.
Ông Hà Giang Tý - Trưởng thôn Đại Đồng, xã Cương Gián cho biết: “Toàn thôn có 550 lao động thì 350 lao động đi làm việc nước ngoài, chỉ có 100 lao động nghề biển, nên nếu có chính sách ưu đãi cho tàu ra khơi thì cả thôn này may lắm cũng được vài hộ!”.
Thực tế trên đã và đang cho thấy cả chính sách lẫn tư duy của ngư dân đều đang tồn tại những điểm “vướng” cần tháo gỡ. Để chính sách đi vào cuộc sống, để ngư dân và chính sách gặp nhau, chuyển đổi từ đánh bắt vùng lộng, vùng gần bờ sang vươn khơi là bài toán mà Nhà nước, nhà làm chính sách cùng ngư dân phải thực sự chia sẻ, cùng chung tay vào cuộc nhịp nhàng, quyết liệt thì mới sớm tìm ra lời giải.
Theo Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;