Hạt gạo Việt Nam đứng về giá trị thương mại trên thị trường thế giới thì còn thua kém một số nước. Vì vậy, dù Việt Nam xuất khẩu số lượng nhiều, nhưng giá trị thu lại chưa xứng đáng. Ở phạm vi trong nước khi so sánh với một số mặt hàng khác như cây ăn quả hay cây công nghiệp, rau màu hoặc các loại sản phẩm chăn nuôi hay thủy sản thì giá trị so sánh với hạt lúa cũng thường cao hơn có khi hàng chục lần trên cùng một đơn vị sản xuất.
Thực tế sản xuất, chính người nông dân đã phải bươn trải, tìm mọi phương kế để tự lo cho cuộc sống trên quỹ đất rất hạn chế của họ. Do vậy nhiều mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cây, con khác đã diễn ra như mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), ngăn ruộng để nuôi tôm, lên liếp trồng hoa màu và các cây ăn quả... đã và đang diễn ra khắp nơi.
Chúng ta cũng có chính sách chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển đổi một phần đất lúa kém hiệu quả sang kinh doanh cây con khác. Vậy là chính sách phát triển nông nghiệp của nước ta cũng có lúc đi sau thực tế sản xuất khá xa. Chính sách cũng thiếu đồng bộ, nhất quán. Không ít người lại có tính nôn nóng về quy trình chuyển đổi và thậm chí chưa đánh giá đúng vai trò thực tế về mối quan hệ đất, nước với cây trồng hay thủy sản cũng như mối quan hệ giữa sản xuất với mạng lưới kinh tế thị trường. Thậm chí có không ít người muốn xóa bỏ cây lúa hay so sánh giá trị với các sản phẩm khác một cách hời hợt, thiếu thực tế.
Chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là hướng đi rất đúng đắn. Trước hết cần chuyển đổi mạnh tay trên vùng đất nhờ nước trời, đất hẹp người đông và cần chú ý tìm thị trường của sản phẩm giới thiệu cho người sản xuất, không để cho dân tự phát làm ra sản phẩm mà không bán được, hay diễn lại tình trạng trồng - chặt như những năm trước đã thường diễn ra.
Riêng vùng đất màu mỡ thường bị ngập nước, chưa có cây con gì thay thế cây lúa được ở vùng ĐBSCL hay vùng tam giác ĐBSH hoặc một số địa danh nổi tiếng về cây lúa ở các tỉnh duyên Hải miền Trung. Nhà nước cần có chính sách phù hợp, cộng với cải tiến điều kiện sản xuất để trồng lúa được bền vững, có hiệu quả cao. Trong thực tế cây lúa có năng suất rất ổn định và dễ trồng, đầu tư thấp.
Cây lúa so với cây mía, có thời gian chiếm đất 1 năm, trên 1 đơn vị diện tích 1 ha.
Để tiện việc so sánh, xin được dẫn ra số liệu trung bình của 13 tỉnh ĐBSCL, thuộc chương trình "Sản xuất lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu" do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện. Trong thời gian 1 năm, vùng ĐBSCL có thể trồng được 2 - 3 vụ lúa, trong tài liệu này chỉ tính cho vùng diện tích 2 vụ lúa đông xuân, hè thu, không tính vụ lúa thu đông. Số liệu thu được tính bình quân 65 hộ thuộc 13 tỉnh, trên nhiều đơn vị đất đai khác nhau và kỹ thuật sử dụng cũng khác nhau.
Về cây lúa: Theo kỹ thuật của nông dân, trong vụ ĐX, tổng chi phí đầu tư là: 17.349.000đ, khi thu hoạch bán lúa tươi, tiền lời thu được 18.756.000đ; Vụ HT tổng chi: 16.859.833đ, tiền lời 13.500.000đ. Tổng chi phí cả 2 vụ là 34.208.833đ và có tiền lời thu được là 32.256.000đ, tỷ lệ lợi nhuận là 48,4%.
Được trồng theo kỹ thuật của mô hình: Trong vụ ĐX, tổng chi phí đầu tư là 17.060.100, tiền lời là 23.714.000đ; Vụ HT tổng chi là 16.382.000đ, tiền lời là 18.857.000đ. Tổng số chi phí cả 2 vụ là 33.442.100đ; tổng số tiền lời 2 vụ là 41.015.000đ, chiếm tỷ lệ 55,7%.
Về cây mía: Tại ruộng trình diễn ở xã Pleipong, huyện Ayunpa, Gia Lai năm 2015, chi phí đầu tư cả vụ là 48.645.000đ, đạt năng suất mía cây 66,55 tấn, tổng thu tiền bán mía là 57.529.000 đ, tiền lời thu được 8.883.000đ, tỷ lệ lợi nhuận là 18,26%.
Vụ mía tơ 2015 tại Nhà máy đường Phổ Phong: Tổng chi cho ruộng mía là 47.691.667đ, lượng phân bón sử dụng bằng 1,5 lần bón cho lúa, nhưng tổng thu mang lại cho ruộng mía là 75.162.150đ, trừ chi phí còn lời được 27.470.483đ/ha/năm (tỷ lệ lời thu được 57,6%).
Như vậy, so sánh hiệu quả kinh tế 2 vụ lúa trong năm với 1 vụ mía chiếm đất 12 tháng và cũng được đấu tư cao hơn 2 vụ lúa, nhưng tiền lời và tỷ suất lợi nhuận vẫn chưa bằng 2 vụ lúa. Vậy là trồng lúa vẫn có lời. Do đó chúng ta cần khoanh vùng đất lúa ổn định và cải tiến kỹ thuật đặc biệt là tăng cường cơ giới hóa giúp cây lúa Việt Nam phát triển bền vững. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã