Học tập đạo đức HCM

Làm giàu ở nông thôn: Có ông “vua” khóm trong rốn phèn

Thứ sáu - 08/12/2017 09:30
"Trong cái rốn phèn đó có ông "vua" khóm Chín Biền"-gần như ai ở miệt này cũng gọi vậy đối với ông Ngô Văn Biền, xã Tân Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang..

Anh Hai Đạt (Nguyễn Tấn Đạt)- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước (Tiền Giang) hăm hở dẫn chúng tôi đến nhà ông Chín Biền. Trên đường đi tôi hỏi: ““Vua” khóm Chín Biền trồng khóm (dứa) giỏi ra sao?”. “Trời đất ơi, ổng trồng khóm nổi tiếng vùng này, dân ở đây ai mà không biết”, anh Hai Đạt gào lên trong khi chiếc xe máy lao vun vút trên mặt đê chống lũ.

 lam giau o nong thon: co ong “vua” khom trong ron phen hinh anh 1

Thu hoạch khóm ở Tân Phước, Tiền Giang.   Ảnh: Trần Đáng

Gác tay súng, cầm len đào đất

Thật không sai khi ví huyện Tân Phước là “vương quốc” khóm. Khóm ở đây trồng bạt ngàn. Những liếp khóm như những con trăn vùng Amazon khổng lồ, xanh mướt chạy dài tít tắp. Ngai ngái trong gió mùi chua chua, tanh tao của nước phèn, mùi lên men của những quả khóm đang chín trên đồng…

Trước khi ghé nhà anh Chín Biền, tôi đã tạt vào Phòng NNPTNT huyện Tân Phước. Một cán bộ cho biết, “vương quốc” này có hơn 16.000 ha khóm, cho sản lượng khoảng 260.000 tấn/năm. Trước đây, khi huyện Tân Phước mới thành lập, cây khóm chỉ xuất hiện rải rác ở các xã Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Hưng Thạnh..., nhưng đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều có mặt cây khóm, và khóm được xem là cây trồng chủ lực trên vùng đất trũng, phèn chua này.

 lam giau o nong thon: co ong “vua” khom trong ron phen hinh anh 2

Anh Chín Biền và thành quả sau những nhọc nhằn khai khẩn..   Ảnh: Trần Đáng

Từ cánh đồng khóm đang cải tạo trồng mới, nghe chúng tôi ghé, anh Chín Biền bỏ dở công việc lao về nhà. Mặc cho chiếc quần dài đổ lông do gai khóm cào đang chảy nước ròng ròng, anh Chín Biền ngồi tiếp khách. “Làm nông đã khổ, chọn sản xuất trái khóm trên vùng đất này lại càng vất vả hơn. Có lúc 3 chiếc quần xà lỏn không kịp khô do tui phải liên tục ngâm mình chống lũ bảo vệ cây khóm”- anh Chín Biền xởi lởi.

Anh Chín Biền bộc bạch, sinh ra lớn lên trên vùng đất này nên anh rất thấm thía nỗi cơ cực của nông dân bám trụ với đất. Sau khi xuất ngũ, anh bộ đội chỉ chuyên đi làm kinh tế cho đơn vị trở về quê hương gồng gánh, dắt díu vợ con từ xã Tân Hòa Thành vào lõi “rốn” phèn khai hoang.

Lúc bấy giờ, ở đây đất đai bạt ngàn nhưng cây lúa không phát triển được. Nước sinh hoạt thì phải lóng tro để khử phèn. Rất nhiều gia đình đi kinh tế mới đến đây nhưng không chịu nổi đã phải lặng lẽ bỏ đi. Riêng vợ chồng anh Chín Biền động viên nhau cố bám trụ.

“Những năm 80 (thế kỷ trước), nơi đây đất hoang hóa mênh mông, chỉ toàn là tràm và cỏ năn. Vừa khai hoang đất, tui vừa đi nhổ năn cho vợ phơi khô rồi bán kiếm hạt gạo nuôi gia đình qua ngày. Khổ nhất là khi lũ về, nước ngập ngang cổ, không thể sản xuất gì được nữa và cái ăn cũng thiếu thốn hơn”- anh Chín Biền chia sẻ.

Chính cái ý niệm “bộ đội đi chiến đấu ở K (Campuchia) không chết thì những vất vả, khổ sở khi khai hoang là thứ bỏ đi” đã hun đúc thêm sức mạnh cho anh Chín Biền trong công cuộc khai hoang vùng đất Đồng Tháp Mười. Chỉ với cây len, cây cuốc trong tay, cộng với tính cần cù, chịu thương chịu khó và lòng quyết tâm, dần dà anh cũng có được 2ha đất. Để chống lũ, bảo vệ mùa màng, anh làm đê bao cánh đồng, khi chưa ai ở đây làm việc này. Cuối những năm 90, trong khi nông dân nhận khoán đất trồng khóm cho nông trường Võ Quốc Hồng, thì anh Chín Biền là người đầu tiên nhảy ra tự sản xuất khóm bán cho thị trường.

“Khi còn trong quân ngũ tôi chỉ đi làm kinh tế cho đơn vị nên cũng học được nhiều kinh nghiệm trong quan hệ làm ăn. Việc làm ra trái khóm và tìm nơi tiêu thụ thực ra không khó với tôi”- anh cho biết.

Chính vì không phải là nông dân đơn thuần chỉ biết sản xuất mà còn đẩy mạnh tiêu thụ nên quy mô sản xuất khóm của anh Chín Biền ngày một mở rộng. Hiện, anh sản xuất gần 25ha khóm.

Chiều tàn, câu chuyện khai hoang, trồng khóm xem ra vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Anh Hai Đạt - cũng là nông dân trồng khóm, nên không lạ gì chuyện nằm gai, nếm mật và nỗ lực vượt khó của anh Chín Biền. “Ông Chín Biền là một quái kiệt trồng khóm ở đây đó”- anh Hai Đạt chen ngang câu chuyện.

Phép tính của người cựu chiến binh

Những năm 80, gia đình tôi cũng làm đến 10ha khóm ở Hòn Đất (Kiên Giang). Khổ cực cao chót vót, doanh thu thì thấp lè tè. Khóm làm ra loại 1 dạt chiếm một nửa, năng suất thấp nên lợi nhuận chẳng bõ bèn. Mà đâu phải chỉ gia đình tôi, hầu hết nông dân trồng khóm lúc đó đều gặp tình cảnh như vậy. 

Làm được VietGAP rồi mà nông dân chúng tôi vẫn phải tự tiêu thụ, vẫn phải bán khóm cho thương lái theo giá lên xuống thất thường. Đây cũng là lý do khiến nhiều nông dân còn ngại, không muốn áp dụng mô hình VietGAP”.

Anh Chín Biền

Giờ ngồi tiếp chuyện với anh Chín Biền mới vỡ lẽ do cái tính ham “ăn dày” của nông dân. Trồng cây khóm quá vất vả nên nông dân cứ thế tận dụng khai thác, “ăn” đến khi nào cây khóm lão mới phá đi trồng lại. Trong khi đó, anh Chín Biền chỉ “ăn” đủ 2,5 năm, sau đó sẽ cho phá khóm đi trồng mới. “Vòng đời cây khóm cho năng suất cao nhất chỉ bấy nhiêu. Cũng bấy nhiêu diện tích, cũng cho cùng một sản lượng, nhưng nếu khóm anh thu hoạch tỷ lệ đạt không cao thì lợi nhuận sẽ thấp hơn vườn khác”- anh Chín cho biết.

Chưa hết, phải tính toán làm sao cho thu lợi nhuận cao nhất trên trái khóm. Thường thương lái quy định trái khóm loại 1 phải từ 750g/trái trở lên. Nhiều nông dân cứ trồng cho trái khóm thật to để tỷ lệ “dạt” thấp, giá trị cao. Mà muốn được vậy cần phải mất thời gian cho cây và trái.

Trong khi đó, anh Chín Biền cứ bám lấy “quy định 750g”. Tức là thay vì phải đợi cây đủ khoảng 12 tháng mới tác động kỹ thuật cho ra trái, thì anh chỉ cần 8 tháng. Lúc này, trái khi thu hoạch vẫn đủ trọng lượng từ 750g trở lên. “Từ lâu tôi đã làm như thế. Tỷ lệ trái đạt loại 1 của tui phải từ 90% trở lên. Thương lái thích mua khóm của tôi vì trọng lượng trái khá đồng đều”- anh Chín Biền khẳng định.

Từ lâu, để mấy chục ha đất đi vào sản xuất khóm trơn tru, anh Chín Biền đã đẩy mạnh cơ giới hóa với các loại máy, như: Làm liếp, tưới, bón phân, xới… Theo anh Chín Biền, lao động nông thôn giờ rất thiếu do bị hút vào nhà máy, xí nghiệp. Mặc dù anh vẫn còn thuê khoảng 20 lao động làm việc, nhưng phải có cơ giới để công việc được đẩy nhanh. Giờ anh chỉ còn thiếu máy trồng khóm.

Năm 2009, chính quyền phát động sản xuất khóm theo mô hình VietGAP, anh Chín Biền xung phong phá bỏ 5ha khóm đang cho trái để trồng. Anh tâm sự, sản xuất theo quy trình VietGAP rất cực vì phải tuân theo nhiều chỉ tiêu như bón phân theo định mức, phải có nhật ký ghi chép, có nhà vệ sinh, nhà kho... và đầu tư rất tốn kém.

Trời chập choạng tối, anh Chín Biền mới tiễn chúng tôi ra về, không quên gởi theo vài trái khóm làm quà. Cây khóm từng là cây “xóa đói, giảm nghèo” ở đây, giờ nó là cây trồng chủ lực đưa nông dân Tân Phước vươn lên giàu có, trong đó có cựu chiến binh Chín Biền...

Tác giả bài viết: Trần Đáng

Nguồn tin: danviet.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập84
  • Hôm nay37,611
  • Tháng hiện tại236,453
  • Tổng lượt truy cập92,614,117
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây