Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, vụ mùa 2018 toàn miền Bắc gieo cấy 1.118 nghìn ha, giảm 17.000 ha so với năm 2017. Nguyên nhân diện tích gieo cấy lúa giảm tại các vùng ĐBSH chủ yếu là do việc chuyển đổi một số diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả sang cây rau màu khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Một phần diện tích khác chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ hai từ trái sang) chỉ đạo Hội nghị |
Năng suất lúa bình quân của các tỉnh phía Bắc trong vụ mùa 2018 ước đạt 50 tạ/ha (tăng 3,5 tạ/ha so với năm 2017). Sản lượng toàn miền Bắc ước đạt 5,6 triệu tấn (tăng khoảng 323.000 tấn so với cùng kỳ năm 2017, tương đương giá trị trên 2.0000 tỷ đồng).
Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Việc sử dụng các giống lúa chất lượng có giá trị hàng hoá cao đã được các địa phương quan tâm và tiếp tục mở rộng (tăng 23.000 ha so với năm 2017). Qua đó đã nâng cao giá trị sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc. Ngoài lúa, các địa phương phía Bắc cũng đã gieo trồng 116.000 ha ngô; diện tích cây khoai lang đạt 19.200 ha; cây đậu tương đạt gần 17.700 ha.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định: Năm 2018 ngành trồng trọt sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua, đạt hơn 3%. Đã lâu lắm rồi chúng ta mới đạt được kết quả này. Sản lượng lúa của cả nước tăng so với năm ngoái 1,3 triệu tấn. Lần đầu tiên cơ cấu giống lúa chất lượng cao trong cơ cấu sản xuất lúa vượt hơn 30%. Năm nay chúng ta có một vụ hè thu và vụ mùa được cả mùa và giá. Như vậy cộng cả vụ đông xuân, năm nay chúng ta thắng lợi toàn diện. Sản lượng lúa cả nước ước vượt 45 triệu tấn.
Về kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2018 – 2019, theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, tiết đại hàn vào ngày 20/1/2019 (15/12 âm lịch). Đây là giai đoạn dự báo có tần suất rét đậm cao nhất năm. Tiết lập xuân ngày 4/2/2019 (tức ngày 30/12 âm lịch). Trên cơ sở đó, tuỳ thời gian sinh trưởng của từng giống, điều kiện thực tế của địa phương để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo nguyên tắc đảm bảo lúa phân hoá đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi; tránh rét “nàng bân” khi lúa trỗ, tránh lụt tiểu mãn ở vùng đất thấp khi thu hoạch. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc gieo cấy lúa vụ hè thu, vụ mùa và triển khai vụ đông 2019.
Năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất lúa năm 2018 tăng do các địa phương đã đưa các bộ giống lúa tốt vào cơ cấu |
Ngoài ra, ông Trần Xuân Định cũng lưu ý: Cần hạn chế tối đa trà xuân sớm (trừ những nơi có điều kiện đặc thù); mở rộng tối đa trà xuân muộn bằng những giống lúa ngắn ngày năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận. Các tỉnh ĐBSH và Trung du Miền núi phía Bắc bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp để lúa trỗ từ ngày mùng 5 – 20/5, trong đó trỗ tập trung từ 10 – 15/5. Còn tại Bắc Trung bộ: Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế (chủ yếu là gieo thẳng) bố trí thời vụ gieo phù hợp để lúa trỗ từ 10 – 25/4; các tỉnh từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh bố trí thời vụ để lúa trỗ trỗ từ 20/4 – 10/5.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình thuỷ lợi (Tổng cục Thuỷ lợi) cho biết: Hiện tượng Enso được dự báo nhiều khả năng sẽ chuyển sang trạng thái El Nino từ tháng 11/2018 với xác suất xuất hiện từ 60 – 70%. Dự báo xu thế mưa có xu hướng giảm. Riêng khu vực Bắc Trung bộ, tổng lượng mưa từng tháng 1 đến tháng 4/2019 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 – 50%. Đặc biệt, tại các tỉnh từ hà Tĩnh đến thừa Thiên Huế, dung tích trữ trong các hồ chứa thuỷ lợi ở mức thấp từ 25 – 50% dung tích thiết kế.
Để phục vụ gieo cấy cho 12 tỉnh, thành khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, Tổng cục Thuỷ lợi sẽ phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng kế hoạch xả nước tăng cường từ hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang. Dự kiến kế hoạch lấy nước sẽ gồm 3 đợt: Đợt 1 từ ngày 20/1 đến ngày 25/1/2019; Đợt 2 từ ngày 31/1 đến ngày 3/2/3019; Đợt 3 từ ngày 15/2 đến ngày 22/2/2019. Kế hoạch lấy nước trên sẽ được các bên tiếp tục tính toán, điều chỉnh để đảm bảo với nhu cầu của địa phương và giảm tổng lượng xả nước.
Người trồng lúa phấn khởi vì vừa được mùa, vừa được giá (ảnh: Tình Bụi) |
Ông Đỗ Hải Điền – PGĐ Sở NN-PTNT Nam Định cho biết: Năm nay lập xuân rơi vào đúng ngày 30 Tết. Do đó, chúng tôi chỉ đạo và vận động bà con tổ chức gieo mạ tập trung trước Tết và cấy vào sau Tết. Rút kinh nghiệm các năm trước, nhiều diện tích lúa mới gieo sạ bị ngập nước do mưa lớn gây thiệt hại lớn, chúng tôi khuyến cáo bà con chỉ gieo sạ tại các vùng chủ động nguồn nước và có chân đất cao. Về cơ cấu giống, Nam Định vẫn chọn Bắc thơm số 7 là giống lúa chủ lực. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ mở rộng giống lúa thơm chất lượng cao mới TBR 279, bởi đây là giống lúa chống chịu sâu bệnh (đặc biệt là bệnh bạc lá) tốt, chất lượng và giá trị cao.
Ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam – TGĐ Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình, cho biết: Năm nay dịch bệnh lùn sọc đen cơ bản đã được khống chế. Tình hình mưa bão ít nên bệnh bạc lá rất nhẹ. Bên cạnh đó, việc lựa chọn đúng thời điểm, cơ cấu giống lúa phù hợp nên đã tạo ra một sung lực lớn để thúc đẩy năng suất lúa tăng cao. Ở Thái Bình, có những vùng năng suất lúa bình quân lên tới 62 tạ/ha trong vụ mùa. Mặc dù diện tích gieo cấy lúa ở miền Bắc đã giảm tới 17.000 ha nhưng sản lượng lương thực tăng 1,3 triệu tấn. Có được thành tích này, đầu tiên phải hoan nghênh công tác chỉ đạo sản xuất của các địa phương.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã