HTX Thủy sản Toàn Thắng có 30 thành viên với 43ha nuôi tôm, đã đạt chứng nhận VietGAP từ tháng 10/2017, đang tiến tới chứng nhận ASC (ASC - Aquaculture Stewardship Council – Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản, là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm). “Việc đánh giá theo tiêu chuẩn ASC vừa hoàn tất, tổ chức lễ công nhận trong tháng 10/2018. Vì tiêu chuẩn vùng nuôi khá khắt khe nên chỉ có 27 thành viên với gần 40ha đạt ASC mà thôi”, ông Đấu cho biết thêm.
Lễ ký kết hợp đồng SX và tiêu thụ tôm ASC giữa HTX Thủy sản Toàn Thắng và Cty CP Chế biến Thủy sản Út Xi, tháng 3/2018 (Ảnh: Quách Thị Thanh Bình) |
Khi được chứng nhận ASC, tôm nuôi của HTX Thủy sản Toàn Thắng chính thức đạt các tiêu chuẩn tôm sạch nhất để rộng cửa tiêu thụ ở trong nước và XK đi mọi thị trường trên thế giới. Theo hợp đồng ký hồi tháng 3/2018, tôm sạch của HTX sẽ được Cty Út Xi bao tiêu với giá cao hơn thị trường 2.500 đồng/kg. Bên cạnh, hằng năm, Cty Út Xi tài trợ cho HTX Toàn Thắng 100 triệu đồng phục vụ công tác quản lý, duy trì tiêu chuẩn chất lượng.
“Như thế, đầu ra của con tôm đã ổn định, không còn phải lo, chỉ còn lo đầu vào. Trong nuôi tôm, nặng mối lo nhất là thức ăn, HTX Toàn Thắng hiện chưa đủ lực nên các thành viên còn phải tự lo. Kế hoạch của chúng tôi, sau chứng nhận ASC, HTX tiếp tục phát triển mối liên kết với Cty Út Xi để có nguồn thức ăn cho tôm với chất lượng cao. Khi đầu vào và đầu ra đã liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp chế biến XK, chúng tôi chỉ còn tập trung lo nâng cao chất lượng sản phẩm tôm”, ông Đấu phấn khởi.
Việc thực hiện tiêu chuẩn ASC với HTX Thủy sản Toàn Thắng về kỹ thuật không quá khó khăn, nằm trong khả năng của các thành viên, chỉ phải thay đổi thói quen SX và sinh hoạt. Đó là, phải chịu khó ghi chép nhật ký theo quy định, bảo vệ môi trường từ thu gom rác đến làm nhà vệ sinh sạch sẽ, trong thu gom rác phải để rác độc hại riêng và trong nuôi tôm không được dùng kháng sinh.
Ông Đấu bày tỏ: “Tất cả các quy định đó thật ra cũng có lợi cho cuộc sống của chúng tôi, từ lâu chúng tôi đã muốn thực hiện nhưng lẻ tẻ nên khó thành nếp. Khi thực hiện tiêu chuẩn ASC, có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra đã tạo được chuyển biến tập thể, thành nền nếp chung cho cả ấp Kinh Mới”.
Hàng tháng, các thành viên tập trung họp lệ ở nhà Phó Giám đốc HTX Phạm Văn Mừng để rà soát những gì đã làm tốt và chưa làm tốt, trao đổi kinh nghiệm khắc phục. Ông Mừng cũng là một điển hình về sự hợp tác giữa các thành viên, gia đình ông có 2ha nuôi tôm đã hợp tác với 7 hộ kế cận tạo thành vùng nuôi gần 8ha, duy trì rất tốt các tiêu chuẩn ASC.
Không chỉ ao nuôi đạt các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường mà nhà ở, đường đi của các thành viên cũng được giữ gìn khang trang, sạch đẹp đạt tiêu chuẩn NTM ở mức cao nhất.
Chỉ với hơn 40ha đất nuôi tôm, HTX Thủy sản Toàn Thắng năm 2017 thu hoạch được 162 tấn tôm, bán được hơn 14 tỷ đồng, lời 6,7 tỷ. Những thành viên có diện tích nuôi tôm lớn là các ông Phan Hoàng Diệp, Trang Chí Huỳnh và bà Phạm Thị Ngọc Thu, mỗi hộ hơn 3ha. Những hộ này tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật nên thu lời cao, có những ao cho tiền lời 100 triệu đồng với 1.000 m2 mặt nước.
Khách nước ngoài đến tìm hiểu quy trình nuôi tôm sạch ở Sóc Trăng |
Những tháng đầu năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp và giá tôm giảm, tuy nhiên HTX Thủy sản Toàn Thắng vẫn có lời. Đặc biệt, tôm đã đạt tiêu chuẩn VietGAP được Cty Út Xi mua giá cao hơn giá thị trường. Hiện giờ, thả giống vụ thứ 2 nuôi tiêu chuẩn ASC và theo ông Đấu, tôm phát triển tốt, hơn 2 tháng nữa là thu hoạch.
Để đi đến tiêu chuẩn ASC như bây giờ, các thành viên HTX Toàn Thắng kể, việc thực hiện thành công VietGAP là nền tảng căn bản. Trước đây, bà con thành lập tổ hợp tác để giữ gìn môi trường, đến năm 2016 với yêu cầu phát triển thì HTX mới ra đời. Vốn điều lệ chỉ có 150 triệu đồng, chỉ có khả năng hỗ trợ những thành viên gặp khó khăn đột xuất. Nhưng cái được lớn hơn là làm ăn tập thể.
Đặc điểm nổi bật trong nuôi tôm VietGAP là sự nhất trí tuân thủ lịch thời vụ của các thành viên. Nuôi tôm không còn xả nước ra môi trường như trước, khi phát hiện tôm có dấu hiệu dịch bệnh thì tiêu hủy ngay và xử lý gọn trong từng ao.
Vùng nuôi tôm là một hệ thống khép kín với các ao nuôi - ao lắng kế tiếp nhau và xoay vòng: vụ này ao này nuôi xong thì ngừng lại để lắng lọc nước, nuôi tôm chuyển sang ao kế bên vừa lắng lọc nước trong sạch. Một năm cũng chỉ lấy nước vào vùng nuôi tôm một lần để sử dụng quanh năm, thỉnh thoảng lấy thêm chỉ những khi có nước tốt.
Đạt được tiêu chuẩn VietGAP, không thể quên công sức của Chi cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ. Trước tiên là hỗ trợ kiến thức qua đội ngũ tư vấn thường có mặt bên cạnh các hộ nuôi tôm, các hộ nuôi tôm còn được kiểm tra nhiều chỉ tiêu môi trường như pH, kiềm, ô xy hòa tan, NH3, NO2, nhiệt độ...
Khi mới đạt VietGAP, Giám đốc Đấu đã phấn khởi, HTX Thủy sản Toàn Thắng không còn hộ nghèo. Bản thân ông Đấu, gia đình chỉ có 0,2ha đất, mướn thêm xung quanh nữa để có 0,75ha đất nuôi tôm, trở nên khá giả. Hiện nay, ông đầy tự tin: “Nông dân nuôi tôm sạch chúng tôi bây giờ cũng có bảo hộ lao động đầy đủ, chân đi ủng và tay mang găng đàng hoàng. Môi trường được giữ gìn nên hạn chế thiệt hại, đầu ra của con tôm ổn định với giá tăng, đời sống ngày càng đi lên. Còn HTX được Cty Út Xi hỗ trợ hàng năm cũng sẽ phát triển các nguồn lực”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;