Trò chuyện với chúng tôi, Liêm cho biết, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính ngân hàng (Trường Học viện Tài chính), anh xin vào làm việc cho một ngân hàng lớn ở thủ đô Hà Nội. Sau một thời gian dài phấn đấu, anh được phía ngân hàng trả cho một mức lương hậu hĩnh.
Mặc dù thu nhập cao, nhưng Liêm vẫn quyết định xin nghỉ việc. “Mặc dù đang làm ở ngân hàng nhưng lúc nào cũng ao ước về quê chăn nuôi, làm nghề nông mà đầu tư và tính toán làm tốt thì thu nhập cũng chẳng kém gì ngành nghề khác, mà quan trọng nhất là được ở gần gia đình nên sau nhiều lần đắn đó tôi quyết định từ bỏ công việc đã gắn bó 7 năm” –Liêm tâm sự.
Chuyên viên ngân hàng Hoàng Thanh Liêm (34 tuổi) bỏ phố về quê nuôi cá.
Vậy là năm 2013, Liêm khăn gói về quê, mặc cho bạn bè “sốc”, rồi gia đình họ hàng ra sức khuyên ngăn. Mặc dù bị nhiều người phản đối, bán tán xì xầm, nhưng anh vẫn kiên quyết đi theo con đường mình đã chọn. Chàng chuyên viên ngân hàng vốn quen với công việc bàn giấy, chốn văn phòng, quần áo phẳng phiu, giầy da bóng loáng giờ bắt đầu lập nghiệp lại với nghề nông nên nhiều người vẫn hoài nghi về sự thành công của Liêm.
Từ những kiến thức mà mình tự tìm hiểu được, sau khi về quê Liêm bắt tay ngay vào nuôi gà, nhưng sau một thời gian anh nhận ra nuôi gà không đơn giản như mình nghĩ. Bỏ nuôi gà, Liêm lại loay hoay tìm hướng đi mới, nhận thấy vùng quê chiêm trũng của địa phương mình rất phù hợp với nuôi cá.
Khu nuôi cá của anh Liêm gồm 5 ao nổi rộng khoảng 2ha mặt nước, chủ yếu thả nuôi các loại cá truyền thống.
Liêm lại bắt tay vào nuôi cá, anh mạnh dạn đấu thầu và mua lại 3 ha đất của một số hộ nông dân trong xã để xây dựng khu nuôi cá trên ao nổi. Nhưng nuôi cá lần này cũng không dễ như anh tưởng, mặc dù đã tìm hiểu kĩ lưỡng trước khi nuôi nhưng đàn cá cứ thay nhau chết nổi trắng ao. “ Những ngày đó, tôi thức trắng đêm, chạy ngược chạy xuôi tìm cách cứu chữa cũng chỉ cứu được một phần, nhưng lại học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý giá của nghề nuôi cá” anh Liêm nhớ lại.
Cũng kể từ đó, nhờ nắm vững được kĩ thuật nuôi nên đàn cá nhà anh lớn nhanh như thổi, năm nào cũng đều đặn xuất bán ra thị trường hơn 80 tấn cá trắm, chép... loại từ 4-5 kg/con với giá trung bình trên dưới 60 ngàn đồng/1kg. Sau khi trừ hết chi phí gia đình anh Liêm lãi hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.
Anh Hoàng Văn Liêm đang đi kiểm tra lượng cám còn trong máy và hẹn giờ để cho cá ăn tự động.
Nói về bí quyết nuôi cá của mình anh Liêm cho hay, nuôi cá trên ao nổi có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với ao nuôi bình thường như độ thoáng cao, nhiều ô xi, dễ quản lý, thu hoạch đơn giản....Nếu nuôi trên ao nổi thì trung bình một năm có thể nuôi được 2 lứa cá, mỗi lứa thả nuôi khoảng 6 tháng là có thể xuất bán được, cá giống thả nuôi phải đạt trọng lượng trên 500g và khỏe mạnh.
“Vì là ao nổi nên không bị cây cối, công trình xây dựng che khuất bóng, đón được nhiều ánh sáng, nhiều gió, hạn chế dịch bệnh gây hại, kích thích các sinh vật có lợi phát triển, bởi thế mật độ nuôi cá trong ao nổi cao hơn, tốc độ cá lớn nhanh hơn ao chìm...” anh Liêm cho biết thêm.
Cận cảnh chiếc máy cho cá ăn tự động của gia đình anh Liêm.
Cũng theo anh Liêm, sở dĩ anh lựa chọn công nghệ nuôi cá trên ao nổi vì ao chìm thường phải đào rất sâu còn ao nổi chỉ cần đào sâu từ 30 - 50 cm rồi chủ yếu lấy lớp đất mầu đắp thành bờ cao từ 1,5 - 2 m. Do vậy, nếu một mẫu ruộng đào ao chìm phải mất 30 - 35 triệu đồng tiền công thì ao nổi chỉ mất 10 triệu đồng. Tuy nhiên, ao nổi cũng có một số nhược điểm cần lưu ý đó là khó thiết kế, phải làm đồng bộ, chi phí gia cố bờ ao lớn; đặc biệt là khi làm ao nổi thì phải làm trên khu đất mới, có độ phẳng cao.
Nói thêm về nghề nuôi cá, anh Liêm cho hay, nếu như thời gian gần đây các loại gia súc, gia cầm giá cả lên xuống thất thường thì con cá truyền thống thì ngược lại. Gía cả giữ khá ổn định, ít khi lên xuống nên cho hiệu quả kinh tế cao.” Cá này là cá phổ thông nên dễ bán, có bao nhiêu cũng bán hết. Như năm nay, giá cá cao hơn mọi năm nên nuôi cá truyền thống cho hiệu quả kinh tế khá cao. Năm nay tôi dự định sẽ xuất bán được hơn 80 tấn, sau khi trừ hết chi phí sẽ lãi hơn nửa tỷ đồng” anh Liêm vui vẻ nói. |
Tác giả bài viết: Phạm Anh
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;