Đồng Nai có điều kiện tự nhiên thuận lợi để trồng cây ăn quả, trong đó có loại sầu riêng hạt lép thơm ngon, thịt dày, ngọt, béo và ráo cùi, không dính tay được cả người tiêu dùng và thương lái ưa chuộng.
Giống sầu này có xuất xứ từ Malaysia, được đưa về Việt Nam từ những năm 1990, trồng tại một số vùng tại Vĩnh Long. Nhờ nhiều ưu điểm, sầu riêng hạt lép được nhân rộng và trồng ở nhiều tỉnh miền Tây.
Dễ phân biệt sầu riêng hạt lép với các giống khác nhờ vỏ mỏng, mùi thơm đượm, trái hình bầu dục, vỏ xanh.
Bà Nguyễn Thị Kim Mai (Ấp một, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, Đồng Nai) trồng sầu riêng từ năm 2012. Bà mua giống sầu riêng hạt lép Ri6 từ Viện cây ăn quả miền Nam. Trên một ha, bà trồng khoảng 150 gốc. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, mỗi gốc cho thu khoảng 50 quả mỗi năm. Quả to nặng tới 3kg một trái.
Sầu riêng cho thu hoạch quanh năm nhưng vụ chính vào tháng 7. Vào vụ, mỗi ngày bà xuất bán từ 80 đến 100 trái. Thương lái muốn có hàng đều phải đặt trước. Sầu riêng cắt khi đã chín khoảng 90%, để thêm 5-7 ngày sẽ chín hoàn toàn không cần bất cứ loại thuốc kích thích nào.
Bà Mai cho biết, có nhiều thương lái đến vườn hỏi mua sầu riêng non về tiêm thuốc nhưng bà kiên quyết không bán. Sầu riêng chín rải rác quanh năm, đặc biệt giống Ri6 hạt lép chất lượng ngon, quả to nên không cần lo chuyện được mất giá, nên bà không bán đồng loạt cho thương lái mà chỉ bán khi độ già của sầu riêng đạt 9/10. Như vậy, sầu riêng chín ngọt tự nhiên, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và uy tín nhà vườn.
Trung bình, mỗi năm, bà thu được hơn 21 tấn sầu riêng, giá bán ổn định khoảng 50.000 đồng một kg. Ngoài bán cho thương lái, bà còn cung cấp sầu riêng hạt lép cho các siêu thị lớn ở TP HCM với giá bán 80.000 mỗi cân, mang về thu nhập trên dưới một tỷ đồng.
Tuy vậy, theo bà Mai, sầu riêng là loại cây khó trồng, muốn cây cho năng suất tốt cần có kỹ thuật trồng và chăm sóc tỉ mỉ, đúng theo từng giai đoạn. Cụ thể, để cây có thể kháng sâu bệnh tốt cần phải phải cung cấp đủ nước, chất dinh dưỡng. Các giai đoạn xuống phân cho cây cần định kỳ, đầy đủ. Bà bổ sung phân hữu cơ và phân vi sinh để bón.
"Sầu riêng thường ra hoa vào mùa nắng nên phải đủ nước tưới, khi tưới phải đều tay để bảo vệ hoa không rụng. Ngoài ra, để có đủ nước tưới, tôi phải đào giếng tại vườn để trữ nước tưới vào mùa khô. Khi cây bắt đầu ra trái, tôi tỉ mỉ tỉa bớt quả nhỏ đi", bà Mai nói.
Khi sầu riêng đã già, vỏ chuyển sang màu vàng đồng, khoảng cách giữa các gai lớn, lấy dao chích nhẹ trên cuống thấy nhựa chảy ra ngọt là có thể hái. Để nhận biết sầu riêng ngon, người ăn có thể dùng cán dao gõ nhẹ vào quả, nếu nghe tiếng kêu bộp bộp, thấy cuống sâu nghĩa là sầu riêng dày cơm, ngọt và thơm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã