Quản lý khó khăn
Số liệu từ Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho thấy: Cả nước hiện có hơn 8.500 chợ, trong đó chỉ có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97%. Các tỉnh tập trung nhiều chợ đầu mối là Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Nội, Đồng Tháp…, chủ yếu là chợ đầu mối nông sản tổng hợp.
Phát biểu tại Hội thảo "Phát triển chợ đầu mối tại Việt Nam" diễn ra sáng 27/6, tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay: Mạng lưới chợ đầu mối nông sản ở Việt Nam hiện nay dù đã có một số mô hình bước đầu phát triển khá tốt nhưng vẫn còn một số hạn chế.
Đa số chợ đầu mối vẫn áp dụng phương pháp giao dịch truyền thống (giao ngay) là chủ yếu, mua bán qua hợp đồng còn ít, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chủ yếu các thương mại gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại.
Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ mua bán như dịch vụ ngân hàng; dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ giám định và kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu; dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin thị trường… hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại các chợ, kể cả những chợ đầu mối nông sản quy mô lớn.
Về vấn đề nguồn vốn đầu tư cho chợ đầu mối, ông Hội thông tin thêm: Con số đầu tư cho một chợ khá cao, trung bình khoảng 40 tỷ đồng, trong khi nguồn từ ngân sách nhà nước còn rất hạn chế. Điều đáng nói là, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ đang đặt ra nhiều thách thức.
“Cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại cũng như chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, nhất là đối với chợ đầu mối chưa phù hợp. Đối tượng được hưởng trong phạm vi hẹp, hầu như không có chính sách ưu đãi như thuế, đất đai, tín dụng…”, ông Hội nói.
Liên quan tới vấn đề này, ông Đào Hà Chung, Chủ tịch Hội công nghệ cao TP. HCM bổ sung: Việc quản lý hàng hóa tại chợ đầu mối hiện nay khá khó khăn, làm sao hàng hóa vào chợ phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chứng từ, đảm bảo an toàn thực phẩm…
“Ví dụ đơn cử như tại các chợ đầu mối lớn là Bình Điền, Hóoc Môn…, một ngày có nhiều xe chở hàng hóa đi vào chợ. Làm sao để xe chở hàng hóa phải có đầy đủ chứng từ, xuất xứ, đánh giá được chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm… Ban quản lý chợ phải quản lý được điều này. Bên cạnh đó, khi có điều kiện phải quản lý cạnh tranh giá lành mạnh qua sàn giao dịch nhằm đảm bảo giá cả minh bạch, không thao túng thị trường…”, ông Chung nói.
Hoàn thiện cơ chế
Để khắc phục hạn chế, thúc đẩy phát triển chợ đầu mối, ông Hội cho rằng một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại. Các bộ ngành có liên quan hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mại, trong đó có chợ đầu mối, đồng thời nghiên cứu rà soát sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan nhằm hỗ trợ, khuyến khích công tác đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển các hệ thống giao thông đường bộ kết nối chợ đầu mối với các khu, cụm cư dân; trung tâm kinh tế, thị trấn, thị xã, thành phố; vùng sản xuất nông nghiệp tập trung…
Một số quan điểm cho rằng, cần giám sát và thực thi tiêu chuẩn để đưa hàng hóa ra thị trường thông qua các chợ đầu mối một cách chặt chẽ, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Các biện pháp có thể sử dụng như: Phân cấp giám sát từ lúc đóng gói, xây dựng cơ chế truy tìm nguồn gốc nơi sản xuất, cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng nông sản… cùng với hàng loạt các biện pháp kiểm tra, kiểm định để quản lý quá trình sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm hàng lưu thông trong chợ.
Còn theo ông Bùi Bá Chính, phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia Việt Nam: Hiện nay, công cụ mã số, mã vạch sẽ giúp bảo vệ được nhà sản xuất, nhà phân phối cũng như người tiêu dùng trong việc xác định được chất lượng, giá trị sản phẩm có đúng như công bố.
Hiện nay, tại nhiều chợ đầu mối đang sử dụng công nghệ mã vạch để quản lý sản phẩm hàng hóa vào chợ. Tuy nhiên, các công ty này chưa làm theo tiểu chuẩn truy xuất nguồn gốc toàn cầu mà theo tư duy nhỏ lẻ của doanh nghiệp.
Ông Chính nhấn mạnh: “Sắp tới, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia Việt Nam sẽ xây dựng tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc để tất cả các công ty ở Việt Nam làm cùng một tiêu chuẩn. Lúc đó, các giải pháp, cơ sở dữ liệu mà các công ty này xây dựng sẽ kết nối được với nhau, tạo ra giá trị lớn, tạo được hiệu quả mang tính chất quốc gia cũng như quốc tế”.
Theo Báo Hải Quan