Học tập đạo đức HCM

365 ngày chuyển giao văn minh lúa nước cho xứ thiên đường

Thứ tư - 27/06/2018 22:24
Venezuela-đất nước từng được ví như thiên đường dưới hạ giới vì ngập tràn phúc lợi xã hội nhờ thời kỳ thịnh vượng của giầu mỏ thì giờ đây đang vật lộn với lạm phát phi mã, khủng hoảng tài chính và nạn đói lan tràn...

Chính vì vậy, họ cần chúng tôi, những chuyên gia nông nghiệp Việt Nam đến để chuyển giao nền văn minh lúa nước...  

Những thay đổi trong bữa ăn hàng ngày

Tháng 4 năm 2015 Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh dẫn đầu một đoàn đi Venezuela để khảo sát tình hình. Đến tháng 8 năm 2015 hai nước chính thức ký hiệp định hợp tác nông nghiệp nhưng tận cuối năm 2016 mới khởi động được chương trình do thủ tục và do cả tác động của cuộc khủng hoảng tài chính. Mục tiêu lúc đầu của phía bạn rất lớn, muốn Việt Nam “xuất khẩu” luôn cả một mô hình làng Việt trồng lúa nước với diện tích hàng trăm ha sang cho nông dân Venezuela học tập nhưng sau đó do có nhiều khó khăn mà chỉ thực hiện được theo kiểu vết dầu loang.

15-09-31_chuyen_gi_viet_ben_ruong_lu_venezuel
Chuyên gia Việt Nam bên ruộng lúa

Sau khi nghỉ hưu ở Cục Trồng trọt, tôi - Trần Quang Chiểu nộp đơn xin đi chuyên gia Venezuela. Cùng đợt đầu với tôi có ông Nguyễn Văn Tạo-Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, tôi sang ngày 3/5/2017 và về đúng ngày 3/5/2018. Cảm giác đầu tiên với chúng tôi là sự choáng ngợp bởi quỹ đất lúa khổng lồ của bạn: 9 triệu ha, hầu hết là bỏ hoang trong khi dân số chỉ khoảng 30 triệu người so với Việt Nam có 3,7 triệu ha lúa mà vẫn nuôi nổi hơn 90 triệu người và còn xuất khẩu gạo top đầu thế giới.

Nếu ở Châu Phi nơi tôi từng đi chuyên gia, nông dân còn dùng vỏ ốc để cắt lúa thì ngược lại ở Venezuela người ta dùng máy cày cỡ lớn để làm đất, thu hoạch toàn bộ bằng máy gặt đập liên hợp thậm chí ở các trang trại tư nhân họ gieo hạt bằng máy bay, phun thuốc bằng máy bay, hiện đại đến mức không tưởng. Một trang trại diện tích từ 400-500 ha là điều hết sức bình thường. Nhưng diện tích đất tư nhân kiểu vậy chiếm tỷ lệ rất ít trong khi diện tích làm theo kiểu tập thể lại lớn nên hiệu quả thấp.

Quốc gia từng giàu có nhất nhì Nam Mỹ này hiện đang phải vật lộn với lạm phát kỷ lục. Lúc tôi sang, 4.000 Bolivar ở chợ đen đổi được 1 USD nhưng lúc về, sau 1 năm đã trượt giá khoảng 200 lần trong khi tỷ giá nhà nước hầu như vẫn vậy. Lúc tôi sang, buổi sáng công nhân lái máy cày ở Nông trường mang tên “Công ty Thủy lợi xã hội chủ nghĩa Guarico” thuộc bang Guarico nơi chúng tôi công tác thường mua những cái bánh mì rất to cắt ra chia nhau ăn, không có bơ để phết nhưng vẫn có cà phê để uống, bữa trưa lúc thì cơm lúc thì mì ống.

3 tháng sau, bữa sáng đã không thấy có bánh mì, cà phê nữa. Chắc họ cũng có ăn nhưng là bánh ngô hay thứ gì đó rẻ hơn để thay thế. Bữa trưa nhiều người đi làm cũng không thấy mang gì theo nữa. Tất nhiên chỉ là thiếu ăn chứ không đói đến mức chết như ngả rạ năm 1945 ở ta.

15-09-31_mot_goc_thnh_pho_o_venezuel
Một góc thành phố ở Venezuela

Nguyễn Xuân Dũng-Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông-một chuyên gia đã sang Venezuela nhiều lần bảo với tôi rằng: Đúng là có những người phải nhặt nhạnh, kiếm sống ở bãi rác (Việt Nam cũng có nhiều người như thế) nhưng tầng lớp nghèo đói vẫn chỉ là thiểu số. Báo chí phương tây vốn ghét sẵn Venezuela nên đã bi lụy hóa vấn đề nhưng thực tế không đến nỗi đói kém như vậy.

Chính Phủ bạn vẫn duy trì cung cấp được một phần lương thực hay phát chẩn cho dân. Dân chúng vẫn cứ ăn mặc đẹp, đa số vẫn béo tốt, khỏe mạnh và nhất là cán bộ. Đời sống tinh thần của họ luôn luôn vui vẻ mang đặc trưng Nam Mỹ. Chỉ cần một chút rượu và nhạc nổi lên là có thể nhảy cả buổi, thâu đêm suốt sáng. Thường dịp sinh nhật, cuối tuần hay các bữa tiệc đều có nhảy nhót.

Bởi vậy mà các cơ quan đều có sân sinh hoạt chung, nơi đó bố trí loa đài đầy đủ cho các buổi khiêu vũ kiểu này. Dân Venezuela được cái rất hay tươi cười. Không thể phân biệt được người giàu kẻ nghèo qua nụ cười, qua khuôn mặt như dân Việt, ai có tiền cái là biết ngay, ai cháy rỗng túi cũng biết ngay. Dường như vật chất không bao giờ đóng khuôn lên mặt họ…  

Sự khác biệt giữa văn minh lúa nước và thực tế

Lê Quốc Thanh-Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận định: “Chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa nước chính là chuyển giao nền văn minh lúa nước. Gốc của nó từ nước, nếu như không có điều tiết nước sẽ không có lúa nước mà thành ra lúa cạn. Ở ta thiết kế đồng ruộng chi tiết đến mức muốn nước ngập 3cm là 3cm, ngập 5 cm là ngập 5 cm, nhờ thế mà đạt năng suất rất cao.

Một góc Venezuela
Chúng tôi lôi cuốn người dân Venezuela nhập cuộc bằng phương pháp du kích như chia sẻ từ cả lương chuyên gia đến từng cân gạo cùng họ.

Ruộng bậc thang ở miền núi chính là đỉnh cao của việc điều tiết nước. Mặt ruộng phẳng như mặt gương. Tại sao ruộng bậc thang lại có mảnh to, mảnh bé? Bởi nếu chỉ làm to hơn là không thể điều tiết được nước. Người Thái sở dĩ làm lúa nước tốt vì biết làm những cái đập ở trên suối để dẫn nước vào từng thửa ruộng một. Người Mông ở trên cao không có suối thì dùng những ống tre đặt vào mó nước để dẫn về ruộng. Đấy chính là nền văn minh lúa nước của ta. Chúng ngấm vào từng người nông dân Việt, giúp họ biết làm lúa như thế nào, biết kiểm soát sâu bệnh ra sao, biết “sờ nắn” tất cả những thứ xảy ra đối với cây lúa”.

Những cánh đồng của Venezuela trước đây cũng trồng lúa hoặc mới chuyển từ rừng, từ đồng cỏ sang. Nông dân ở đây canh tác lúa nước theo kiểu…lúa mì. Người ta gieo hạt khô rồi mới cho nước vào. Các đập thủy lợi khổng lồ, các hồ chứa nước to như biển cả đến mùa khô toàn bộ là tưới tự chảy, rất hiện đại. Tuy nhiên nước đến được đầu bờ nhưng có khi không đến được cuối thửa bởi độ vênh của mặt ruộng .

Người Venezuela làm ruộng với quy mô đại công nghiệp, máy móc cỡ lớn và hiện đại nhưng có một điều quan trọng nhất họ lại thiếu là kiểm soát nước. Mặt ruộng phải bằng phẳng như gương mới mong kiểm soát được nước. Một số ruộng ở các nông trại tư nhân nhỏ vẫn làm tốt, kiểm soát được nước nhưng không trở thành quy trình, không trở thành văn minh của họ.

Buổi sáng, người nổ máy lên thì hết dầu, người động đến máy thì đứt xích. Máy không phải của cá nhân, hôm trước người này lái, hôm sau người nọ lái, có khi 3-4 tháng để giữa trời mà không che đậy. Nay bảo thiếu, bảo hỏng cái này, mai bảo thiếu, bảo hỏng cái khác nhưng mà chỉ cho một tí gạo là có khi mai máy lại chạy.

Với các HTX, nông trường khổng lồ có những băng ruộng rộng tới 30 ha, chúng tôi không thể hình dung họ sẽ điều tiết nước thế nào. 30 ha mà làm mặt ruộng phẳng lì như mặt gương là điều không thể. Bởi vậy cùng một cánh đồng, trên cao khô hạn lúa không nảy mầm được còn dưới thấp trũng lụt đến nửa mét thối hết cả giống. Cũng có chỗ lúa tốt, năng suất đạt được 7 tấn/ha như Việt Nam nhưng chỉ là thiểu số. Tính ra bình quân chỉ đạt khoảng 3 tấn/ha.

Cũng bởi vì không kiểm soát được nước trên mặt ruộng mà nạn cỏ dại lan tràn. Đủ các loại cỏ chứ không chỉ đơn giản như lồng vực ở ta. Diện tích nhỏ buộc phải nhổ cỏ bằng tay. Cánh chuyên gia chúng tôi cũng phải nhập cuộc. Những diện tích lớn hơn phải dùng đến thuốc trừ cỏ. Tiếng là nhập khẩu nhưng do để lâu ngày, có thứ thuốc đã hết hạn từ 2012 nhưng vẫn phải dùng nên không mấy tác dụng. Cỏ mọc tốt hơn cả lúa nên chúng tôi mới tính đến cách gửi thuốc từ Việt Nam sang. Đường hàng không dĩ nhiên là bị từ chối nên chỉ có đi đường biển, mọi thứ đều rất chậm.

Đang quen với cảnh không phải lo đến cái ăn ở Việt Nam vừa chân ướt chân ráo sang đây chúng tôi đã sợ…đói. Gạo cực kỳ khan hiếm, mang hộ chiếu ra xếp hàng ngoài siêu thị từ sáng đến trưa mới đầu còn mua được 3 kg về sau tụt xuống còn 2 kg và không phải ngày nào cũng có.

Do vậy, khi chúng tôi phải nhờ đến những chủ trang trại thông thạo chợ đen mua giúp cho được 30 kg, sau đó mua thêm được 70 kg rồi 100kg nữa về tích trữ mới tạm yên tâm vì 6 tháng đầu chỉ có 2 chuyên gia cùng 1 phiên dịch sang nhưng 6 tháng sau đã là 7 người. Giá gạo chợ đen không đắt, chỉ khoảng 1 USD/kg nhưng do dân không có tiền nên không thể mua nổi.

Chúng tôi đưa sang 20 giống thử nghiệm qua 3 vụ, trong đó chọn được 5 giống năng suất đều gấp đôi hoặc hơn so với giống của bạn. Những giống này được nhanh chóng nhân ra để dành cho các vụ sau. Vừa kết thúc đợt khảo nghiệm chúng tôi đã nhân được trên 5 tấn giống, đây là cách làm tắt để chạy theo nạn đói đang mỗi ngày một mở rộng.

15-09-31_xep_hng_mu_bn
Xếp hàng mua bán

Đến vụ gặt tháng 4 năm 2018, ngoài 5 tấn thóc giống ra chúng tôi đã có 2 tấn thóc để ăn, hoàn toàn có thể kê cao gối mà ngủ. Thóc gạo không chỉ đủ cho đoàn chuyên gia Việt Nam mà thỉnh thoảng còn có thể giúp đỡ riêng những người công nhân, nông dân đang hợp tác với chúng tôi, mỗi lần 5-10 kg gạo.

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG (GHI)/ Nông nghiệp
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập663
  • Hôm nay83,709
  • Tháng hiện tại819,819
  • Tổng lượt truy cập93,197,483
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây