Học tập đạo đức HCM

Con tôm, cá tra ta ở Hoa Kỳ: [Bài 3] Bài học và lời kết

Chủ nhật - 29/11/2020 09:21
Sản phẩm tôm bán vào Hoa Kỳ khá đa dạng, có những mặt hàng cao cấp như tôm ring, tôm luộc, tôm chiên, bao bột… vào các hệ thống phân phối lớn, nổi tiếng.
Chế biến tôm xuất khẩu.

Chế biến tôm xuất khẩu.

Cá tra, chủ yếu là cá phi lê, lẻ loi về mẫu mã. Cá tra cũng có mặt hàng chế biến sâu hơn nhưng chưa nhiều. Kim ngạch xuất khẩu cá thị trường này chỉ phân nửa so tôm.

Tuy nhiên, mỗi lĩnh vực đều có tầm vóc của nó, có tác động tới kinh tế xã hội không nhỏ, không thể coi nhẹ mảng nào. Bài học gì rút ra ở thị trường Hoa Kỳ sau diễn biến đã nêu ra cho cá tra lẫn con tôm của ta? Đây là câu hỏi khó, tồn tại lâu chưa có phản hồi tương xứng, hoàn chỉnh.

 + Vai trò của VASEP cực kỳ quan trọng. Buôn có bạn, bán có phường, ở đây VASEP là thủ lĩnh phường. VASEP chuẩn bị tốt nhân sự, chuẩn bị tốt chiến lược ở từng tình huống sẽ có kết quả tốt hơn. Dĩ nhiên, sai sót, nếu có, sẽ tăng thêm kinh nghiệm, bản lĩnh về sau. Chứ không phải là điều để hoài tưởng, phê phán. Ai mà không có sơ suất, sai sót!

 + Ý thức cộng đồng, chia sẻ của các DN tham gia từng vụ việc. Trong đó DN lớn có tác động, tầm ảnh hưởng lớn càng phải nên làm gương.

Thực tế diễn ra suốt chặng đường dài từ khi có vụ kiện cá (tháng 6/2002) đến nay cho thấy VASEP luôn chủ quan nỗ lực lo lắng, toan tính để hai vụ kiện cá, tôm đi vào con đường ít gập ghềnh nhất. Đã có kết quả khá khả quan về tổng thể, nên cá tôm ta còn bơi qua được biển Đông.

Tuy nhiên, do là hai vụ kiện “tiên phong” chưa ai có kinh nghiệm nên cũng có sai sót không nhỏ xảy ra. Như phân tích, đây không là điều để phê phán. Có điều cần nói là sự tập họp các DN cá sau khi PR1 có kết quả không tốt.

Từ đó đến nay, các DN cá hầu như mạnh ai nấy lo, có kế hoạch riêng của mình trong ứng phó vụ kiện. Vai trò VASEP càng lúc càng lu mờ. Thiếu tính cộng đồng chia sẻ, và các DN cá luôn là đối thủ quyết liệt của nhau, dẫn đến phân hoá mạnh, dẫn đến thị trường HK không có nhiều DN cá tham gia.

Riêng bên tôm, vai trò VASEP nổi bật hơn. Có lẽ các đời chủ tịch VASEP đều là người điều hành DN tôm, nên thấu hiểu hoàn cảnh hơn, lo lắng tốt hơn và nhất là càng về sau càng biết rút kinh nghiệm.

Suốt chặng đường cam go, từ khi khởi đầu vụ kiện (tháng 12/2003) đến nay, các DN thể hiện sự đoàn kết trong việc thực hiện các chủ trương VASEP nêu ra và đã được bàn luận thống nhất.

Sự điều hành khá công tâm và đúng đắn của VASEP trong thời gian dài đã có tác động tới tính cộng đồng, ý thức chia sẻ khó khăn chung để cùng nhau tồn tại của số đông DN tôm tham gia thị trường HK. Tôi chỉ nói ý thức của số đông, chứ không phải là tất cả.

Thương trường là chiến trường. Trên chiến trường mọi đối thủ là “kẻ địch”, dù đó là đối thủ nào, gần xa, ngoài nước trong nước. Bản chất thương trường là vậy.

Các DN cá, tôm ta đâu ai làm gì sai. Bản chất của thương nhân tham gia thương trường là kiếm tiền. Chắc chắn như vậy. Nhưng điều đáng suy nghĩ trong thời buổi hiện nay là kiếm tiền cách nào nhiều nhưng bền vững và nhất là không gây tổn thương qua đáng người khác, không gây tổn hại môi trường. Có nghĩa đồng tiền có được, tốt hơn là nó phải sạch.  

Nhu cầu con người đa dạng, theo tháp nhu cầu Maslow, có năm bậc. Bậc thấp được no ấm, an toàn; bậc cao là muốn được tôn trọng, vinh danh. Đó là lẽ thường.

Người càng được đáp ứng nhu cầu mức cao chứng tỏ thành công trong sự nghiệp. Đó là cái nhiều người trong nhiều lĩnh vực phấn đấu vươn tới.

Quay lại chuyện tham gia thương trường để có tiền, có tiền chỉ mới tới bậc ba thôi. Muốn được quý trọng (bậc bốn) và muốn được công nhận là thành đạt (bậc năm) tưởng dễ mà không phải dễ.

Bạn có tiền, học rộng nhà cao mà văn hóa “thấp” thì ai quý trọng. Bạn giàu nhưng đối xử chung quanh (đồng nghiệp, người lao động, cộng đồng…) không thân thiện, không chia sẻ cũng không ai quan tâm tới bạn.

Bạn làm ăn phát đạt nhưng đi liền là các “chiêu” sát hại đối thủ không nương tay cũng chỉ làm cho dư luận xã hội coi thường bạn thôi, thậm chí còn ghét bỏ.

Bây giờ, phân tích các hiện thực xã hội, có người cho rằng đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, không sai. Đi liền đó, đạo đức kinh doanh cũng trở thành xa xỉ phẩm!

Trở lại chuyện con tôm, con cá ta; rất may dù có DN thủy sản này khá quyết liệt trong cạnh tranh, gây cảnh lên bờ xuống ruộng cho đối thủ… nhưng cuối cùng khá ổn thỏa; không có DN “chết” vì cạnh tranh.

Các DN tôm cá ”chết” không ít, phân tích sâu chủ yếu do hệ thống quản trị quá kém. Theo phim kiếm hiệp là chưa đủ thập bát ban võ nghệ đã sớm hạ sơn!

Đặc biệt ở các thị trường đang thâm nhập; DN tôm, cá ta cạnh tranh ở thị trường Hoa Kỳ là quyết liệt hơn hết, bộc lộ rõ nét hơn nhờ diễn biến hai vụ kiện tôm và cá.

Các DN lớn tỏ ra chiếm ưu thế trong thời gian dài; các DN còn lại đâu thể chịu yên. VASEP là trọng tài trong một số thi thố. Tiếc là “quy chế thi đấu” chưa hoàn thiện, cho nên đôi khi cả… ba bên đều cho mình đúng.

Tuy nhiên, may mắn ở lúc này, bối cảnh chung là bức tranh có màu khá sáng. Có thể có chút may mắn có gam màu đó, nhưng không thể không kể sự chung tay góp sức của một số thương nhân còn có chút tâm đáng quý trong hoàn cảnh này.

Chế biến cá tra xuất khẩu.

Chế biến cá tra xuất khẩu.

Nhưng công tâm mà nói, các DN lớn cá tôm có áp lực lên điều  hành VASEP hay không? Và bản thân các DN lớn này trên hành trình tiến về phía trước có để lại “sóng to gió lớn” cho các con tàu DN nhỏ hơn không?

Tôi không có ý phê phán ai, tôi muốn VASEP phải rũ bỏ lớp áo đã lấm tấm bùn, mạnh mẽ hơn, là chỗ dựa tin cậy cho toàn bộ hội viên là DN lớn lẫn nhỏ.

Cho nên lời thật mất lòng nhưng không nói há lẽ phải tự ru trong vòng tròn lẩn quẩn. DN lớn có ưu thế là quá rõ, nhưng trong chừng mực nào đó ưu thế của người này là thất thế của người kia.

Tóm lại, thị trường Hoa Kỳ là thị trường lớn cho cả cá tra và tôm của ta trong thời gian dài và khả năng vẫn là thị trường lớn cho hai ngành hàng này trong dài hạn.

Để giữ được chân ở đây, các thương nhân cá, tôm của ta đã hao tâm tổn sức không ít. Trong giai đoạn hiện nay, mọi vấn đề nên được giải quyết theo cái nhìn mới nhân văn hơn, mang tính toàn cầu và bền vững.

Mỗi DN trong chuỗi gía trị hay chuỗi cung ứng đều có mối liên hệ hữu cơ trong chuỗi, thậm chí sống chết cùng nhau.

Mặt khác, tầm vóc ngành hàng của DN sẽ nâng cao nếu ngành hàng đó có nhiều DN lớn, có ảnh hưởng lớn sức cung... thuận lợi là đầu toàn thúc đầy toàn chuỗi.

Như vậy, sự quan tâm cộng đồng, sự thân tình chia sẻ trong chuỗi và trong ngành là những điểm các thương nhân nên quan tâm đầy đủ hơn.

Hành trình dài phải có bạn…, một lãnh đạo đáng kính đã khuyên như vậy. Sự đoàn kết hơn của các thương nhân tôm, cá ta chắc chắn có tác động toàn ngành, sẽ làm giảm lực cản đồng thời tăng thực lực, sẽ có một chuyển động lớn thật sự.

Có như vậy, mục tiêu Chính phủ đưa ra cho ngành mới thêm yếu tố tích cực để hoàn thành. (Hết)

Hồ Quốc Lực

(Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta)
Nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập353
  • Hôm nay37,008
  • Tháng hiện tại218,894
  • Tổng lượt truy cập90,282,287
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây