Phát triển cây cao su tại vùng Tây Bắc là chủ trương lớn, với kỳ vọng giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thoát nghèo.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm kể từ khi triển khai mô hình góp đất với các công ty cao su (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam), đã nảy sinh không ít bất cập cần sớm có giải pháp tháo gỡ để có thể phát triển cây cao su bền vững, qua đó giúp ổn định và nâng cao đời sống người dân…
Đa mục đích
Năm 2008, giá mủ cao su trên thị trường thế giới ở mức đỉnh điểm (năm đó giá xuất khẩu cao su SVR3L đạt trung bình 2663 USD/tấn). Cũng năm đó, cao su được công nhận là cây đa mục đích. Với chức năng mới này, diện tích cao su được trồng mới hoặc mở rộng tại nhiều địa phương. Tại vùng Tây Bắc, mô hình người dân góp đất trong quỹ đất canh tác với các công ty của Nhà nước để trồng cao su bắt đầu hình thành.
Mô hình hộ dân góp đất để hợp tác với các công ty của Tập đoàn Cao su Việt Nam để phát triển cao su được thí điểm tại Sơn La. Trên 30.000ha, chủ yếu từ nguồn đất canh tác của các hộ đồng bào dân tộc, đã được góp cùng với các công ty cao su.
Việc phát triển cao su tại Tây Bắc thông qua mô hình người dân góp đất đặt ra nhiều kỳ vọng, cả về kinh tế, xã hội và môi trường (góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán sản xuất, khai thác có hiệu quả đất trống, đồi trọc, bảo vệ đất, tăng diện tích che phủ, quy hoạch dân cư, nâng cao kỹ năng, trình độ cho người lao động, quy hoạch giao thông, đô thị...). Các hộ dân khi góp đất trồng cao su đều hy vọng loại cây trồng được ví như “vàng trắng” sẽ giúp họ nâng cao thu nhập, thoát cảnh đói nghèo; vùng Tây Bắc sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn...
Phát triển và mở rộng diện tích trồng cao su ở Tây Bắc hầu hết được thực hiện thông qua mô hình liên kết (thường được gọi là mô hình góp đất trồng cao su) giữa công ty cao su - các công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các hộ dân. Trong mô hình này, các hộ dân góp đất nương rẫy, được Chính phủ giao sử dụng ổn định lâu dài, trước đó hộ được canh tác các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như ngô, sắn, mía; kết hợp với công ty cao su để phát triển cao su.
Hợp đồng góp đất phát triển cao su được ký kết giữa công ty và hộ gia đình. Hộ góp 1ha đất trở lên sẽ được công ty nhận 1 lao động vào làm việc và được trả lương. Đất mà hộ góp vào mô hình được được tính là nguồn vốn của hộ góp vào liên kết, với 1ha đất góp được định giá là 10 triệu đồng, tương đương 10.000 cổ phiếu, hay 10% trong tổng đầu tư cho 1ha tính đến thời điểm cây cao su bắt đầu cho mủ (khoảng 6-7 năm từ lúc trồng). Hộ sẽ được hưởng lợi tức từ việc khai thác mủ tương đương với tỷ lệ góp vốn của hộ (10%).
Đối với các hộ góp đất, sau 10 năm góp đất phát triển mô hình, đời sống của nhiều hộ đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề. Tác động lớn nhất là hộ bị giảm diện tích đất canh tác và thu nhập từ đất - nguồn thu nhập chính của hầu hết các hộ - giảm nghiêm trọng so với thu nhập trước khi góp đất. Chính vì thế, thời điểm cây cao su được trồng với mục tiêu “xóa đói giảm nghèo” xưa đã bắt đầu đủ tuổi khai thác mủ cũng chính là lúc nhìn nhận thấu đáo về bài toán kinh tế của cây trồng này trên vùng đất Tây Bắc.
Thực tế “khác xa” kỳ vọng
Dự án trồng cao su ở Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đổi thay cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Gắn kết với người dân với tư cách là đơn vị ký hợp đồng trực tiếp nhận đất là các công ty con của Tập đoàn Cao su Việt Nam. Các công ty con này là đơn vị trực tiếp nhận thành viên của các hộ góp đất vào làm công nhân. Công nhân của công ty được trả lương, bảo hiểm giống như công nhân chính thức của công ty.
Tuy nhiên, do tác động của suy thoái thị trường thế giới về tiêu thụ mủ cao su, giá mủ cao su giảm dần, có lúc chỉ bằng 1/3 so với mức giá tại thời điểm cao nhất. Những yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng, giá và năng suất mủ cao su không được như kỳ vọng… đã tác động không nhỏ đối với cuộc sống của các hộ tham gia góp đất. Hầu hết các hộ chưa có lợi ích từ cao su, bởi phần lớn các diện tích mặc dù đến tuổi khai thác nhưng do giá thấp, công ty quyết định không khai thác để tránh lỗ. Bên cạnh đó, bà con thiếu việc làm, thu nhập giảm đáng kể. Đến nay vẫn chưa có một tổng kết đánh giá nào về hiệu quả mặc dù mô hình góp đất trồng cao su đã kết thúc giai đoạn thực hiện thí điểm tại Sơn La.
Theo đại diện Tổ chức Forest Trend, khảo sát nhanh tại 6 cộng đồng ở Sơn La của nhóm nghiên cứu tiến hành trong tháng 2-3/2019 cho thấy, lợi ích mà các hộ thu được thực tế từ cao su đến nay thấp hơn nhiều so với lợi ích mà họ thu được từ các loại cây hàng năm như lúa, ngô, sắn mà hộ trồng trên cùng diện tích trước khi góp với công ty để trồng cao su.
Cụ thể, đến nay bình quân mỗi hộ tham gia mô hình nhận được trên dưới 500.000 đồng, tương đương dưới 2-3% thu nhập từ các loại cây trồng như ngô và sắn với diện tích tương đương.
Khoảng 75% số hộ tham gia khảo sát cho rằng, thu nhập của hộ giảm so với trước khi tham gia góp đất trồng cao su. Cụ thể, 9% số hộ cho rằng thu nhập của mình giảm trên 80%, 38% số hộ cho rằng thu nhập giảm 40-80%.
Ông Lò Văn Hùng (hộ dân góp đất trồng cao su ở Mai Sơn - Sơn La) chia sẻ, gia đình góp đất trồng cây cao su đến nay đã được 11 năm mà chưa được hưởng bất kỳ lợi ích gì từ cây cao su. Trong khi đó, nhiều hộ dân khác cho biết, sau hơn chục năm trời góp đất trồng cao su, hộ nhiều được chia vài triệu đồng...
Theo ý kiến của nhiều hộ gia đình, khi vận động người dân góp đất, cán bộ của công ty và chính quyền địa phương đưa ra nhiều lời hứa, về lợi ích cho người dân trong 6-7 năm sau trồng, về tiếp cận với vay ưu đãi phát triển sản xuất, về các hỗ trợ chuyển đổi mô hình sinh kế. Tuy nhiên, hầu hết các lời hứa này không được thực hiện. Điều này làm cho người dân mất lòng tin vào công ty và cán bộ địa phương, mất lòng tin vào mô hình.
Liên quan đến bản hợp đồng của một hộ dân đã ký với công ty cao su đã được UBND xã xác nhận, TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trend nói: “Trong hợp đồng góp đất, các điều khoản về quyền lợi và trách nhiệm giữa các bên đều không rõ ràng. Ngoài ra, hoàn toàn không có các điều khoản liên quan đến rủi ro trong việc vận hành mô hình và cơ chế giải quyết rủi ro. Tính pháp lý của hợp đồng cần phải xem xét”.
Như vậy, tác động của mô hình này đối với sinh kế của người dân vùng Tây Bắc là hoàn toàn không nhỏ, đặc biệt đây là vùng đồng bào dân tộc và vùng có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất nước. Thật trớ trêu, cao su từng được kỳ vọng là cây giúp xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào của vùng Tây Bắc, nhưng khó khăn này hiện lại trở thành gánh nặng của các hộ dân. Cuộc sống của các hộ dân nghèo nơi đây đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Nhiều yếu tố chưa phù hợp
Trao đổi xung quanh câu chuyện cây cao su ở Tây Bắc, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững Việt Nam, cho biết: Đối với cây cao su, thường thì sau 6-7- 8 năm, và đường kính phải lớn hơn 12 - 13cm thì người ta đưa vào chích mủ. Cách đây 4 năm, tỉnh Lai Châu có mời tôi lên thăm các vườn cao su, khi đó tôi có nói, trên bản đồ của Lai Châu nếu có chỗ nào nhiệt độ trung bình trên 20 độ, tốt nhất 24 độ, độ cao không quá 700m so với mực nước biển, độ dốc phù hợp, không bị sương muối… thì trồng mới hiệu quả.
Tuy nhiên, theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, sau khi đi khảo sát các nơi thấy nhiều chỗ không phù hợp, chỗ phù hợp diện tích rất nhỏ. Không phù hợp bởi hệ sinh thái, khí hậu, đất đai không… phù hợp. “Trước đây Pháp có thử nghiệm một số nơi ở Phú Thọ, Điện Biên…, thấy kết quả không như mong muốn nên không trồng, họ có trồng ở phía Nam, trồng chỗ nào chắc chắn chỗ đó và không trồng ở Tây Bắc” - GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung nói.
Cùng quan điểm với ông Lung, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho biết: “Trồng cây cao su ở Sơn La thì phải nói cây cao su phát triển từ đâu, thực ra cây cao su không có lịch sử ở Việt Nam mà du nhập từ Brazil, Pháp họ đưa sang Việt Nam chứ không phải chính phủ mình nhập, đa số trồng ở vùng Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương và Tây Nguyên”.
Ngoài các yếu tố về sinh thái, khí hậu, môi trường thì GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng: “Nguyên tắc canh tác cao su phải phá rừng triệt để, cạo trọc thì mới trồng được, nếu mất rừng mà lại đúng vùng hay xảy ra lũ lụt, thậm chí gây nguy hiểm đến đồng bằng sông Hồng. Ở Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, thảm thực vật chỉ khoảng 40 – 50%”.
Về việc có nên tiếp tục phát triển cây cao su ở Tây Bắc, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng: “Ở Tây Bắc nên trồng các loài cây ăn quả, để bà con xóa đói giảm nghèo. Nếu chọn cao su là cây chủ lực thì không nên, trồng 10 năm mà chưa lấy mủ cần đánh giá xem nguyên nhân vì đâu. Trước đây ở Sơn La đã từng thất bại cây cà phê. Còn cao su đã lỡ trồng rồi nên chăm sóc để sau này khai thác. Hiện nên rút kinh nghiệm, đánh giá, kết hợp với các viện khoa học nghiên cứu xem có thích hợp không mới phát triển thêm, để đảm bảo đúng chủ trương của Nhà nước”.
Còn theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, các bên cần phối hợp với nhau để khắc phục, có cách xử lý để cuộc sống người dân được cải thiện, phát triển kinh tế. “Ngày xưa vận động người dân phá các loại cây khác để trồng cao su, giờ thấy không hiệu quả thì cần phối hợp với nhau để khắc phục. Cách xử lý như thế nào, có địa phương chuyển đó thành rừng gỗ, có địa phương trả lại cho dân, mỗi nơi có cách khắc phục khác nhau”, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung nói.
Cần cách nhìn toàn diện
Theo ông Hồ Anh Đức, Giám đốc Công ty Cao su Sơn La, những đánh giá của nhóm khảo sát chưa thực sự sâu sát bởi những đóng góp cho an sinh xã hội của doanh nghiệp trồng cao su là tương đối lớn. Hiện trên địa bàn Sơn La có 7.200 hộ góp đất trồng cao su với diện tích 6.039ha. Từ khi đứng chân ở địa phương, công ty đã đầu tư tới 1.200 tỷ đồng, riêng trả lương cho công nhân là 470 tỷ đồng; đã có 2.500 người dân được tuyển vào làm công nhân, có đóng bảo hiểm với thu nhập bình quân 2,9 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, Công ty Cao su Sơn La còn đầu tư xây dựng 13 nhà mẫu giáo cho con em công nhân trên địa bàn có vùng trồng cao su, các cháu đi học được hỗ trợ tiền ăn, công ty cũng cho 1.200 hộ vay vốn mua bò không tính lãi.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Lai Châu cho biết, đã có 8.700ha đất của gần 6.000 hộ dân được góp với công ty để trồng cao su, từ năm 2017, công ty bắt đầu khai thác mủ. Ngay trong năm đầu tiên khai thác, công ty đã chi trả 10% tiền góp đất cho nông dân với tổng số tiền 2,8 tỷ đồng, năm 2018 là 5,3 tỷ đồng; lương bình quân của cán bộ, công nhân đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng, các chế độ phúc lợi xã hội được đảm bảo đầy đủ.
“Đất góp trồng cao su chủ yếu là đất rừng nghèo kiệt, vả lại do mới ở chu kỳ khai thác nên năng suất mủ chưa cao, chúng tôi phấn đấu năng suất mủ đạt 1,4 tấn/ha cho chu kỳ 20 năm, khi năng suất được cải thiện, chắc chắn lợi tức của bà con sẽ tăng”, ông Thắng nói.
Từ những ý kiến trái chiều của doanh nghiệp và người dân xung quanh cây cao su Tây Bắc, ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, đề nghị các bộ ngành chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc tổng kết lại dự án, đánh giá lại mô hình để có hướng đi phù hợp, hài hòa lợi ích của các bên.
Theo TS. Võ Đình Tuyên (Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ), các doanh nghiệp trồng cao su nên rà soát lại diện tích đất trồng cao su, chỗ nào không phù hợp thì nên chuyển đổi. “Trong hoàn cảnh này, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo lợi ích của dân để cùng phát triển. Cũng cần có đánh giá sâu sát từ cả hai phía người dân và doanh nghiệp về dự án này, từ đó có những điều chỉnh phù hợp”, ông Tuyên nói.
Trên cơ sở những khảo sát thực tế mô hình người dân góp đất trồng cao su ở vùng Tây Bắc, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia nghiên cứu về rừng của Tổ chức Forest Trends tại Việt Nam kiến nghị: Cần có đánh giá toàn diện về mô hình góp đất trồng cao su hiện nay trên cả ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường như yêu cầu của Thủ tướng trong Quyết định 990/QĐ-TTg ngày 18/06/2014. Các kết quả đánh giá này nên được thực hiện liên tục. Cơ quan quản lý nên sử dụng kết quả này để làm nền cho việc xác định chiến lược giúp các hộ giảm thiểu rủi ro mà thị trường có thể đem lại.
Ông Tô Xuân Phúc trăn trở: “Thị trường cao su thế giới hiện nay “cung lớn hơn cầu” khiến mức giá xuất khẩu khó có thể tăng trở lại cho đến năm 2030. Với thông tin này, chúng ta không thể kỳ vọng mô hình góp đất trồng cao su sẽ có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các bên tham gia. Điều này đòi hỏi Chính quyền từ Trung ương đến địa phương, công ty và Tập đoàn Cao su Việt Nam cần có những giải pháp cấp bách để giảm khó khăn cho bà con tham gia mô hình. Các cơ quan quản lý cần rà soát toàn bộ hiện trạng sử dụng đất trong mô hình cũng như nguồn đất canh tác còn lại của các hộ. Kết quả rà soát sẽ giúp cho việc xác định các vấn đề có thể là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến các mâu thuẫn về đất đai và bất ổn xã hội trong tương lai, từ đó có giải pháp tháo gỡ. Đối thoại mở với sự tham gia của công ty, người dân tham gia mô hình và chính quyền địa phương, từ đó đưa ra giải pháp với sự đồng thuận của tất cả các bên”.
Đồng tình với ý kiến phải tìm hướng giải quyết ngay để ổn định đời sống người dân, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ: Khi vận động các hộ tham gia góp đất, chính quyền xã và công ty đã đưa ra những lời hứa về hiệu quả của mô hình đối với người dân góp đất, cũng như những hỗ trợ đối với người dân nhằm đảm bảo họ tham gia mô hình ổn định. Hiện tại, mô hình chưa hiệu quả và người dân cảm thấy bị bỏ rơi. Vì vậy, ở giai đoạn hiện tại, dù doanh nghiệp có thất thu thì cũng không để người dân phải chịu rủi ro.
Vì thế, theo GS Đặng Hùng Võ, cách duy nhất hiện nay để tháo gỡ vấn đề là hai bên cùng nhau điều chỉnh hợp đồng dưới sự giám sát của chính quyền. Trước đây, người dân tự nguyện góp đất để trồng cao su, giờ không đạt kết quả như mong muốn thì hai bên phải ngồi lại để bàn cách xử lý. Chính quyền tham gia cùng công ty cao su đối thoại trực tiếp với người dân để khắc phục, sao cho cuộc sống của người dân được đảm bảo tốt nhất.
Trong khi đó, Báo cáo “Ngành cao su Việt Nam về Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững” - sản phẩm hợp tác nghiên cứu của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức Forest Trends - cũng đưa ra các giải pháp về khía cạnh chính sách để ngành cao su phát triển bền vững trong hội nhập, vượt qua những khó khăn về thị trường. Trong đó, đưa ra hai giải pháp: Xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam, thông qua Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” được Hiệp hội Cao su Việt Nam; Thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc kiểm định mang tính chất độc lập và đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm cung ra thị trường.
Cùng với đó, ngành cao su cũng cần có những bước chuyển dịch hiệu quả để tái cơ cấu chuỗi cung, từ việc tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm thô sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; quan tâm phát triển thị trường nội địa...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã