Vụ cháy rừng trong đêm ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc gây thiệt hại 1,1 ha rừng.
Lúc 23h45 ngày 3/7, rừng tại khu vực khoảnh 1, tiểu khu 129B, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc bất ngờ bốc cháy. Địa phương đã điều động lực lượng lên tới 400 người để dập lửa.
Vụ cháy xảy ra trong đêm, lại ở địa hình khá dốc và có gió lớn nên ngọn lửa lan nhanh trên diện rộng khiến quá trình tiếp cận, chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Với những nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân địa phương, tới 1h30 sáng ngày 4/7, đám cháy mới được dập tắt.
Theo thống kê, diện tích rừng bị cháy là 1,1 ha, trong đó diện tích có rừng là 0,46 ha, chủ yếu là cây bụi, lau lách, keo và thông tái sinh.
Các lực lượng nỗ lực chữa cháy ở Phú Lộc gặp nhiều khó khăn do thời điểm cháy trong đêm, thời tiết nóng nực.
Trước đó, vào ngày 28/6, tại khu vực Rú Đỏ, xã Thuần Thiện (Can Lộc) cũng xảy ra một điểm phát lửa. Chính quyền địa phương đã điều động 200 người đến dập lửa. Đám cháy làm thiệt hại khoảng 1ha rừng bạch đàn. Nguyên nhân bước đầu được xác định là do trẻ em vào rừng đốt tổ ong bất cẩn để xảy ra sự cố.
Can Lộc hiện có 8.100 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó 6.500 ha là rừng dễ xảy ra cháy, gồm thông, keo, trải đều ở 16/18 xã, thị trấn với địa hình cao, dốc, hiểm trở, gây khó khăn cho việc tiếp cận chữa cháy nếu có sự cố xảy ra.
Lực lượng chức năng huyện Can Lộc phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra các khu vực rừng dễ cháy.
Ông Lê Ngọc Danh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Can Lộc cho hay: "Trong thời điểm nắng nóng gay gắt kéo dài, nguy cơ cháy rừng, nhất là với diện tích dễ cháy, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì thế, ngay từ đầu mùa hè, đơn vị đã tiến hành họp bàn, xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) với phương châm “phòng là chính” tới từng địa phương, chủ rừng và các hộ dân.
Các tổ, đội xung kích chữa cháy rừng cấp huyện, cấp xã với gần 500 người được thành lập. Các đơn vị đã tu sửa chòi canh lửa, 49km đường băng cản lửa trắng, 17km đường chữa cháy, phát dọn, giảm vật liệu cháy 140 ha; sửa chữa và mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc chữa cháy; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCCCR, ký cam kết về bảo vệ rừng cho 6.767 học sinh/17 trường học và 1.750 hộ dân sống gần rừng, ven rừng…".
Việc đưa vào vận hành hệ thống camera giúp lực lượng kiểm lâm giám sát rừng thuận lợi hơn.
“Vào cao điểm nắng nóng, các lực lượng bố trí trực 24/24h với 100% quân số, đảm bảo ứng cứu kịp thời khi có phát lửa, cháy rừng xảy ra.
Đơn vị cũng thành lập 5 điểm chốt chặn người ra, vào các khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao tại các xã: Thiên Lộc, Thuần Thiện, Thượng Lộc, Sơn Lộc, Phú Lộc” - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Can Lộc Lê Ngọc Danh thông tin thêm.
TX Kỳ Anh có 2.000 ha rừng dễ xảy ra cháy, tập trung ở xã Kỳ Hoa, phường Kỳ Trinh và Hưng Trí.
Tại TX Kỳ Anh – nơi có khu kinh tế, các cụm công nghiệp với nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đang tập trung cao nhất cho công tác PCCCR, bởi chỉ cần sự cố về cháy rừng thì nguy cơ ảnh hưởng tới hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp là rất lớn.
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX Kỳ Anh Đào Đức Giang cho hay: “Những năm trước, nguy cơ xảy ra cháy rừng xuất phát từ tranh chấp, mâu thuẫn giữa các hộ dân với nhau là khá lớn. Thời gian qua, đơn vị đã tập trung giải quyết các vướng mắc nhằm “ngăn chặn từ xa” để hạn chế nguyên nhân phát sinh từ người dân...”.
Việc cháy rừng ở khu vực gần các công trình, nhà máy ở TX Kỳ Anh tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu mùa nắng nóng, Hạt Kiểm lâm TX Kỳ Anh phối hợp với chính quyền các xã phường Kỳ Hoa, Kỳ Trinh, Hưng Trí cùng chủ rừng đi kiểm tra 2.000 ha rừng dễ cháy và khu vực rừng “nhạy cảm” như: gần Xăng dầu Vũng Áng, Đèo Ngang hay ven công trình trọng điểm, hệ thống truyền tải điện để phát dọn thực bì, xây dựng đường băng cản lửa, chuẩn bị các phương án chữa cháy.
Lực lượng chức năng lập chốt chặn, kiểm soát người ra vào khu vực rừng trọng điểm dễ xảy ra cháy.
Thời gian này, Hà Tĩnh đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt diện rộng kéo dài nhiều ngày. Trong đó, có những khu vực nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất trên 39 độ C. Nắng nóng, độ ẩm không khí thấp, kết hợp gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng lại càng hiện hữu.
Xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) phát hiện, xử lý kịp thời vụ việc người đi câu đốt lửa ở khu vực rừng hồ Khe Quả
Hà Tĩnh có gần 360.000 ha đất rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có gần 120.000 ha rừng dễ cháy, phân bố ở 12 địa phương, chủ yếu là thông, keo tràm, rừng tự nhiên nghèo kiệt. Tính tới thời điểm này, toàn tỉnh đã xảy ra 10 điểm phát lửa tại 5 địa phương, gồm: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Kỳ Anh, Lộc Hà. Với sự chủ động các phương án PCCCR, các điểm phát lửa được phát hiện sớm, huy động tối đa nhân lực, vật lực chữa cháy kịp thời nên không lan rộng. |
Việc gắn các biển cảnh báo cháy rừng, giúp người dân nâng cao ý thức trong PCCCR.
Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn cho hay: "Trước tình hình nắng nóng gay gắt, nhiệt độ luôn ở mức cao, nguy cơ xảy ra cháy rừng đang ở cấp nguy hiểm tới cấp cực kỳ nguy hiểm.
Bên cạnh các phương án, biện pháp PCCCR đã được triển khai thực hiện từ đầu mùa nắng nóng thì vào cao điểm, chúng tôi yêu cầu các đơn vị thông tin cấp dự báo cháy rừng hàng ngày tới từng chủ rừng, người dân trên địa bàn.
Các lực lượng sẻ phát thực bì PCCCR trong thời điểm nắng nóng gay gắt.
Thực hiện trực 24/24h, phát hiện sớm lửa rừng; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, nghiêm cấm tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vui chơi giải trí có phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ở khu vực trong rừng, ven rừng.
Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy rừng theo quy định của pháp luật".
Thúy Ngọc – Văn Đức/https://baohatinh.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;