Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, với nỗ lực của 2 nước và sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản cùng các đơn vị liên quan, Nhật Bản đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản mang tính chiến lược của Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây.
“Năm 2020, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 3,34 tỷ USD, tăng khoảng 1% so với năm 2019. Trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản đạt khoảng 1,14 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin thêm. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đánh giá cao việc hợp tác để đưa quả vải thiều Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.
“Chúng tôi luôn xem Nhật Bản là hình mẫu phát triển nông nghiệp, mang nhiều nét tương đồng với Việt Nam”, người đứng đầu ngành Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.
Hiện nay, khuôn khổ hợp tác song phương về nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được nhiều thỏa thuận. Trong đó có Tầm nhìn Hợp tác trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2 (2020-2024) đã ký tại Đối thoại cấp cao trực tuyến ngày 12/12/2020.
Bên cạnh đó là 5 Bản ghi nhớ cấp Bộ và các tổng cục giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam với Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản và Bộ đất đai, hạ tầng và giao thông Nhật Bản.
Về Tầm nhìn Hợp tác trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2 (2020-2024), Bộ trưởng đánh giá cao các dự án của Nhật Bản đã mang lại hiệu quả tích cực cho ngành NN-PTNT Việt Nam trong việc phát triển chuỗi giá trị, nâng cấp hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, căng cường nhân lực…
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn hợp tác để phát triển hệ thống hợp tác xã nông nghiệp của Việt Nam.
“Tôi hoàn toàn nhất trí với các đề xuất trọng tâm về hoàn thiên cơ sở hạ tầng nông nghiệp, thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, hợp tác trong hoạch định chính sách và đào tạo nhân lực chất lượng cao, mở rộng các mô hình thí điểm phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói với Đại sứ Yamada Takio.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề cập đến nội dung về kiểm dịch động thực vật giữa 2 nước. Trong đó quả nhãn tươi của Việt Nam dự kiến sẽ kết thúc thí nghiệm và đàm phán vào đầu năm 2022, còn đối với quả quýt Nhật Bản dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục vào cuối năm 2021.
Trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, Nhật Bản hiện nay là một trong những đối tác lớn của Việt Nam với 2 dự án lớn đang được triển khai gồm “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” tại Thừa Thiên Hiếu và dự án “Nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất khu vực miền núi phía Bắc”.
Về hợp tác giáo dục, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất với ông Yamada Takio việc mở thêm những mô hình tương tự Trường cấp 3 Nông nghiệp Nam Định ở Đồng Tháp và nhận được sự đồng thuận của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành Nông nghiệp Việt Nam cảm ơn phía Nhật Bản đã gửi tặng giống sen cổ Oga, hiện được duy trì tại Viện Rau quả và tại tỉnh Quảng Nam. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, là người con của Đất Sen hồng, trong thời gian tới ông hy vọng giống sen quý này sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương, trong đó có Đồng Tháp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết sẽ có thư gửi Bộ trưởng Nông lâm nghiệp Nhật Bản để đánh giá lại quá trình làm việc với nhau giữa các cơ quan của 2 Bộ và sắp xếp để sớm có cuộc làm việc giữa 2 Bộ trưởng, từ đó đưa ra tầm nhìn cho hợp tác trong tương lai.
Về phía mình, Đại sứ Yamada Takio khẳng định: “Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao năng lực của các hợp tác xã”.
Ông Yamada Takio cho biết thêm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và JICA của Nhật Bản đang xem xét triển khai việc đưa du học sinh Việt Nam sau khi học ở Nhật trở về sẽ tham gia làm nông nghiệp một cách tự chủ.
Liên quan vấn đề xuất khẩu một số loại hoa quả sang Nhật Bản như nhãn, mít… đại sứ Nhật Bản cho biết: “2 bên đang trao đổi rất chặt chẽ để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện”.
Đặc biệt Đại sứ Nhật Bản cho biết việc vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật Bản đạt được những hiệu quả hết sức tích cực: “Quả vải của tỉnh Bắc Giang có chất lượng rất cao, cách thức sản xuất cũng rất đúng quy trình, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý… Do đó, thương hiệu quả vải của Bắc Giang được rất nhiều người dân Nhật Bản biết tới”.
Tùng Đinh - Quang Dũng
https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;