Học tập đạo đức HCM

Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai - 12/07/2021 10:09
Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phát biểu bế mạc Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 khóa XIII, Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Thực hiện rà soát ngay các vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, Thông tư) liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, đất đai, quy hoạch, quản lý tài sản công, thuế,... khẩn trương đề xuất phương án xử lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng:

- Đối với các vướng mắc liên quan đến quy định của luật, pháp lệnh, báo cáo, đề xuất Chính phủ để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung theo quy định.

- Đối với các vướng mắc liên quan đến quy định tại các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung ngay theo trình tự, thủ tục rút gọn.

- Đối với các vướng mắc liên quan đến quy định tại các Thông tư, kiến nghị các Bộ khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Báo cáo rà soát, đề xuất gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 20/7/2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; khuyến khích kinh doanh, tiêu dùng bền vững.

Chương trình phấn đấu đến hết năm 2025, hằng năm, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (63/63) đều có hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Bảo đảm hằng năm ít nhất 200.000 người tiêu dùng trên cả nước được tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc được đào tạo kỹ năng về tiêu dùng, trong đó có những chương trình ưu tiên cho đối tượng người tiêu dùng yếu thế như học sinh, sinh viên, trẻ em, người cao tuổi, người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Tổ chức được ít nhất 500 khóa đào tạo, lớp tập huấn ngắn, trung và dài hạn trong và ngoài nước cho các cán bộ, công chức, người lao động làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Bảo đảm tối thiểu 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập được hội bảo vệ người tiêu dùng cấp tỉnh; tối thiểu 40 tỉnh, thành phố phát triển được mạng lưới tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới địa bàn quận, huyện.

Đồng thời, hình thành hệ thống tổ chức hòa giải về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên toàn quốc theo quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phát triển hệ thống tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng

Chương trình xây dựng, nâng cấp, phát triển, hoàn thiện và kết nối các hệ thống tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc; xây dựng, phát triển và triển khai một quy trình tư vấn, hướng dẫn chung cho các cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi toàn quốc.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hướng tới việc sử dụng, vận hành một hệ thống cơ sở dữ liệu chung và một quy trình tư vấn thống nhất cho các yêu cầu, khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng trên phạm vi toàn quốc tại các cơ quan, tổ chức tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình khuyến khích doanh nghiệp thực hiện quy tắc đạo đức ứng xử với người tiêu dùng, tiêu chí, chuẩn mực trong kinh doanh nhằm tối ưu hóa lợi ích của người tiêu dùng.

Bảo đảm 90% các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng được tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ tại các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tại các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trong đó tỷ lệ giải quyết khiếu nại thành công đạt trên 80% vụ việc được tiếp nhận.

Chương trình trên bao gồm các hoạt động, đề án đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được phê duyệt để thực hiện các nội dung quy định tại Điều 48, Điều 49 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 28, Điều 35 của Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các mục tiêu quy định trên.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình sẽ tập trung phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo những nội dung sau: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kiện toàn hệ thống cơ quan, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường công tác đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; xây dựng, nâng cấp, phát triển, hoàn thiện và kết nối các hệ thống tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc; triển khai các chương trình khuyến khích doanh nghiệp thực hiện quy tắc đạo đức ứng xử với người tiêu dùng, tiêu chí, chuẩn mực trong kinh doanh nhằm tối ưu hóa lợi ích của người tiêu dùng…

Phê chuẩn nhân sự 6 tỉnh

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa ký các quyết định phê chuẩn nhân sự 6 tỉnh: Kiên Giang, Tây Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cụ thể, đối với tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng ký Quyết định 1107/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Lâm Minh Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Đồng thời, Phó Thủ tướng ký Quyết định 1108/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với: Ông Nguyễn Đức Chín, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2016 – 2021; ông Nguyễn Thanh Nhàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2016 – 2021; ông Nguyễn Lưu Trung, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Đối với tỉnh Tây Ninh, Phó Thủ tướng ký Quyết định 1129/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Phó Thủ tướng ký Quyết định 1130/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với: Ông Võ Đức Trong, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2016 – 2021; ông Trần Văn Chiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2016 – 2021; ông Dương Văn Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 201 6 – 2021.

Đối với tỉnh Ninh Bình, Phó Thủ tướng ký Quyết định 1109/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Phó Thủ tướng ký Quyết định 1110/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với: Ông Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2016 – 2021; ông Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2016 – 2021; ông Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Đối với tỉnh Hưng Yên, Phó Thủ tướng ký Quyết định 1111/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Phó Thủ tướng ký Quyết định 1112/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với: Ông Đặng Ngọc Quỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2016 – 2021; ông Nguyễn Hùng Nam, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2016 – 2021; ông Nguyễn Duy Hưng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Đối với tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng ký Quyết định 1116/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Phó Thủ tướng ký Quyết định 1118/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với: Ông Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2016 – 2021; ông Lương Trọng Quỳnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2016 – 2021; bà Đoàn Thu Hà, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Đối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Phó Thủ tướng ký Quyết định 1127/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Phó Thủ tướng cũng ký Quyết định 1128/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với: Ông Trần Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhiệm kỳ 2016 – 2021; ông Lê Ngọc Khánh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhiệm kỳ 2016 – 2021; ông Nguyễn Công Vinh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Hướng dẫn triển khai đặc xá năm 2021

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá đã ký Hướng dẫn số 63/HD-HĐTVĐX triển khai thực hiện Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN ngày 30/6/2021 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021, trong đó hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục tiến hành xét đặc xá năm 2021.

Theo đó, đối tượng xét đặc xá gồm:

+ Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện (sau đây gọi là phạm nhân).

+ Người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Điều kiện được đề nghị đặc xá

Về một số quy định tại Điều 3 Quyết định về  đặc xá năm 2021 (điều kiện được đề nghị đặc xá), Hội đồng tư vấn đặc xá hướng dẫn cụ thể như sau:

1- Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Quyết định về đặc xá năm 2021 là quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá và đã được quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 52/2019/NĐ-CP ngày 14/6/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá (sau đây gọi là Nghị định số 52).

Theo điểm c khoản 1 Điều 18 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 9/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự thì xếp loại chấp hành án phạt tù quý II vào ngày 25 tháng 5. Do đó, ngoài các quý đã đủ thời gian xếp loại trong thời gian chấp hành án phạt tù được xếp loại khá hoặc tốt thì thời gian tiếp theo từ ngày 26 tháng 5 năm 2021 đến ngày trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện họp xét, đề nghị đặc xá, phạm nhân được xét, đề nghị đặc xá phải được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên.

Đối với phạm nhân được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù hoặc bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đã trở lại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để tiếp tục chấp hành án, ngoài các quý đã đủ thời gian xếp loại trong thời gian chấp hành án phạt tù được xếp loại khá hoặc tốt còn phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý trong thời gian được tạm đình chỉ hoặc cơ sở y tế điều trị trong thời gian bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh xác nhận là trong thời gian được tạm đình chỉ hoặc bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.

2- Thời gian đã chấp hành án phạt tù là thời gian bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù trong trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, không kể thời gian được tại ngoại, được hoãn, tạm đình chỉ và thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Thời gian bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cũng được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù.

Thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được tính để trừ vào phần thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại.

Ví dụ: Nguyễn Văn A bị kết án 15 năm tù, bị bắt ngày 31/8/2011, tính đến ngày 31/8/2021, Nguyễn Văn A đã thực sự chấp hành được 10 năm, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 03 lần, tổng cộng là 02 năm, thì thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại là 03 năm.

3- Đối với quy định về thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp án phí, thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác:

+ Phạm nhân hoặc người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc nộp án phí nhưng được Tòa án quyết định miễn hình phạt tiền, miễn nộp án phí thì cũng đủ điều kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2021.

+ Phạm nhân hoặc người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2021 là một trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 52. Ngoài ra, một số trường hợp sau cũng được coi là đã thi hành xong bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác:

- Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì phải thực hiện xong hoàn toàn nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng 01 lần, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận. Nếu mới thực hiện được một phần nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng có thỏa thuận, xác nhận của đại diện hợp pháp của người bị hại hoặc của người được nhận cấp dưỡng về việc không phải tiếp tục thực hiện hoặc không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận.

- Trường hợp khi phạm tội là người dưới 18 tuổi quy định tại điểm d khoản 3 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2021 mà trong bản án, quyết định của Tòa án giao trách nhiệm thi hành bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác cho bố, mẹ hoặc người giám hộ thì phải có tài liệu chứng minh bố, mẹ hoặc người giám hộ đã thi hành xong bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự thụ lý vụ việc xác nhận.

+ Trường hợp người bị kết án phạt tù đã thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2021 là trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 52.

4- Trường hợp đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, đang mắc bệnh hiểm nghèo, đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2021 là các trường hợp được quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 4 Nghị định số 52.

Các trường hợp không được đề nghị đặc xá

Để thực hiện đúng quy định tại Điều 4 Quyết định về đặc xá năm 2021 (các trường hợp không được đề nghị đặc xá), Hội đồng tư vấn đặc xá hướng dẫn cụ thể một số nội dung như sau:

+ Căn cứ xác định các trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 4 Quyết định về đặc xá năm 2021 là các điểm, khoản, điều trong Bộ luật Hình sự mà Tòa án áp dụng khi quyết định hình phạt.

Đối với trường hợp cướp tài sản có sử dụng vũ khí quy định tại khoản 8 Điều 4 Quyết định về đặc xá năm 2021, ngoài căn cứ nêu trên còn căn cứ vào quy định tại Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để xác định vật mà người phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội có phải là vũ khí hay không.

+  Đối với trường hợp cướp tài sản nhiều lần, cướp giật tài sản nhiều lần, trộm cắp tài sản nhiều lần (từ hai lần trở lên) quy định tại khoản 8 Điều 4 Quyết định về đặc xá năm 2021:

Căn cứ để xác định phạm tội nhiều lần là số lần phạm tội thể hiện trong Bản án và mỗi lần phạm tội đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng một bản án hoặc phần Quyết định của Bản án có áp dụng điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 1999 hoặc điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 1999 hoặc điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ Luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Những trường hợp đang phải chấp hành hình phạt tổng hợp của nhiều bản án về cùng một tội danh mà trong mỗi bản án chỉ thể hiện phạm tội một lần thì vẫn là trường hợp phạm tội nhiều lần.

+ Căn cứ khẳng định đã sử dụng trái phép các chất ma túy đối với trường hợp quy định tại khoản 12 Điều 4 Quyết định về đặc xá năm 2021 là các tài liệu có trong hồ sơ phạm nhân như: Bản án; Cáo trạng; các tài liệu của Cơ quan điều tra; kết quả xét nghiệm của cơ quan y tế cấp huyện trở lên; Bản tự khai của phạm nhân có ghi rõ thời gian, số lần đã sử dụng chất ma túy... hoặc phiếu khám sức khỏe của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có chữ ký (hoặc điểm chỉ) của phạm nhân thừa nhận là đã sử dụng trái phép các chất ma túy./.

Theo Chinhphu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập165
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm162
  • Hôm nay41,778
  • Tháng hiện tại80,211
  • Tổng lượt truy cập88,758,545
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây