Học tập đạo đức HCM

Thủ tướng Chính phủ: Kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát và dập tắt dịch bệnh nhất là tại các địa phương, địa bàn trọng điểm

Chủ nhật - 30/05/2021 10:51
Sáng nay (29/5), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần "Chống dịch như chống giặc". Hội nghị được trực tuyến đến điểm cầu của 63 tỉnh, thành và các điểm cầu tại những huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành. Tỉnh Nghệ An kết nối hội nghị đến điểm cầu của các huyện, thành phố, thị xã.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình mới, diễn biến mới phức tạp hơn của dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn thì mới có thể kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh, đặc biệt tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp, theo tinh thần chung là “chống dịch như chống giặc”, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, thần tốc hơn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch phải hết sức tập trung, trách nhiệm với tinh thần tổng lực, toàn diện, tập trung trí tuệ, thời gian và công sức. 
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc Covid -19 trên thế giới hiện vượt mốc 170 triệu trường hợp mắc Covid -19. Trên thế giới, số trường hợp mắc trong tuần qua đã có xu hướng giảm. Tuy nhiên tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia đang đối mặt với làn sóng Covid -19 dữ dội, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế.
Tính đến 6h sáng 29/5, Việt Nam có tổng cộng 5.164 ca ghi nhận trong nước và 1.493 ca Covid -19 nhập cảnh.  Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 3.594 ca.
Một số ổ dịch đang diễn biến phức và có số ca tăng nhiều trong những ngày gần đây là: Ổ dịch liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng TP.HCM; ổ dịch tại khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh; ổ dịch tại công ty T&T, Hà Nội.
Có 8 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 mới. Từ ngày 29/4 đến nay đã xét nghiệm 1.132.626 mẫu cho 2.106.308 lượt người.
Đến nay, Việt Nam đã chữa khỏi cho 2.896 bệnh nhân Covid-19. Số ca tử vong là 47 trường hợp.
Theo nhận định của Bộ Y tế, tại Bắc Ninh, Bắc Giang dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch bùng phát với số ca mắc cao, dự báo lây lan trong các khu công nghiệp và ra cộng đồng. Các trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục được ghi nhận do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng nhưng cơ bản tình hình dịch bệnh tại hai địa phương đang cố gắng từng bước kiểm soát. Các trường hợp hầu hết đã được cách ly từ trước hoặc được phát hiện trong khu vực phong tỏa.
Một số địa phương, đặc biệt tại các đô thị tập trung đông người như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có thể tiếp tục ghi nhận tại các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện, kiểm soát từ các ổ dịch cũ hoặc từ các địa phương khác hoặc có nguồn lây nhập cảnh từ nước ngoài chưa được phát hiện.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay qua giải trình tự gen vi rút của các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng đang phổ biến là chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh. Trong đó, chủng của Ấn Độ đang phổ biến nhất, chủng Anh chỉ có ở Đà Nẵng và một số địa phương khác. 
Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, cơ quan y tế phát hiện ra chủng mới có sự lại tạo giữa Ấn Độ và Anh. Theo đó, trên chủng Ấn Độ có những đột biến gen của chủng Anh. Đặc điểm của chủng này lây nhanh phát tán rộng trong không khí, nồng độ vi rút trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh. Số ca mắc tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn.
Nguy cơ lây nhiễm ở các khu công nghiệp là cao nhất
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân tích cụ thể tình hình tại 4 địa phương dịch đang phức tạp. Tại Bắc Giang, số lượng mắc mới nhiều và có nguy cơ tăng liên quan đến khu công nghiệp; dự báo trong những ngày tới đây Bắc Giang sẽ tiếp tục có những ca mắc mới. Việc Bắc Giang dồn lực chống dịch sẽ giúp kiểm soát nhưng không thể kiểm soát được trong thời gian ngắn. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nguy cơ lây nhiễm cao ở các khu công nghiệp do mật độ công nhân đông, trong khi không gian nhà xưởng, công ty… có trần thấp, không khí kém, công nhân dùng chung nhà vệ sinh, đi xe chung và có trường hợp ở trọ chung.
Tại Bắc Ninh, những ngày gần đây thường xuyên có 50-100 ca mới mỗi ngày. Tuy nhiên các ca mới này hầu hết đã được cách ly từ trước hoặc ở trong khu công nghiệp đã được phong tỏa. Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp có khả năng phức tạp hơn.
Tại TP.HCM và Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao các biện pháp chống dịch bài bản, chủ động của hai thành phố để phong tỏa, cách ly, xét nghiệm, truy vết nhanh. Đây là cách làm đúng đắn, nâng cao mức độ chống dịch để cố gắng kiểm soát tốt tình hình.
Theo Bộ trưởng, hiện việc lây nhiễm ở các bệnh viện có giảm, nguy cơ lây nhiễm ở các khu công nghiệp là cao nhất. Vì vậy phải tìm giải pháp làm sao để phòng, chống dịch hiệu quả trong các khu công nghiệp. Đây là việc rất quan trọng vì trường học có thể cho học sinh nghỉ hạn chế lây nhiễm nhưng ở các khu công nghiệp khó cho công nhân nghỉ.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương đặt mục tiêu bảo vệ nghiêm ngặt các khu công nghiệp. Thực hiện phương án giãn cách, kế hoạch phòng, chống dịch cho từng nhà máy, khu công nghiệp. Đồng thời, lên kế hoạch giãn cách sản xuất, cần thiết có thể thực hiện ngay ở những khu, khâu sản xuất có nguy cơ cao; tăng cường quản lý công nhân tại nơi làm việc, phương tiện giao thông và tại nơi cư trú. Nếu không, chỉ 1 ca dương tính có thể lây nhiễm ngay cho toàn bộ khu công nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đơn vị xét nghiệm sàng lọc thường xuyên. Đơn vị có điều kiện thì xét nghiệm sàng lọc nhiều, nếu không cũng cố gắng đạt được 20% số người được xét nghiệm.
Riêng hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, tình hình diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong vài ngày tới. Do vậy, hai tỉnh này tùy tình hình thực tế có thể áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên phạm vi rộng hơn.
Tại hội nghị, các địa phương Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo cụ thể việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành cũng đã có một số chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch Covid -19 thời gian tới.
Tại tỉnh Nghệ An, hiện nay Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp khác đã có 128 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 28.226 lao động. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch bệnh Covid -19 về ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid -19 tại nơi làm việc và ký túc xá dành cho người lao động”. Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tổ chức rà soát, lập danh sách các trường hợp người lao động trở về từ các địa phương ghi nhận ca nhiễm Covid -19 trong cộng đồng; thực hiện khai báo y tế bắt buộc tại Trạm Y tế xã, phường nơi cư trú. Tạm ngừng tuyển dụng, điều chuyển lao động từ địa phương có ghi nhận trường hợp nhiễm Covid -19. Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 tại các doanh nghiệp; xây dựng Kế hoạch phòng chống dịch bệnh Covid -19; xây dựng các phương án cách ly, xử lý khi có trường hợp mắc Covid -19 tại các doanh nghiệp và trong toàn khu công nghiệp. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch Covid -19, chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch Covid -19 tại doanh nghiệp…
Kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát và dập tắt dịch bệnh nhất là tại các địa phương, các địa bàn trọng điểm
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, hiện nay chúng ta vẫn đang kiểm soát tình hình, nhưng tại một số địa phương tình hình, diễn biến dịch hết sức phức tạp khó kiểm soát. Biến chủng vi rút nguy hiểm, phức tạp hơn, gây bệnh nặng. Lây nhiễm từ cộng đồng sang khu công nghiệp, từ công nghiệp sang cộng đồng và xuất hiện trong các hoạt động đông người, trong các hoạt động tôn giáo…
Nguyên nhân của tình trạng trên theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là do một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn lơ là trong công tác phòng chống dịch; không nắm chắc tình hình, không đánh giá được tình hình và không đưa ra được biện pháp phù hợp. Một bộ phận nhân dân còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch.
“Công tác phòng chống dịch cũng đã được thực hiện tốt, góp phần quan trọng vào thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp” – Thủ tướng Chính phủ khẳng định.
Từ những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch Covid -19. Đó là, nắm chắc tình hình, kịp thời lãnh đạo chỉ đạo đúng hướng, quyết liệt và hiệu quả; tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định, có vận dụng sáng tạo linh hoạt vào điều kiện thực tế. Huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch như Y tế, quân đội, công an, các địa phương có dịch và đại đa số nhân dân trong công tác phòng chống dịch hiệu quả.
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành đặt mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết và trước hết. Kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát và dập tắt dịch bệnh nhất là tại các địa phương, các địa bàn trọng điểm. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh, an dân và an toàn. Tổ chức thật tốt kết thúc năm học 2020 – 2021.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra tinh thần chỉ đạo trong thời gian tới. Đó là, tinh thần chống dịch như chống giặc; tổng tiến công 1 cách toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong toàn hệ thống chính trị và toàn dân với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn. Tập trung cao hơn nhưng phải trọng tâm, trọng điểm để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình.
Phát huy những kết quả, thành quả đã đạt được trong các đợt chống dịch và những kết quả bước đầu trong phòng chống dịch đợt này để phát huy và vận dụng trong đợt chống dịch này trên cơ sở bám sát thực tiễn, linh hoạt, chủ động, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, huy động nguồn lực trong tuyên truyền, vận động lấy người dân là trung tâm trong chống dịch.
Nắm chắc và dự báo tốt tình hình. Kết hợp hài hòa, hợp lý và hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công; lấy tấn công là chính, là đột phá; phòng ngừa là cơ bản là chiến lược lâu dài. Không lơ là, mất cảnh giác; không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, bản lĩnh khi có dịch dẫn đến các quyết định kém hiệu quả.
Từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân nhất là người đúng đầu phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tinh thần yêu nước, tinh thần tất cả vì nhân dân và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình, căn cứ vào việc chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong phòng chống dịch. Lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, khuyến khích sáng tạo, đổi mới linh hoạt, chủ động trong phòng chống dịch. Chủ động trong công tác kiểm tra giám sát; đồng thời phân cấp, phân quyền cá thể hóa trách nhiệm để dễ theo dõi, dễ kiểm tra.
Đồng thời, vừa làm vừa rút kinh nghiệm cách làm hay, cách làm tốt, hiệu quả để bổ sung lý luận vào thực tiễn trong phòng chống dịch. Coi trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân phải biết, phải hiểu, cùng làm với các cấp chính quyền và cùng thụ hưởng các thành quả…  Lấy các khó khăn, phức tạp là động lực để phấn đấu, vươn lên, khẳng định ý chí của dân tộc trên tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc, tránh khuynh hướng khi khó khăn mất đoàn kết, đổ lỗi. Xử lý nghiêm tư tưởng, hành động, biểu hiện lợi dụng trong việc phòng chống dịch…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị bám sát tình hình, đưa ra các phương hướng phòng chống dịch có hiệu quả. Đồng thời chịu trách nhiệm trước các quyết định đưa ra. Vừa làm vừa hoàn thiện các thể chế, quy định chống dịch. Các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Tiếp tục thực hiện chiến lược vắc xin. Nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Phòng chống từ xa, từ sớm với phương châm 5K cộng với vắc xin, công nghệ. Phòng bệnh thường xuyên, điều trị tích cực hiệu quả.
Kiểm soát chặt chẽ nhập cảnh. Huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho công tác phòng chống dịch, nhất là mua vắc xin. Ban Quản ký các khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp phải tập trung bảo vệ sức khỏe cho công nhân. Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng chống dịch; hướng dẫn để người dân cùng hệ thống chính trị phòng chống dịch, chia sẻ khó khăn, phức tạp trong công tác phòng chống dịch; huy động sức lực của người dân trong phòng chống dịch…

Phương Thúy
http://nghean.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập137
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm126
  • Hôm nay40,140
  • Tháng hiện tại1,239,999
  • Tổng lượt truy cập88,595,069
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây