Học tập đạo đức HCM

'Vua' tràm thời hiện đại

Thứ tư - 27/10/2021 02:58
"Một trăm héc ta tràm mỗi năm cầm chắc mười tỷ. Mình bền lòng chặt dạ với cây tràm thì hổng lẽ khổ hoài hay sao?", ông Huỳnh Tư chia sẻ.

 "Đất đai không phụ người, chỉ có người phụ đất đai thôi"

Người ta hay nói câu: Có chí làm quan, có gan làm giàu. Tôi thì chỉ có nước liều chớ gan chắc chắn hổng có rồi. Nó hư banh tành té bẹ từ hồi năm 1994 cho tới nay. “Vua tràm” Huỳnh Tư nói một cách sảng khoái.

Thiệt ra, cái danh hiệu “vua tràm” không phải bây giờ mới có. Những năm 1980, ở vùng đất phèn của Mỹ Hòa, Trường Xuân đã từng vinh danh “vua tràm” Huỳnh Tấn Tước, người đã biến vùng đất phèn đồng khô cỏ cháy này thành những cánh rừng tràm xanh ngát từ những năm 1957.

Ông Huỳnh Tư sở hữu 100ha tràm, mỗi năm cầm chắc 10 tỷ đồng. Ảnh: H.N.

Ông Huỳnh Tư sở hữu 100ha tràm, mỗi năm cầm chắc 10 tỷ đồng. Ảnh: H.N.

Theo những người dân ba đời sống ở Mỹ Hòa – Trường Xuân thì nơi này hồi đó chỉ có trồng được tràm. Tràm từ Long An sang Tiền Giang qua Đồng Tháp thành một cánh rừng xanh bạt ngàn. Chính vì vậy mà bọn giặc không lúc nào ngưng bắn phá, đốt cháy để bộ đội, cán bộ ta không có chỗ ẩn núp. Còn bên ta thì vận động nhân dân trồng lại. Giặc đốt phá tới đâu, tràm mọc lên tới đó.

Những nhà văn “chuyên” về Đồng Tháp Mười thời đó như Anh Đức, Lê Văn Thảo, Nguyễn Quang Sáng từng có nhiều trang viết về các cánh rừng tràm ở Đồng Tháp Mười trong chiến tranh cho đến nay vẫn còn lay động tâm hồn người đọc.

Ấy vậy mà cây tràm như muốn trêu chọc những con người cần cù nơi đây. Hòa bình lập lại. Người dân Mỹ Hòa, Trường Xuân hồ hởi bắt tay vào trồng tràm. Tràm bén đất lớn lên chưa kịp thu hoạch thì một trận hỏa hoạn xảy ra. Cả ngàn héc ta tràm bị cháy. Hàng trăm hộ dân trắng tay. Vua tràm Huỳnh Tấn Tước âm thầm cùng với bà con tiếp tục trồng tràm. Nào ngờ, thêm lần nữa tràm mất giá. Người trồng tràm lao đao.

Giải thích chuyện này, anh Tư Hội – người có hơn nửa đời kinh doanh nghề cừ tràm ở Mỹ Hòa cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến việc tràm rớt giá, không ai mua là do các nhà thầu xây dựng không xài cừ tràm mà chuyển sang sử dụng cừ sạn, cừ bê tông, cọc nhựa… Tràm xứ này gần như đốn sạch. “Vua tràm” Huỳnh Tấn Tước và mấy người con ông cũng đành chuyển dần toàn bộ diện tích trồng tràm của gia đình mình sang trồng lúa.

Trong khi “vua tràm” Huỳnh Tấn Tước, người bỏ cả đời sống chết cùng cây tràm còn phải xót xa nhìn diện tích tràm mình gầy dựng ngót nghét năm mươi năm ngày càng thu hẹp dần thì ông Huỳnh Tư lại nghĩ khác. Cây tràm xuống giá thì ắt cũng có ngày lên giá. Ai phá bỏ không trồng tràm lại thì ông Huỳnh Tư tìm vào Trường Xuân mua đất trồng tràm. Mọi chuyện đều có cơ duyên của nó.

Ông Huỳnh Tư vốn xuất thân từ một công nhân lái máy cày rồi trở thành một đại lý bán các loại máy nông cụ nhỏ. Sau một lần lên Đắk Lắk định tìm nơi đầu tư và mở rộng việc kinh doanh các máy móc phục vụ nông nghiệp thì một cơn bệnh về gan khiến cho người đàn ông lực lưỡng đang ở độ tuổi chưa đầy bốn mươi phải gục ngã.

Mọi chuyện tùy duyên số chớ không thể cưỡng cầu. “Vua tràm Huỳnh Tư” giải thích cho sự có mặt của mình ở đây mà không hề có chút tiếc nuối gì khi ước mơ lập nên nghiệp lớn ở Tây Nguyên không thành. Những ngày đầu trở về nhà dưỡng bệnh, Huỳnh Tư nhìn cảnh cây tràm xứ mình lần lượt bị chặt phá dần dần mà xót xa trong dạ.

Nhất là tối đến, không ngủ được do căn bệnh gan hoành hành, Huỳnh Tư lại nhớ đến chuyện cây tràm. Biết bao ngôi nhà khang trang mọc lên, biết bao gia đình từng thoát nghèo, biết bao con em xung quanh được học đại học tất cả cũng từ cây tràm mà ra. Còn nay sao xơ xác, tiêu điều đến vậy.

Năm 1998, Huỳnh Tư bắt đầu mua đất. Giá đất một chỉ vàng một công, không chút đắn đo, nhà có bao nhiêu vàng tích lũy được ông đổ ra mua đất hết. Hồi chiến tranh gian khổ, nay tràm bị đốt, mai tràm bị bỏ bom ngã gục mà chú Út Tước (tức “vua tràm” Huỳnh Tấn Tước) đã cùng với bà con chịu đựng gian khó, đương đầu với sống chết để trồng tràm thì nay sung sướng như vầy mà tại sao mình không làm được.

Tràm nước là loại cây có khả năng chịu nước mặn và nước có độ phèn cao, trồng khoảng 3 – 4 năm có thể thu hoạch.

Tràm nước là loại cây có khả năng chịu nước mặn và nước có độ phèn cao, trồng khoảng 3 – 4 năm có thể thu hoạch.

Đất cải tạo xong, sạ giống kín hết không còn sót chỗ trống nào. Dự định sẽ có tràm con để bán cho những người xung quanh. Số còn lại thì trồng trên đất mình. Nào ngờ người tính không qua trời tính. Mùa nước nổi năm 2000 nhấn chìm hết toàn bộ diện tích tràm con gần 3 tháng tuổi chỉ chờ nước giựt là có thể đem trồng được. Vốn liếng mấy trăm cây vàng tích cóp từ những năm làm nghề mua bán các loại máy nông cụ hao hụt hơn nửa.

Mùa nước năm 2000 cướp trắng của Huỳnh Tư hơn tỷ bạc. Đất đai không phụ người, chỉ có người phụ đất đai thôi. Huỳnh Tư chợt nhớ văng vẳng bên tai câu nói của ai đó như nhắc nhớ mình phải bám đất mà sống. Thua keo này bày keo khác. Sẵn cái máu liều trong người, Huỳnh Tư tính tiếp chuyện làm ăn mới. Qua Tân Thạnh, Long An hợp đồng hùn trồng tràm với mấy người quen thì do cả tin bị gạt gẫm hơn chục cây vàng nữa.

"Am hiểu cho tận cùng thì ắt sẽ thành công"

‘Vua tràm” Huỳnh Tư thản nhiên kể lại những trần ai khổ ải của ngày đầu tiên bén duyên cùng cây tràm ở đất Mỹ Hòa, Trường Xuân. Trong con người ở tuổi gần bảy mươi với nhiều bệnh nan y trong người như viêm gan mãn tính, viêm thận mãn tính và tiểu đường đến độ phải tiêm thuốc hàng ngày vẫn tỏa lên một vẻ lạc quan trước cuộc sống.

Một trăm héc ta tràm nằm rải rác khắp nơi từ Mỹ Hòa vào Trường Xuân không bao giờ vắng mặt ông Huỳnh Tư. Cái đất Tháp Mười này nó kỳ lạ lắm. Phèn cỡ nào thì cỡ nhưng biết cách làm một chút là cây tràm sống được. Mà cái cách lên liếp trồng tràm, ông Huỳnh Tư cũng làm khác hơn người ta. "Bên Mộc Hóa (Long An) thì đào mương bề ngang một thước sâu một lớp len lấy đất lên liếp.

Còn ở miệt Cà Mau thì lên liếp bằng cách đào con kinh rộng bốn thước, sâu cả thước. Mình thì cứ bảy tám thước lớp đất mặt thì xẻ một con kinh rộng khoảng thước rưỡi, sâu cũng chừng đó lấy đất lên liếp là tràm đặt xuống tới đâu bén rễ tới đó. Mà tràm trồng để cung cấp cho các công trình xây dựng là cừ phải là loại tràm nước mới được. Chớ trồng phải tràm bông vàng thì bán không ai mua". Còn làm sao phân biệt hai loại này à.  - Dễ ẹc!

Tràm nước là loại cây có khả năng chịu nước mặn và nước có độ phèn cao, trồng khoảng 3 – 4 năm có thể đốn làm cừ được rồi. Khi đóm cây thể đạt 3 đến 5 thước, đường kính thân cây có  từ 6 phân đến tấc hai, thân thẳng và rất dẻo. Lá có màu xanh, hình trứng và đan so le, rộng khoảng một phân và dài chừng sáu phân.

Nói xong, anh còn bày cách cho tôi phân biệt thế nào là tràm gió, tràm bầu, tràm trà, tràm bông đỏ, tràm bông vàng, tràm liễu… để sau cùng thì chốt lại một câu: Mấy thứ đó ở đây không biết làm gì. Mình chỉ làm loại tràm cừ thôi. Làm cái gì cùng cần am hiểu cho tận cùng thì ắt sẽ thành công. Đó là bài học mà Huỳnh Tư rút ra sau bao năm lăn lộn với cây tràm.

Còn giá cả hiện này à. Qua năm 2000 trở đi, tràm cừ thêm một lần giảm giá đột ngột. Một công tràm chỉ bán được vài ba triệu không đủ chi phí thuê nhân công đốn và mua tràm giống trồng lại. May thay, tình trạng này chỉ kéo dài mấy mùa.

Nguyên nhân tại sao à? Nghe đâu cũng lại cọc nhồi, cọc ép gì đó nhưng cuối cùng vẫn chịu thua cây tràm. Lần nọ, mấy ông thầu xây dựng cho một công trình xây dựng khu công nghiệp nào đó ở Bình Dương ghé đây tìm mua cừ tràm hỏi ra mới biết các giám sát nước ngoài đòi phải dùng cừ tràm họ mới chịu.

Cây cừ ngoài yếu tố thẳng, phải dài đúng 4 thước, đường kính ngọn cừ phải đúng 6 phân trở lên. Họ nói cừ tràm của mình có khả năng chịu nước cực tốt hơn bất kỳ vật liệu nào mà giá thành rẻ nữa thì sao không sử dụng. Vậy là từ năm 2003 tới nay, giá tràm cứ tăng lên và giờ thì đạt ngưỡng như thời vàng son của những năm 1998 rồi. Tức xấp xỉ mười lăm hai mươi triệu một công tùy theo tràm tốt xấu. Một trăm héc ta tràm của tôi với giá cả hiện nay thì một năm mười tỷ là cầm chắc.

Mình bền lòng chặt dạ với cây tràm thì hổng lẽ khổ hoài hay sao? Còn “vua tràm” hả? Tôi lại nhớ chú Út Tước. Dù thời của chú chỉ 40 héc ta thôi nhưng là 40 héc ta trong sống chết, trong bom đạn với cả một tấm lòng yêu nước muốn có tràm thiệt nhiều để rừng che bộ đội, rừng vây quân thù như sinh thời chú thường hay nói.

Còn tôi, thì phải gian truân với đất đai, nhọc nhằn với cuộc đời lắm mới được như vầy. Mình nhiều thì diện tích có nhiều thiệt nhưng so với những người từng đổ xương máu khai phá vùng đất này, đó mới là những “vua tràm” thứ thiệt.

Theo lãnh đạo huyện Tháp Mười thì hiện nay, toàn huyện ngoài khoảng gần 300 héc ta tràm phòng hộ ở Gò Tháp không được phép khai thác. Khu vực Mỹ Hòa, Trường Xuân chỉ còn khoảng hơn một ngàn héc ta tràm được khai thác tràm cừ phục vụ cho xây dựng. Với sở hữu một trăm héc ta tràm như hiện nay, người dân địa phương gọi ông Huỳnh Tư là “Vua tràm” thời hiện đại không ngoa chút nào.

Hữu Nhân/https://nongnghiep.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập69
  • Hôm nay21,653
  • Tháng hiện tại52,161
  • Tổng lượt truy cập92,429,825
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây