Đặc trưng làng nghề
Lịch sử phát triển kinh tế cũng như lịch sử phát triển văn hóa của nước ta nói chung, Hà Tĩnh nói riêng luôn gắn liền với các làng nghề truyền thống. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ dân dã không chỉ là vật phẩm sinh hoạt hàng ngày mà còn mang biểu trưng cho phong tục, tập quán, văn hóa của cộng đồng dân cư. Thông qua các sản phẩm thủ công truyền thống, người ta có thể đánh giá được mức độ phát triển kinh tế, trình độ dân trí, đặc điểm nhân văn của mỗi làng quê.
Làng rèn Trung Lương. Ảnh: Quang Vinh |
Do đặc tính nông nghiệp và quan hệ làng xã Việt Nam, các ngành nghề thủ công được lựa chọn và dễ phát triển trong quy mô cá nhân rồi mở rộng thành quy mô gia đình. Dần dà, các nghề thủ công được truyền rộng ra, phát triển trong cả làng hoặc nhiều làng gần nhau theo nguyên tắc truyền nghề. Và bởi những lợi ích khác nhau do các nghề thủ công đem lại mà trong mỗi làng bắt đầu có sự phân hóa. Nghề đem lại lợi ích nhiều thì phát triển mạnh dần, ngược lại, những nghề hiệu quả thấp hay không phù hợp với làng thì dần bị mai một. Từ đó bắt đầu hình thành nên những làng chuyên sâu vào một nghề duy nhất nào đó, như làng gốm, làng chiếu, làng lụa, làng nón, làng chạm gỗ, làng đồ đồng, làng đan…
Hà Tĩnh với đủ các loại địa hình núi non, đồng bằng, biển cửa… cũng góp phần hình thành các làng nghề truyền thống đặc trưng, phản ánh rõ nét tập tục sinh hoạt cũng như đặc điểm văn hóa của từng vùng quê. Gắn với việc phục vụ đời sống dân sinh, ở các vùng quê đều có làng nghề mà sản phẩm gắn với đặc điểm tự nhiên. Ví như các làng bên chân núi thì hình thành nghề mộc, đan lát; làng ven sông dệt vải, làm chiếu; làng trung du có nghề làm nón, rèn đúc; làng ven biển làm mắm, muối…
Dấu ấn văn hóa trong một số làng nghề cổ
Trong ký ức của bà nội tôi, làng gốm Cẩm Trang là một trong những ngôi làng thơ mộng và mềm mại. Làng nằm ven sông Ngàn Sâu thuộc xã Đức Giang (nay thuộc Vũ Quang). Mỗi lần có việc ngang qua đó, thể nào bà tôi cũng chọn mua một vài vật dụng như chum, ché, hũ, nồi, bát, liễn… Làng gốm Cẩm Trang tồn tại khoảng từ thế kỷ XVII đến những năm 30 của thế kỷ XX, do một bộ phận cư dân miền Bắc di cư lập nên. Gốm Cẩm Trang tuy không thực sự tinh xảo và khá đơn điệu về kiểu dáng nhưng những hoa văn đắp nổi hình các con vật, hoa văn sóng biển… và độ bóng, màu sắc của sản phẩm đã thể hiện sự cần cù, độ khéo léo của bàn tay, khối óc người nông dân Cẩm Trang. Những vật dụng dùng cho gia đình cũng phản ánh tập quán sinh hoạt tự cung, tự cấp thời xưa của người dân nơi đây. Giờ đây, nhắc đến Cẩm Trang, nhiều người ở vùng hạ Hương Sơn, Vũ Quang đều nhớ về một ngôi làng ngày đêm rộn rã tiếng nệ đất, tiếng người mua bán…
Nghề dệt chiếu đang được nhiều hộ dân làng Nam Sơn - thị trấn Nghèn (Can Lộc) duy trì. |
Sự tài hoa, khéo léo của bàn tay, khối óc và thói quen sinh hoạt của người dân Hà Tĩnh còn để lại dấu ấn tại làng nghề thợ bạc Nam Trị. Làng Nam Trị thuộc địa phận 2 xã Thạch Trị và Thạch Lạc (Thạch Hà) ngày nay với nhiều tốp thợ chuyên làm nghề kim hoàn (chạm vàng, bạc). Sự tài hoa thể hiện bằng những hoa văn tinh xảo trên sản phẩm nữ trang. Các sản phẩm kim hoàn này cũng thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người dân nơi đây. Tương truyền, các nghệ nhân làng thợ bạc Nam Trị đã được vua Khải Định triệu vào cung để làm các sản phẩm mỹ nghệ như nhẫn, dây chuyền, quả đào, lư hương… gửi sang Pháp.
Cũng là một làng nằm ven sông, làng Việt Yên Hạ (Tùng Ảnh - Đức Thọ ngày nay) nổi tiếng cả nước về nghề dệt lụa. Lụa Hạ như một sản phẩm tất yếu của vùng quê bên sông La có bãi trồng dâu, có những người phụ nữ xinh đẹp, khéo léo. Từ thế kỷ XIX, lụa Hạ đã nổi tiếng trong nước: “Ai về Hà Tĩnh thì về/ Mặc áo lụa Hạ, uống nước chè Hương Sơn”.
Không chỉ có mặt trong thơ ca, hò vè, lụa Hạ còn được nhiều tài liệu của triều đình, của Pháp nhắc tới. Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa từ lâu đã là nghề phổ biến của những làng quê dọc các con sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu, La Giang…, nhưng thời bấy giờ, hầu như chỉ kéo tơ ngang để may mặc tự túc, riêng có ở Việt Yên Hạ, dệt lụa mới trở thành nghề chính của phụ nữ, thành sản phẩm hàng hóa được bán khắp các chợ quê, chợ tỉnh, thậm chí, đưa ra Bắc, vào Kinh… Không chỉ dệt nên những tấm lụa mềm, mát như dòng nước sông La, phụ nữ ở đây còn tìm tòi để học cách nhuộm lụa. Ngoài những màu tự nhiên như trắng, mỡ gà còn có lụa nhuộm da bài may quần áo cho đàn ông, nhuộm thâm may váy cho phụ nữ…
Nghề nón: Nón là Ba Giang - một trong những sản phẩm thủ công nổi tiếng một thời. |
Nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa sông Minh, làng nghề rèn Vân Chàng dưới chân núi Hồng Lĩnh là một trong những làng nghề cổ lâu đời của Hà Tĩnh. Những truyền thuyết xung quanh sự ra đời và phát triển của làng nghề phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người dân nơi đây. Tương truyền, ông Đùng ở trên núi Hồng Lĩnh, thấy dân không có cái để đào đất, chặt cây, cắt cỏ, bèn bới đất lấy sắt, nhổ cây trên núi đốt thành than và nung sắt rèn thành lưỡi cày, lưỡi cuốc, dao rựa, liềm hái phát cho mọi người trong làng. Ông còn dạy cho dân làng Vân Chàng làm nghề rèn sắt. Và từ đó, nghề rèn ở Nghệ Tĩnh ra đời và phát triển, trong đó có các làng như Vân Chàng, Trung Lương...
Để ghi nhớ công ơn của ông Đùng, làng Vân Chàng đã đúc tượng, lập đền thờ ông trên Rú Tiên và gọi là đền thờ ông Thánh Thợ. Thợ rèn Vân Chàng thời nào cũng tài hoa. Không chỉ sản xuất nông cụ phục vụ dân sinh, khi quốc biến, họ còn đem tay nghề của mình giúp nước, cứu dân. Trong kháng chiến chống Pháp, thợ rèn Vân Chàng, Trung Lương đã rèn hàng vạn mã tấu, kiếm, dao găm, sản xuất hơn 2.000 khẩu súng kíp, hàng chục tấn lựu đạn phục vụ dân quân, bộ đội.
Nghề truyền thống chính là gạch nối giữa đặc điểm tự nhiên và tập quán sinh hoạt của người dân các làng quê. Đó vừa là một sản phẩm được sinh ra từ văn hóa vùng miền, vừa tô đậm thêm đặc trưng văn hóa của một vùng. Theo thời gian, thói quen sinh hoạt, đời sống tinh thần tại các làng quê thay đổi, khiến cho nhiều nghề truyền thống bị mai một, thậm chí, nhiều nghề chỉ còn lại trong sử sách hoặc chuyện kể. Tuy vậy, dấu ấn văn hóa trong các làng nghề mãi mãi không bao giờ mất đi…
Anh Hoài
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;