Sau gần 70 ngày xuống giống, hơn 4 sào (sào 500m2) trồng đậu xanh theo mô hình CSA của gia đình anh Nguyễn Thành (trú tổ 2, thôn Phước Cẩm, xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã chuẩn bị cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng đậu xanh tươi tốt, trĩu quả của mình, anh Thành cho rằng, nếu biết đến mô hình này sớm thì những ruộng lúa bên cạnh của gia đình anh cũng đã chuyển qua canh tác cây đậu xanh. Bởi so với cây lúa thì cây đậu trong mô hình phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.
Anh Thành là 1 trong hơn 30 hộ dân ở xã Bình Tú được hợp phần 3, Dự án WB7 hỗ trợ giống đậu xanh và tập huấn kỹ thuật để canh tác. Đa phần, diện tích đậu xanh CSA ở xã Bình Tú trước đây người dân trong vùng sử dụng để trồng lúa nhưng không chủ động được nước tưới nên kém hiệu quả. Thế nhưng, khi chuyển đổi qua trồng loại cây này không những tránh được sự lãng phí đất nông nghiệp mà còn giúp bà con tăng thêm thu nhập.
Anh Thành cho biết, đánh giá qua ruộng đậu xanh mô hình nhà mình thì năng suất có thể đạt được khoảng trên 50kg/sào. Với giá bán trên thị trường hiện khoảng 35.000 đồng/kg thì tính ra mỗi sào mang lại cho gia đình anh thu nhập từ 1,8 - 2 triệu đồng.
Trong khi đó, nếu như trước đây, cũng diện tích 1 sào này mà canh tác lúa thì hiệu quả vô cùng thấp. Đặc biệt là trong vụ hè thu, do không chủ động được nguồn nước nên thường ruộng lúa thường xuyên đối mặt với khô hạn. Không đủ nước khiến cho cây phát triển kém. Cao nhất cũng chỉ cho lãi trên dưới 200.000 đồng/sào thậm chí chỉ vừa đủ vốn.
“Ngoài hiệu quả về kinh tế cao hơn trồng lúa thì mô hình đậu xanh CSA này cũng còn có nhiều ưu điểm khác. Thứ nhất là canh tác rất dễ, chi phí sản xuất cũng rất thấp. Từ khi xuống giống đến nay thì mỗi sào tôi chỉ bón khoảng 200 kg phân chuồng và 3kg phân NPK. Cây đậu xanh cũng cần ít nước hơn so với cây lúa nên rất phù hợp với đồng ruộng này”, anh Thành nói.
Cũng giống như Thành, vụ sản xuất năm nay gia đình bà Nguyễn Thị Vân (trú tổ 2, thôn Phước Cẩm, xã Bình Tú) cũng được hợp phần 3, dự án WB7 hỗ trợ giống đậu xanh để canh tác. Vừa thu hoạch đậu trên ruộng, bà Vân cho rằng, chưa bao giờ bà thấy cây đậu xanh đạt năng suất như năm nay. Không những cây cho nhiều quả, hạt chắc mà còn rất sạch sâu bệnh.
“Trước đây, 2 sào ruộng lúa này của tôi không đủ nước nên gia đình chuyển qua trồng các loại cây trồng khác như dưa gang, lạc và mè. Đến vụ này, được dự án hỗ trợ mô hình đậu xanh CSA, tôi tham gia và bây giờ cây đã cho thu hoạch, năng suất rất đạt.
Trong khi đó, cây đậu xanh trong mô hình nhà tôi từ lúc trồng đến nay không tốn nhiều chi phí, thời gian chăm sóc. Ước tính vụ này gia đình tôi có thêm nguồn thu khoảng hơn 2 triệu đồng từ cây đậu xanh, tăng thêm thu nhập cho gia đình”, bà Vân chia sẻ.
Ông Hồ Ngọc Quảng, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Thăng Bình cho biết, huyện này có khoảng 7.300 ha sản xuất lúa trong đó có 230ha không chủ động được nguồn nước nên cây lúa canh tác kém hiệu quả. Một trong số diện tích này huyện đã bố trí trồng cây đậu xanh theo mô hình CSA.
“Cây đậu xanh cũng là loại cây trồng quen thuộc với bà con nông dân nên họ cũng cơ bản đã nắm được cách canh tác loại cây này. Trước khi thực hiện mô hình, Trung tâm cũng đã tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn thêm kỹ thuật cho bà con. Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả qua cây đậu xanh CSA vụ vừa qua được bà con đánh giá cao”, ông Quảng nói.
Lê Khánh/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã