Lão "gàn dở" hơn 30 năm trồng phi lao
Chúng tôi tìm về Xuân Hội trong một ngày cuối tháng 8, gặp cụ Lán khi đang dạo bước ở rừng phi lao. Mặc dù ở cái tuổi 90 nhưng trông cụ vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Mời chúng tôi vào căn nhà nhỏ xập xệ cạnh rừng phi lao, cụ lau vội mấy cái ghế nhựa đã bạc màu, rót ly nước mời khách rồi cụ kể về câu chuyện đời mình.
Cụ Lán sinh ra trong gia đình có 3 anh em. Bố cụ đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh chống Pháp. Năm 1949, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên 17 tuổi Nguyễn văn Lán cùng các trai làng lên đường nhập ngũ.
Chiến sĩ Lán được phân về sư đoàn 304, đảm nhiệm vị trí chiến sĩ thông tin liên lạc khu vực các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Chiến đấu đến năm 1954, cụ bị thương nặng nên xuất ngũ trở về quê.
Tại địa phương, cụ được phân công vào vị trí thư ký hợp tác xã ngư nghiệp. Cùng với đó cụ tiếp tục công việc đánh bắt cá ngoài biển như một ngư dân truyền thống. Những tháng ngày đó, cụ Lán đã chứng kiến cảnh thiên tai phá nát làng quê của mình.
Dọc bờ biển đê chắn sóng còn chỉ được đắp bằng đất. Năm nào dân làng cũng phải tập trung lực lượng đắp đê. Nhưng cứ mùa mưa bão đến là đê lại bị vỡ, bao nhiêu tài sản của người dân bị cuốn trôi, nhiều người phải dắt díu nhau rời bỏ quê hương tha phương cầu thực.
Giữ vững tinh thần bám biển, bám quê hương, năm 1986, cụ Lán cùng vợ và các con tình nguyện làm đơn xin ra dựng lều trồng cây chắn sóng ven bờ biển Xuân Hội với mong muốn góp một phần nhỏ trong công cuộc chống thiên tai.
"Thời gian đầu, ở làng chài này từ nhỏ đến lớn ai cũng cho tôi "điên" mới đưa vợ con ra bãi cồn tha ma, vay mượn tiền bạc để trồng cây phi lao. Họ nghĩ rằng tui bị tâm thần sau khi đi lính bị thương trở về nên mới có những hành động gàn dở như vậy" - cụ Lán cười nhớ lại.
Cuộc sống nhiều khó khăn cùng với đó là sự dèm pha của thiên hạ, nhiều lúc cụ Lán cũng có ý định từ bỏ việc trồng rừng chắn cát, chắn sóng biển, nhưng nghĩ đến cái lợi lâu dài cụ lại vượt qua tất cả để tiếp tục thực hiện công việc. Không có nhiều tiền cụ phải trích một khoản nhỏ từ những chuyến ra khơi đánh bắt cá tôm để mua cây phi lao giống.
Anh Nguyễn Kiên (một ngư dân ở làng Xuân Hội), cho biết: "Trong làng ai cũng nghĩ cụ Lán bị điên khi bỏ nhiều công sức, tiền bạc để trồng cây phi lao. Nhưng đến thời điểm này ai cũng nhận ra tầm quan trọng mà rừng phi lao cụ đã trồng mang lại cho ngư dân và làng chài ven biển. Chúng tôi thật không biết nói gì hơn ngoài việc gửi lời cảm ơn đến ông Lán".
Thời điểm nhiều cây phi lao trồng lứa đầu có gỗ đã có nhiều người đến trao đổi "gạ" cụ Lán bán với giá mua cao nhưng cụ Lán từ chối. Cụ tâm niệm phải giữ bằng được từng cây phi lao, chỉ mở rộng diện tích trồng cây phí lao chứ không bao giờ bán cây.
Với suy nghĩ trồng rừng phi lao đã khó thì phải quyết bảo vệ từng cây, đến nay cụ Lán hơn 90 tuổi nhưng vẫn sống trong căn lều nhỏ cạnh rừng phi lao để trông nom, bảo vệ.
"Hiện tại sức khỏe của tôi cũng yếu rồi, chẳng biết mai sau còn gác nổi ở đây để bảo vệ rừng phi lao không nữa. Rồi sau này tôi có đi xa thì không biết họ có chặt cây hay phá rừng phi lao đi không. Mong sao có ai đó thay tôi bảo vệ rừng phi lao, bảo vệ cuộc sống cho dân làng chài này" – cụ Lán tâm sự.
"Hiệp sĩ" cứu người gặp nạn trên biển
Sinh ra, lớn lên, mưu sinh với nghề biển, hơn ai hết cụ Lán hiểu rõ sự đáng sợ của biển cả, của từng con sóng. Nhận thấy nguy hiểm cho tàu bè những lúc biển động cụ Lán chặt tre, nứa làm thành hàng chục ngọn hải đăng dọc cửa biển Xuân Hội.
Cụ kể rằng "Ngày trước tôi ra đây ở để bảo vệ rừng phi lao, nhưng nhiều lúc biển động, tôi lại thấy lo nên chạy ra dọc bờ biển để xem có tàu bè nào bị đắm hay có ai rơi xuống biển không. Năm 1993, tôi gặp 2 tàu lớn đang bị sa lầy không nhúc nhích, lúc đó tôi vội về lấy dao chặt những cây phi lao to để làm mỏ neo kéo hai chiếc tàu ra khỏi vũng lầy".
Đến người dân tại địa phương cũng phải thừa nhận rằng cụ Lán đã nhiều lần cứu thuyền, cứu người gặp nạn. Có lần cụ cứu được 37 người trên một chiếc thuyền chết máy đang trôi dạt ngoài biển. Lần khác cụ cứu được 5 cô gái đang vớt củi sau bão ở lạch bị thủy triều cuốn đi, trong số họ có một cô đang mang bầu.
Đến nay tổng cộng cụ đã cứu được 57 người, đó là chưa kể số con em trong làng được cụ cứu trong nhiều năm. Mong muốn báo đáp ân nghĩa của cụ nhiều người được cụ cứu đã xin nhận cụ làm cha nuôi.
"Các cháu không biết chứ hiện giờ con nuôi của tôi ở khắp đất nước Việt Nam mình rồi đấy" - cụ Lán vừa hướng mắt ra biển vừa nói.
Trao đổi với PV Báo điện tử DANVIET.VN, ông Nguyễn Tiến Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) cho hay: "Chính quyền địa phương, người dân luôn đánh giá cao và biết ơn việc làm ý nghĩa của cụ Lán. Việc trồng rừng phi lao của cụ góp phần chống xâm nhập mặn, giảm thiểu thiệt hại do bão giúp bà con ngư dân yên tâm phát triển kinh tế".
Anh Hùng - Minh Sơn/https://danviet.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã