Bắt nhịp mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) được biết đến là một địa phương phát triển về đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm, nuôi cá,… Nơi đây hiện có khoảng 2.000 ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản và là địa phương đứng tốp đầu của tỉnh Đồng Nai về nuôi trồng thuỷ sản.
Nhiều năm gần đây, huyện Nhơn Trạch còn nổi tiếng với mô hình nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang giúp nhiều nông dân đổi đời vì cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt trong số những người thành công nhờ nuôi tôm công nghệ cao có ông Nguyễn Trường Đại ngụ tại ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ông Đại hiện là "bậc thầy" trong nuôi tôm thẻ chân trắng với ứng dụng công nghệ cao.
Và nhiều năm qua, ao tôm của ông Đại luôn là địa chỉ đáng tin cậy để các kỹ sư, nông dân đến học hỏi, giao lưu trao đổi kinh nghiệm nuôi tôm công nghệ cao.
Trước những thành quả mà ông Đại đạt được, chúng tôi đã tìm về huyện Nhơn Trạch để gặp gỡ được người "Nông dân Việt Nam suất sắc" này. Men theo những cánh đồng lớn rồi bằng qua những con lạch nhỏ chúng tôi cũng tìm đến được vuông tôm của "tỷ phú nông dân"- ông Nguyễn Trường Đại.
Hiện ra trước mắt chúng tôi là người nông dân gầy gò thấp bé nhưng lại thoăn thoắt, chăm chỉ làm đủ mọi việc trên vuông tôm rộng cả chục ha. Thấy chúng tôi đến, ông Đại mời chúng tôi cùng thăm quan những vuông tôm gồm vị trí nuôi tôm, khu vực xử lý nước, xử lý chất thải,… và chia sẻ về quy trình nuôi tôm của mình.
Sau khi kết thúc hành trình tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ông Đại mời chúng tôi ngồi dưới những tán cây để kể về cuộc đời và những thăm trầm của ông gắn liền với nghề nuôi tôm trong hàng chục năm qua.
Ông Đại chia sẻ rằng sau gần 20 năm nuôi tôm theo kiểu truyền thống thì cuối năm 2015 gia đình ông đã quyết định chuyển từ mô hình nuôi tôm thẻ truyền thống bằng ao đất sang nuôi công nghệ cao trên ao nổi lót bạt.
Mặc dù quyết định ấy khiến gia đình phải vay mượn một số vốn lớn để đầu tư nuôi tôm công nghệ cao nhưng kết quả thu lại vô cùng lớn, trên cả mong đợi.
Theo ông Đại, trước đây, khi nuôi tôm theo mô hình truyền thống bằng ao đất toàn bộ diện tích 4ha mặt nước của gia đình đều được sử dụng làm ao nuôi nhưng năng suất tôm thu về không đáng kể, dịch bệnh triền miên.
Còn nuôi tôm công nghệ cao hay nuôi tôm thâm canh trong nhà lưới theo quy trình CPF (ao nuôi được lót bạt và phủ lưới) rất hiệu quả. Với cách nuôi này đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu chọn con tôm giống sạch bệnh, chất lượng đến tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào, sử dụng men vi sinh chứa vi khuẩn có lợi cạnh tranh, ức chế với vi khuẩn có hại.
Ao nuôi tôm được thiết kế để các chất thải, chất bẩn tập trung lắng xuống khu trũng ở đáy ao, người nuôi vệ sinh hằng ngày và hút các chất bẩn ra khỏi ao nuôi nên hạn chế được rủi ro dịch bệnh cho tôm nuôi, tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ vậy mà khoảng 90 ngày đã đạt trọng lượng khoảng 25-30 con/ kg và có thể xuất đi được.
Nuôi tôm công nghệ cao, vốn lớn nhưng lời cũng lớn
Và khi so sánh về hai hình thức nuôi tôm, ông Đại khẳng định lựa chọn chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông là hoàn toàn đúng đắn. Ban đầu nhiều người thấy tiền đầu tư lớn cũng "ớn", kêu rằng ông "liều", nhưng kết quả thu được khiến nhiều người ngạc nhiên.
Bởi suốt gần 20 năm gắn bó với vuông tôm truyền thống, mỗi năm chỉ nuôi được một vụ tôm dù công sức bỏ ra rất nhiều. hơn nữa doanh thu sẽ nằm ở mức khoảng 1/2 so với số vốn bỏ ra trong quá trình nuôi.
Tuy nhiên, nuôi tôm theo cách truyền thống (nuôi trong ao đất, lấy nước từ sông…) ngày càng không đảm bảo an toàn cho tôm, tôm dễ mắc dịch bệnh, tôm chết liên tục do ô nhiễm nguồn nước, nguồn nước không đảm bảo.
Thua lỗ liên tục vì tôm nuôi đến thời kỳ thu hoạch lại dính bệnh,… Do đó khi thấy Hội nông dân và trên báo đài nói nhiều về mô hình nuôi tôm công nghệ cao nên ông Đại đã mạnh dạn học hỏi và chuyển đổi sang mô hình hiện đại.
Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, kiểm soát được hội chứng chết sớm ở tôm nuôi, xử lý nguồn nước triệt để qua 3 giai đoạn, sử dụng các chất diệt khuẩn như Tthuốc tím (KMnO4) Iodine, BAC, Chlorine đã ngăn ngừa được tối đa các bệnh hay xảy ra trên tôm như bệnh đốm trắng, bệnh gan tụy cấp, bệnh do vi bào tử trùng…Nuôi tôm công nghệ cao làm tôm khoẻ mạnh, sinh trưởng phát triển tốt, tăng năng suất đầu ra.
"Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao này, tôi nuôi được từ 3-4 vụ/năm, mật độ nuôi dày hơn gấp nhiều lần so với cách nuôi truyền thống, do đó năng suất tăng, thu nhập cũng tăng. Nhờ đó thời gian trống ao nuôi không lâu, không gây lãng phí tài nguyên. Đặc biệt với giống tôm thẻ chân trắng gia đình tôi có thu nhập ổn định...", ông Nguyễn Trường Đại tiết lộ.
Mấy tháng gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid 19, giá tôm giảm mạnh, nhưng tôm nhà ông Đại vẫn bán được với giá 130.000-150.000 đồng/kg tôm cỡ 25-30 con/kg, cao hơn 20.000-40.000 đồng so với các hộ nuôi theo mô hình truyền thống.
Theo ông Đại, nếu chấp nhận bỏ vốn ra để nuôi hiện đại thì khoảng sau 2 vụ là thu lại được toàn bộ vốn bỏ ra ban đầu. Hiện nay mỗi năm nếu thuận lợi gia đình ông thu được khoảng gần 10 tỷ đồng, trừ đi các chi phí thì số dư vẫn khá ổn. Tuy nhiên vẫn rất nhiều hộ e dè chưa dám đầu tư số tiền lớn như vậy...
Từ hiệu quả mô hình nuôi tôm của ông Nguyễn Trường Đại, nhiều người dân địa phương đã học hỏi làm theo. Qua đó nhiều hộ cũng đổi đời nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao như ông Đại và được ông Đại truyền nghề, chỉ dẫn tận tình.
Đại diện phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho hay, năng suất tôm trung bình của các hộ ứng dụng công nghệ cao đạt 45 tấn/ha/vụ, doanh thu bình quân 2 tỷ đồng/ha. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương vận động, khuyến khích, hướng dẫn các hộ còn lại chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao để có thu nhập tốt hơn.
Lê Hữu Thiện, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai nói rằng ông Đại là nông dân sản xuất giỏi, một tổ trưởng tổ nuôi tôm VietGAP và nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Đồng Nai. Ông Đại là người tiên phong và chịu khó học hỏi mô hình nuôi tôm công nghệ cao và về ứng dụng lên vuông tôm của gia đình, giúp kinh tế gia đình đi lên.
Ngoài ra ông Đại cũng tham gia tích cực các phong trào của địa phương, nhất là của Hội nông dân. Ông Đại cũng giúp đỡ bà con nông dân khác áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao và dường như ai cũng thành công. Sản phẩm mà tổ hợp tác của ông Đại đạt được là sản phẩm tôm sạch, đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện nay, giá thành cao.
Còn ông Bùi Phước Đức, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai nói rằng với mô hình nuôi tôm công nghệ cao thì chi phí đầu tư ban đầu cho 1ha là khoảng 700 – 800 triệu đồng. Hiện Nhơn Trạch có 61 hộ nuôi tôm công nghệ này với diện tích khảng 91ha gồm ao nuôi và các ao xử lý.
Với những thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất và đóng góp vào phong trào thi đua của địa phương, ông Nguyễn Trường Đại được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020".
Nha Mẫn/https://danviet.vn/
https://danviet.vn/lieu-nuoi-tom-cong-nghe-cao-day-dac-tren-ao-noi-mot-nong-dan-tinh-dong-nai-thu-10-ty-moi-nam-20200826134138331.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã