Nhằm thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân, mô hình trồng cây dẻ đã được triển khai tại xã Quảng Lạc (TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Mô hình đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao do cây dẻ dễ trồng, dễ chăm sóc, sinh trưởng và phát triển tốt.
Đến thăm khu đồi trồng cây dẻ của gia đình anh Nguyễn Trung Hiếu (trú tại thôn Quảng Trung 2, xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn), PV Dân Việt mới thấy bất ngờ bởi những cây dẻ cao khoảng 3-5m, tán tròn, xòe rộng.
Những quả dẻ được bao phủ bởi một lớp gai mềm chi chít giống chôm chôm, nhưng có màu xanh nhạt. Những quả dẻ già có vỏ chuyển sang màu nâu, nứt vỏ, lộ ra hạt dẻ màu nâu bóng, nhẵn, cứng bên trong.
Anh Hiếu cho biết, trước đây, từ thời bố mẹ anh đã làm vườn đồi, thế nhưng những loại cây gia đình anh trồng như hồng, vải, mận đều không mang lại hiệu quả kinh tế cao, hay bị sâu bệnh phá hoại.
Đầu năm 2003, TP Lạng Sơn có chủ trương xây dựng mô hình thí điểm trồng giống dẻ mới. Bởi vậy, anh Hiếu mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dẻ.
Lúc đó, mặc dù không chắc chắn cây dẻ sẽ hợp thổ nhưỡng tỉnh Lạng Sơn, nhưng gia đình anh Hiếu vẫn quyết tâm trồng thử nghiệm 300 gốc dẻ.
Chỉ sau 2 năm chăm sóc, 300 gốc dẻ sinh trưởng tốt và bắt đầu bói quả. Kích thước hạt dẻ lớn, bùi, thơm, béo ngậy không kém hạt dẻ của tỉnh Cao Bằng.
“Ban đầu, tôi chỉ trồng thử 300 cây dẻ để thay thế dần vườn tạp. Sau thấy hiệu quả kinh tế, hạt dẻ bán chạy như tôm tươi nên năm 2006, gia đình tôi mới đầu tư trồng hẳn gần 3ha với hơn 1.500 cây dẻ nữa. Chưa có kinh nghiệm chăm sóc cây dẻ nên gia đình chủ yếu tự đúc rút kinh nghiệm từ thực tế và tham khảo thêm một số tài liệu. Hiện tại, gia đình tôi trồng hơn 7ha cây dẻ”, anh Hiếu chia sẻ.
Qua kinh nghiệm trồng dẻ lâu năm và tự mày mò tìm hiểu, từ năm 2013, anh Hiếu cũng đã tiến hành tự ghép để ươm giống cây dẻ. Hiện trong vườn ươm của gia đình anh Hiếu có 3.000 cây dẻ giống cung cấp ra thị trường.
Nhiều người cũng học tập mô hình trồng dẻ của anh Hiếu, cải tạo lại đất đồi trồng cây dẻ và bước đầu có hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, anh còn nhận hỗ trợ một số bà con tại địa phương về cây dẻ giống, kỹ thuật chăm sóc cây dẻ để mở rộng diện tích cây trồng này, đồng thời bao tiêu sản phẩm, tìm đầu ra cho người dân.
Nhiều năm phát triển kinh tế vườn đồi, gia đình bà Chu Thúy Sung (xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) vẫn khó khăn do các loại cây gia đình trồng không đem lại giá trị cao.
Năm 2000, được sự hỗ trợ của Công ty giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc, gia đình bà mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dẻ. Ban đầu, gia đình chỉ trồng vài chục cây để thay thế dần vườn tạp. Sau thấy hiệu quả, kinh tế cao, hạt dẻ có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu nên gia đình bà đầu tư trồng hẳn 3ha cây dẻ.
Bà Sung cho biết: "Cây dẻ dễ trồng, cũng rất dễ chăm sóc. Lứa đầu, gia đình tôi trồng 2 năm đã bói quả, đến năm thứ 3 năng suất ổn định 11-12kg/cây/năm, cá biệt có những cây cho đến 20kg hạt/năm. Thấy có hiệu quả nên tôi quyết định đầu tư trồng tiếp, mỗi hecta trồng được khoảng 300 cây dẻ".
Với năng suất thấp nhất khoảng 10kg hạt/cây/năm và mức giá như hiện nay, gia đình bà Sung thu trên 100 triệu đồng/ha/năm từ trồng cây dẻ.
Theo lãnh đạo xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) trên địa bàn xã hiện có 50ha trồng dẻ với hơn 100 hộ tham gia, tập trung chủ yếu tại thôn Quảng Trung, Quảng Hồng. Cây dẻ trồng được 3 năm đã bói quả, đến năm thứ 5, thứ 6 năng suất bắt đầu ổn định 12-15kg hạt/cây/năm, có những cây cho đến 20kg hạt/năm.
Trừ chi phí chăm sóc mỗi năm khoảng 60 triệu đồng, mỗi hộ gia đình có thể thu khoảng 90-120 triệu đồng/ha/năm từ cây dẻ. Qua đó từng bước phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.
Năm 2020, hạt dẻ Quảng Lạc đã được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vinh danh "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2020".
Thời gian tới, cùng với phát triển diện tích trồng cây dẻ, tiếp tục khẳng định thương hiệu “hạt dẻ Quảng Lạc”, các hộ gia đình tại đây sẽ gắn với mô hình phát triển du lịch, đón khách tham quan trải nghiệm công việc hái dẻ và thưởng thức hạt dẻ nóng hổi, thơm bùi và bở tung ngay tại nhà vườn.
Theo Tuấn Minh- Dân Việt
https://danviet.vn/lang-son-trong-cay-ra-thu-qua-day-long-day-gai-ben-trong-ngot-bui-dan-lang-ban-chay-nhu-tom-tuoi-20200823175646689.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã