Đến thời điểm hiện tại, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 tại khu vực ĐBSCL được Bộ Nông nghiệp đánh giá ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử khi ảnh hưởng trực tiếp đến 10/13 tỉnh vùng ĐBSCL với 130.000 ha vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng. Tại Vĩnh Long, diện tích các vùng cây ăn trái bị thiệt hại do hạn, mặn vào khoảng 7.000 ha đặc biệt là các vùng chuyên canh đặc sản nhạy cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt,… chủ yếu phân bố tại các xã cù lao như Đồng Phú, Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ), xã Thanh Bình (huyện Vũng Liêm) .
Mặc dù hiện tại độ mặn của các con sông trên địa bàn (sông Cổ Chiên, sông Măng Thít,..) đã giảm và mùa mưa 2020 đã góp phần giải nhiệt cho các vườn cây ăn trái. Tuy nhiên qua khảo sát hiện tại các vườn cây ăn trái này vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục tốt sau hạn mặn dù nhiều nhà vườn đã cung cấp thêm phân bón hóa học với mong muốn cây phục hồi nhanh. Việc sử dụng phân hóa học trong giai đoạn này không những tốn kém mà còn lãng phí vì cây trồng đang bị ngộ độc mặn, bộ rễ bị khống chế đến dẫn đến cây bị giảm sinh trưởng và suy kiệt nên không hấp thu được. Lúc này việc trước mắt cần làm là tạo điều kiện cho cây hồi phục lại bộ rễ đồng thời kết hợp tưới rửa mặn cho vườn cây bằng các biện pháp cụ thể sau:
- Cắt tỉa cành khô héo, chết và không cho cây mang trái để giúp cây hồi phục sinh trưởng;
- Nạo, vét mương vườn tích trữ nước để tưới rửa mặn thường xuyên cho đất;
- Sử dụng vôi hòa nước tưới với liều lượng khoảng 5 kg/công. Có thể bón 2 loại vôi đá (CaO) hoặc vôi tôi (Ca(OH)2 đối với các vườn có nhiều nấm bệnh trong đất và PH <5,5 để giúp keo đất nhả mặn;
- Có thể sử dụng các chế phẩm phun qua lá giàu lân và kali khi cây đã “tỉnh” lại để bộ lá cứng cáp giúp cây tăng đề kháng và tăng cường quang hợp. Sau khi bộ rễ hồi phục thì sử dụng phân hóa học mới phát huy được tác dụng. Cần chú ý sử dụng các loại phân có hàm lượng lân và kali cao để tiếp tục hỗ trợ bộ rễ và rửa mặn.
Tuy nhiên với kịch bản nước biển dâng thêm 26cm vào năm 2050 cùng hệ lụy xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu vào đất liền thì người nông dân muốn canh tác các vùng cây ăn trái bền vững cần chủ động:
- Xem xét tổng quan về thiết kế vườn: hệ thống mương vườn khả năng duy trì nước tưới bao lâu trong thời gian hạn mặn (có thể áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm như tưới phun, tưới nhỏ giọt);
- Không tưới nước mặn: việc tưới nước mặn lâu ngày dù trong ngưỡng cây trồng có thể chịu được cũng sẽ làm tích tụ muối trong đất dẫn đến cây trồng bị ngộ độc mặn (cơ quan chuyên môn khuyến cáo độ mặn >0,2‰ thì không nên tưới);
- Xử lý rải vụ cây trồng: không để cây ra hoa, mang trái trong thời gian mặn (tốt nhất là xử lý cây ra lá già trong thời gian hạn, mặn);
- Tăng cường sử dụng phân hữu cơ: phân hữu cơ mang lại nhiều lợi ích trong canh tác nông nghiệp nói chung và cây ăn trái nói riêng thích ứng với biến đổi khí hậu vì giúp cải tạo đất, tăng cường độ tơi xốp giúp đất nhả mặn nhanh hơn, tăng khả năng giữ nước, và giữ ẩm tốt. Bên cạnh đó, phân hữu cơ còn cung cấp hệ vi sinh vật đặc biệt là các vi sinh vật phân giải lân, kali trong đất để bộ rễ phát triển cứng cáp, chống chọi tốt hơn trong điều kiện mặn.
Nhìn chung, trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, nông dân cần chuẩn bị với tâm thế thích ứng với hạn, mặn để có những biện pháp chuẩn bị ứng phó lâu dài để giữ vững được vườn cây trong điều kiện hạn mặn sẽ còn diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
Mỹ Lộc - Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã