Học tập đạo đức HCM

Xây dựng nông thôn mới từ sức mạnh lòng dân

Thứ sáu - 25/01/2013 02:17
Không được chọn là xã điểm nhưng những năm qua nhân dân xã Thụy Văn (huyện Thái Thụy) vẫn nỗ lực đồng lòng, chung sức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay xã đã đạt 12 tiêu chí, 3 tiêu chí khác cơ bản đạt, còn lại 4 tiêu chí đang huy động các nguồn lực để hoàn thành trong năm 2013.
Người dân đồng thuận
Đã nhiều lần đến Thụy Văn nhưng lần này trở lại tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay mạnh mẽ của làng quê nơi đây. Tại khu vực trung tâm chợ Dành, hàng hóa trưng bày đủ loại, kẻ bán người mua tấp nập; tiếng máy bào, máy cưa, máy cắt của hàng chục xưởng mộc, cơ khí phát ra rộn rã; ngay cạnh trung tâm thương mại rộng 8.000m2 được quy hoạch, tuyến đường trục xã đang khẩn trương thi công ... tất cả tạo nên không khí sôi động chẳng khác gì phố xá. Gặp tôi, Trưởng thôn An Định 1 - Mạnh Đình Thịnh phấn khởi khoe: "Hưởng ứng chủ trương xây dựng NTM, những năm qua người dân An Định không chỉ tích cực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mà còn đóng góp hàng ngàn ngày công, góp tiền của cứng hóa 100% tuyến đường giao thông trong thôn, xây dựng đình làng trị giá trên 3 tỷ đồng, hoàn thành dồn điền đổi thửa.
Đặc biệt, khi xã quy hoạch khu trung tâm, khu thương mại, đầu tư xây dựng tuyến đường trục chạy qua thôn, 100% hộ có đất đều chấp thuận nhường đất, có hộ còn tự nguyện hiến 18m2 để làm đường. Giờ đây, xóm làng khang trang, sạch đẹp, đường to, bờ lớn khung cảnh như trong mơ, ai cũng phấn khởi". Rời làng An Định ra cánh đồng thôn Văn Tràng, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm nông dân bất chấp cái rét như cắt da, cắt thịt vẫn mải miết thu hoạch cây vụ đông, đào đắp đường giao thông nội đồng. Nông dân Nguyễn Thị Muống chia sẻ: "Cả xóm tham gia lao động hơn nửa tháng nay, ngày nào cũng làm từ sáng sớm đến tối mịt, đông vui nên ai cũng làm việc nhiệt tình, quên hết mệt mỏi. Nhà nước hỗ trợ vật liệu, chúng tôi tham gia lao động, làm đường to, đẹp đi lại thuận tiện, máy móc xuống tận ruộng, nhiều người còn muốn góp thêm cả tiền nữa chứ". Đứng cạnh đó, Bí thư chi bộ thôn Văn Tràng - Đỗ Văn Tự tiếp lời: "Từ năm 2011 đến nay, nhân dân thôn Văn Tràng góp công lao động trị giá khoảng 600 triệu đồng để chỉnh trang đồng ruộng. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 100 người làm trên các cánh đồng và đã đào đắp được 1,5km đường giao thông nội đồng rộng 6,5m".
Không trông chờ, ỷ nại
Trao đổi với chúng tôi, cả Bí thư Đảng ủy xã Vũ Hữu Tiếp và Chủ tịch UBND xã Đào Viết Bộ chung một quan điểm: "Khi chưa có nguồn hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi vẫn xác định xây dựng NTM phải dựa vào sức mạnh lòng dân. Địa phương đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Mọi công việc lớn nhỏ của xã, của thôn đều được đưa ra họp bàn, lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân một cách công khai, dân chủ và khi lòng dân đồng thuận thì mọi việc tất thành công". Công trình đầu tiên tạo "sức bật" giúp  xã chuyển mình đi lên là những con đường được cứng hóa.
Trước hết, Đảng ủy có nghị quyết, UBND hỗ trợ 10% vật liệu, vận động nhân dân góp công, góp của cùng làm. Chỉ trong một thời gian ngắn, 100% hộ gia đình góp mỗi khẩu từ 100 đến 500 nghìn đồng (không tính công lao động) cứng hóa được 10,4 km đường trục thôn và ngõ xóm (đạt 98%). Để tiếp tục hoàn thiện tiêu chí về giao thông, địa phương đã đầu tư 4,5 tỷ đồng xây dựng tuyến đường trục xã dài 350m, rộng 7m, dự kiến sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2013.
Đặc biệt, ngay từ năm 2006, Thụy Văn đã đầu tư xây dựng Trường Mầm non khang trang với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng và là một trong những trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia đầu tiên của Thái Thụy. Khi xây dựng Trạm Y tế, Trường Tiểu học, xã cũng huy động nhân dân đóng góp mỗi công trình 80.000 đồng/khẩu chia ra trong 2 năm (4 vụ). Đến nay, cả Trường Mầm non, Tiểu học, THCS và Trạm y tế đều đã đạt chuẩn Quốc gia. Dù không là xã điểm nhưng ngay từ năm 2011, Thụy Văn tích cực đi đầu hoàn thành việc dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, bình quân mỗi hộ còn 1,7 thửa/hộ. Nhân dân góp công đào đắp xong toàn bộ các tuyến bờ vùng, bờ thửa với khối lượng 49.250m3, nếu quy ra tiền trên 1 tỷ đồng. Đối với tiêu chí môi trường, hiện nay 90% số dân của Thụy Văn đều sử dụng nước hợp vệ sinh, các thôn đều có tổ thu gom rác thải. Xã đã quy hoạch và chuẩn bị khởi công xây dựng khu chôn lấp và xử lý rác thải tập trung trên diện tích 14.000m2, tổng vốn đầu tư 3,9 tỷ đồng. Phát huy lợi thế  trung tâm tiểu vùng, có chợ Dành và làng nghề An Định nổi tiếng, ngoài sản xuất nông nghiệp, địa phương vận động nhân dân tích cực làm nghề: mộc, cơ khí, may mặc, xây dựng, mở rộng kinh doanh dịch vụ... nâng cao đời sống, thu nhập.
Năm 2012, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt 82,445 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm 35,54%, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản - thương mại dịch vụ chiếm 64,46%. Thu nhập bình quân đầu người  đạt 25 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 5,3%. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn được giữ vững. Đảng bộ, chính quyền nhiều năm liên tục đạt danh hiệu TSVM.
Quyết tâm về đích trong năm 2013
Chủ tịch UBND xã Đào Viết Bộ cho biết thêm: đến nay, nguồn vốn của xã và nhân dân đóng góp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh lên tới hàng chục tỷ đồng. Để đạt được các tiêu chí còn lại trong năm nay, xã đã rà soát lại toàn bộ các chỉ tiêu, lập kế hoạch, phân bổ nguồn vốn thực hiện cụ thể, chi tiết. Trước hết, vận động nhân dân tích cực đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm ngành nghề, thương mại dịch vụ tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Để tiếp thêm nguồn lực xây dựng NTM, vừa qua BTV Đảng ủy xã đã trực tiếp đi gặp con em xa quê vận động ủng hộ, nhiều người sẵn sàng góp sức xây dựng quê hương. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, ngân sách xã, trong quý I năm 2013, Thụy Văn sẽ khởi công xây dựng, mở rộng một số tuyến đường giao thông trục xã; kè các tuyến bờ đường ra đồng, cứng hóa các tuyến kênh mương theo phương án: lập dự toán, giao kế hoạch, mua vật tư giao cho các cơ sở, các thôn tự huy động nhân dân xây dựng và cử người giám sát. Đối với tiêu chí văn hóa, địa phương luôn là xã có phong trào mạnh nhất nhì huyện, hiện nay có 4/7 thôn đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, trong năm nay vận động bà con hoàn chỉnh xây dựng, mở rộng một số nhà văn hóa thôn, phấn đấu 1 đến 2 thôn đạt văn hóa thì sẽ đạt tiêu chí. Với những định hướng phát triển đúng đắn, tin rằng trong năm nay Thụy Văn sẽ "khoác" lên mình "tấm áo NTM" như đã định.
Bài, ảnh: Nguyễn Hình
http://baothaibinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập438
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm426
  • Hôm nay30,921
  • Tháng hiện tại209,488
  • Tổng lượt truy cập90,272,881
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây