Mầm bệnh cầu trùng heo gồm có 3 loại, loại 1 tên là Isospora, gây bệnh chủ yếu cho heo con 7 - 21 ngày tuổi (đa phần trong thực tế heo mắc bệnh cầu trùng là do Isospora suis gây ra). Ở heo lớn hơn thì do các loại trùng Eimeria gây ra như: E. debliecki, E.suis, E.perminuta, E.neodebliecki, E.porci, E.polita.
Thời gian ủ bệnh 5 - 6 ngày. Heo mệt mỏi, ăn kém, uống nước nhiều; Sau đó ỉa lỏng, phân màu vàng xám, có nhiều dịch nhày, lẫn máu. Mỗi lần ỉa, con vật thường cong lưng, cong đuôi rặn, phân mỗi lần ra ít.
Heo mắc bệnh mất nước, mất máu và rối loạn điện giải, có thể chết do kiệt sức sau 4 - 5 ngày phát bệnh. Heo con nếu khỏi bệnh cũng hồi phục chậm, giảm tăng trọng so với heo bình thường. Tỷ lệ chết của heo bệnh tùy thuộc vào sức đề kháng của cơ thể và điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc.
Bệnh sẽ trở nên trầm trọng nếu như ở heo bệnh có nhiễm trùng ruột thứ phát do E.coli và Salmonella spp… Tỷ lệ chết có thể tới 90 - 100% heo bệnh.
Mổ khám heo bệnh thấy niêm mạc ruột viêm loét, tróc lớp nhung mao ruột, xuất huyết do mao mạch ruột bị phá hủy. Do vậy, heo bệnh có nhiều dịch nhầy, lẫn máu trong ruột và thải theo phân ra ngoài.
Chẩn đoán lâm sàng: Căn cứ vào lứa tuổi nhiễm cầu trùng của heo 1 - 30 ngày và các triệu chứng lâm sàng đặc trưng: Ỉa chảy, phân có máu tươi và thể hiện triệu chứng lỵ.
Chẩn đoán phòng thí nghiệm: Xét nghiệm phân, tìm noãn nang cầu trùng theo phương pháp pháp phù nổi (Fulleborn). Để phân loại các cầu trùng, nuôi cấy noãn nang và theo dõi các giai đoạn phát triển của chúng đến bào tử thể (Zygote).
Chẩn đoán phân biệt: Cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh viêm ruột gây ỉa chảy của heo như: bệnh do E.coli, Salmonella spp, Rotavirus, vius TGE… bằng các phương pháp xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh ở heo.
Tuân thủ quy trình an toàn sinh học.
Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; Diệt nha bào bằng cách đốt nền chuồng khi đưa đàn mới hoặc phun thuốc sát trùng như: Iodine 10% hoặc Povidine 10%.
Điều trị dự phòng bằng thuốc cho heo con bắt đầu từ 3 - 5 ngày tuổi để chống các vi khuẩn kế phát gây viêm ruột tiêu chảy làm giảm đầu con và trọng lượng heo con xuất chuồng. Dùng một trong các loại thuốc sau: Diclacoc hoặc Bio-coc hoặc Sa-coc hoặc những chế phẩm có Toltrazurin (liều lượng, cách dùng theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm).
Bổ sung cho uống kết hợp: 4 g bổ gan + 2 g men tiêu hóa sống hòa chung vào 1 lít nước uống, giải độc, khôi phục hệ vi sinh vật có lợi đường ruột.
Nguyên tắc điều trị: Cầm máu, bổ sung nước và chất điện giải, tăng cường sức đề kháng, bổ sung năng lượng. Sau đó mới diệt cầu trùng và các loại vi khuẩn đường kế phát.
Cho uống điện giải, Gluco-C với liều điều trị: 3,5 g/1,5 lít nước. Pha uống cả ngày, uống liên tục 2 ngày.
Dùng thuốc diệt cầu trùng:
- Phác đồ 1: Bio-cox 5%: Pha 1 ml/2,5 kg TT/ngày; 8 giọt/kg TT. Buổi chiều kết hợp với Enrofloxacin hoặc Colimox, thực hiện 2 - 4 ngày liên tục.
- Phác đồ 2: Trộn 1 g Hupha-SCP-cầu trùng/lít nước; 2 g/kg thức ăn trong 5 - 10 ngày. Buổi chiều kết hợp với Enrofloxacin hoặc Colimox.
Dùng thuốc giải độc gan thận và tăng cường hấp thu ở ruột: 4 g bổ gan + 2 g men tiêu hóa sống hòa chung vào 1 lít nước.
PGS.TS Phạm Ngọc Thạch
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
(Nguồn nguoichannuoi.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã