Thực hiện quy định tại Khoản 8, Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thời gian vừa qua Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các điều kiện để được cấp Giấy phép môi trườngcho khoảng 300 trang trại, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh.
Do là quy định mới, điều kiện khắt khe, chặt chẽ hơn so với các quy định cũ nên việc hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục cho đến xây dựng công trình bảo vệ môi trường tại khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng gặp không ít khó khăn và mất nhiều thời gian.
Một cán bộ Sở TN-MT cho hay, theo quy định của pháp luật, trong vòng 36 tháng tất cả các trang trại chăn nuôi, cơ sở NTTS đều phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép môi trường. Đơn vị nào không thực hiện sẽ bị xử phạt 150 triệu đồng đối với cá nhân và mức 300 triệu đồng đối với tổ chức.
“Tất cả các đơn vị từ trước tới nay hoạt động theo ĐTM, hồ sơ môi trường thì bây giờ đều phải có Giấy phép môi trường hết. Giấy phép này tích hợp tất cả hồ sơ môi trường trước đây, từ nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ bụi, vận hành thử nghiệm…”, vị cán bộ nói. Đồng thời nhấn mạnh, khối trang trại chăn nuôi để được cấp Giấy phép môi trường theo đúng quy định cực kỳ khó làm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Công ty TNHH môi trường Hà Tĩnh – đơn vị tư vấn đề nghị cấp Giấy phép môi trường cho Công ty CP chăn nuôi Mitraco (Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) cho rằng, các điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường trong Giấy phép môi trường cao hơn nhiều so với ĐTM hay cam kết bảo vệ môi trường trước đây.
Theo ông, ĐTM cam kết bảo vệ môi trường là lý thuyết còn Giấy phép môi trường là cái thực tế, nó phải đi vào thực chất. Ví dụ như, ĐTM yêu cầu xây dựng 3 hồ biogas là đạt tiêu chuẩn thì nay, ngoài đạt tiêu chuẩn về số lượng, khi lấy mẫu đối chứng nếu không đạt thì đánh giá chung vẫn không đạt.
“Giấy phép môi trường thay thế cho rất nhiều loại giấy tờ như ĐTM, giấy phép xả thải, hoàn thành công trình, quan trắc định kỳ…nên tất cả các trang trại chăn nuôi đều phải làm. Tuy nhiên, để có được giấy phép này rất khó. Bởi ngoài đạt quy chuẩn quy định còn phải đạt cả cảm quan.
Trong quy chuẩn Việt Nam không quy định màu nước thải cuối cùng xả ra môi trường nên hầu hết nước thải chăn nuôi sau khi xử lý dù xét nghiệm đạt tiêu chuẩn xả thải nhưng màu nước hơi đỏ thì cũng phải xử lý thêm để nước trong hơn nhằm tránh những ý kiến vào ra, khiếu kiện của người dân”, ông Tú nói.
Chia sẻ quá trình Công ty CP chăn nuôi Mitraco thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép môi trường, ông Nguyễn Ngọc Tú cho hay, ngoài tốn kém tiền bạc, việc bổ sung, điều chỉnh các hạng mục cộng trình, hồ sơ cũng mất rất nhiều thời gian.
“Phải mất 1 năm Công ty CP chăn nuôi Mitraco mới được cấp Giấy phép môi trường. Đây là một trong 2 đơn vị đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh được cấp giấy phép này.
Hiện Sở TN-MT đang làm văn bản đôn đốc, nhắc nhở các chủ trang trại, cơ sở NTTS đẩy nhanh việc hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường, sớm trình hồ sơ xin cấp Giấy phép môi trường theo quy định pháp luật.
Để có được kết quả đó, ngoài đầu tư nhiều tỷ đồng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, trang trại này còn phải điều chỉnh lại quy hoạch khớp với thực tế. Các hồ, các bể, chuồng ở vị trí nào, khoảng cách bao nhiêu đều phải đúng quy hoạch 100%”, ông Tú cho biết.
Vị giám đốc cũng chia sẻ thêm, sau khi tư vấn cho 3 trang trại ở các huyện Kỳ Anh, Can Lộc và Hương Khê, ông nhận thấy thực trạng phổ biến hiện nay, hầu hết các trang trại trên địa bàn Hà Tĩnh xây dựng không đúng quy hoạch nên khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép mất nhiều thời gian, kinh phí.
Xác định nhiệm vụ bảo vệ môi trường phải song hành với hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ năm 2020 đến nay, Công ty CP chăn nuôi Mitraco dành số tiền hơn 4,3 tỷ đồng đầu tư các hạng mục bảo vệ môi trường tại Trung tâm chăn nuôi lợn nái xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh.
Cụ thể, đầu tư máy ép phân xử lý chất thải, không để lượng phân tồn đọng trong khuôn viên trang trại nhằm hạn chế mùi môi phát sinh; bổ sung thêm 10 hệ thống dập mùi sau các chuồng nuôi; bổ sung chế phẩm Ammoccuc 30% và một số chế phẩm khác vào thức ăn nhằm tăng quá trình hấp thụ thức ăn của vật nuôi, hạn chế mùi; duy trì enzyme phun tại chuồng, mương nước thải; trồng keo lá tràm, cây trúc, cây ăn quả để hấp thu mùi hôi; giảm quy mô nuôi, không nuôi lợn con, lợn thương phẩm tại trang trại.
Thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước hạn chế lượng nước thải xả ra môi trường; đầu tư làm mới hệ thống hồ biogas, hồ chứa nước thải; đồng thời xây hố khử trùng đường ống dẫn nước sinh hoạt…
“Ngoài các hạng mục công trình trên, chúng tôi còn thu gom khí thải làm năng lượng phát điện; đầu tư công nghệ nuôi cấy vi sinh vật xử lý nước thải… Tất cả đều nhằm mục tiêu giảm thiểu tối đa tác động của hoạt động chăn nuôi đến môi trường nói chung”, ông Hồ Sỹ Huy Thảo, Giám đốc công ty nhấn mạnh.
Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;